Mở rộng G7: Nhiều ý kiến khác biệt

.

Người phát ngôn chính phủ Nhật Bản Yoshihide Suga ngày 29-6 cho rằng, việc duy trì khuôn khổ hiện tại của nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) là rất quan trọng. Nghĩa là theo ông Suga, G7 chỉ nên có sự hiện diện của Mỹ, Canada, Pháp, Anh, Đức, Ý và Nhật Bản.

Các nhà lãnh đạo G7 nhóm họp ở Biarritz, tây nam nước Pháp vào tháng 8-2019.  Ảnh: AP
Các nhà lãnh đạo G7 nhóm họp ở Biarritz, tây nam nước Pháp vào tháng 8-2019. Ảnh: AP

Hãng Reuters cho biết, trong cuộc họp báo ở Tokyo ngày 29-6, người phát ngôn chính phủ Nhật Bản Yoshihide Suga không xác nhận nội dung do hãng Kyodo đăng tải cho rằng, Tokyo phản đối Hàn Quốc tham gia cuộc họp G7 mở rộng sắp tới. Trong một chương trình phát sóng trên truyền hình ngày 28-6, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi cũng nhấn mạnh: “Điều quan trọng là phải giữ khuôn khổ G7 như nó vốn có. Tôi tin đây là sự đồng thuận chung”.

Hồi tháng 5, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố hoãn hội nghị thượng đỉnh G7 dự kiến diễn ra vào tháng 6 do ông chủ trì vì cảm thấy “G7 không đại diện cho những gì đang diễn ra trên toàn thế giới”. Nhà lãnh đạo này dự kiến tổ chức hội nghị của “các ông lớn” G7 vào khoảng tháng 9 và muốn mời thêm Nga, Úc, Ấn Độ, Hàn Quốc tham gia. Tổng thống Trump từng nói với người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in trong cuộc điện đàm hồi đầu tháng 6 rằng, ông có thể mời cả Brazil và nhóm mở rộng này sẽ được đặt tên là “G11” hoặc “G12”, thay vì duy trì khuôn khổ G7.

Hãng Kyodo cho hay, sau tuyên bố của Tổng thống Trump, một quan chức cấp cao của Nhật Bản đưa ra thông điệp rằng, Tokyo không ủng hộ Seoul trở thành thành viên G7. Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho rằng, quyết định mời nước ông, Nga, Úc và Ấn Độ tham gia hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng là phương án phù hợp. Theo Nhà Xanh, nếu ông Moon Jae-in đến Mỹ dự hội nghị thượng đỉnh G7, nghĩa là Hàn Quốc sẽ trở thành “thành viên chính thức” của cơ chế quốc tế mới này, chứ không phải là quan sát viên tạm thời.

Ngoài ý kiến của Nhật Bản, Thủ tướng Canada Justin Trudeau phản đối việc mời Nga tham dự sự kiện nói trên. “Điều thực sự quan trọng là duy trì tổ chức hội nghị này và bảo đảm chúng ta đang phối hợp quốc tế trong thời điểm khủng hoảng”, ông Trudeau nói. Nga bị Mỹ và các nước châu Âu gây sức ép loại khỏi G8 vào năm 2014 sau vụ sáp nhập bán đảo Crimea. Lúc đó, G8 được đổi thành G7. Giờ đây, Anh cũng không muốn sự trở lại của Nga.

Theo báo The National Interest, G7 được thành lập trong lúc xảy ra khủng hoảng kinh tế vào đầu những năm 1970 nhằm mang đến sự hợp tác lớn hơn về chính sách kinh tế vĩ mô giữa những nước thành viên. Từ đó, nhóm này giải quyết hàng loạt vấn đề, từ an ninh quốc tế đến suy thoái môi trường. Hiện G7 chiếm khoảng 58% tài sản toàn cầu và đóng góp khoảng 46% vào GDP toàn cầu. Việc ông Trump muốn mở rộng G7 cho thấy Washington dự kiến đưa các mối lo ngại về Trung Quốc vào chương trình nghị sự của nhóm. Với sức mạnh quân sự và kinh tế, cùng vị trí địa lý xung quanh Trung Quốc, 4 nước Nga, Úc, Ấn Độ, Hàn Quốc có thể trở thành các đối tác chiến lược quan trọng của Mỹ trong lúc Washington tìm cách gây áp lực với Bắc Kinh.

Thực tế, Hàn Quốc và Úc là đồng minh lâu năm của Mỹ, trong khi Ấn Độ có nhiều bất đồng với Trung Quốc, bao gồm cả khu vực Ladakh ở biên giới. Giữa tháng 6 vừa qua, ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ đã thiệt mạng trong vụ đụng độ với binh lính Trung Quốc tại thung lũng Galwan, thuộc vùng Ladakh, trong khu vực tranh chấp Kashmir. Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhất của Úc với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 235 tỷ USD vào năm ngoái. Song, từ khi Covid-19 bùng phát, mối quan hệ giữa Úc và Trung Quốc “lao dốc”…

Việc mở rộng G7 có thể là nỗ lực mới nhất của Mỹ nhằm củng cố một liên minh quốc tế không có Trung Quốc. Dĩ nhiên, với tư cách Chủ tịch G7, Mỹ có thể mời thêm các nước tham dự hội nghị thượng đỉnh thường niên… Tuy nhiên, việc mở rộng thành viên thường trực của G7 đòi hỏi nhận được sự đồng thuận từ tất cả các nước thành viên. Với nhiều ý kiến khác biệt như vậy, ý tưởng mở rộng G7 của Tổng thống Trump đang gặp khó và không dễ thực hiện được.

PHÚC NGUYÊN
 

;
;
.
.
.
.
.