Tổng thống Donald Trump chỉ mới tuyên bố giảm 9.500 binh sĩ Mỹ tại Đức chứ chưa chính thức rút quân, nhưng động thái này là một bước đi nữa cho thấy quan hệ đồng minh giữa Washington và các nước châu Âu trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiếp tục rạn nứt.
Tổng thống Donald Trump gặp gỡ các binh sĩ Mỹ tại căn cứ không quân Ramstein ở Đức vào ngày 27-12-2018. Ảnh: AP |
Mối quan hệ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Đức Angela Merkel không còn nồng ấm suốt 3 năm qua. Cốt lõi là ông Trump không hài lòng với quan điểm chủ nghĩa đa phương tự do của bà Merkel. Việc nữ Thủ tướng Đức từ chối sang Mỹ dự hội nghị thượng đỉnh G7 càng cho thấy quan hệ Washington - Berlin không thực sự tốt đẹp. Ngoài ra, ông Trump cho rằng, Berlin không chi tiêu đủ cho quốc phòng theo yêu cầu của NATO và giữa hai nước cũng xảy ra mâu thuẫn thương mại.
Đức chỉ góp 1,4% GDP cho quốc phòng NATO
Hãng AFP cho biết, theo yêu cầu của Tổng thống Trump, Bộ Quốc phòng Mỹ giảm số binh sĩ Mỹ đồn trú tại Đức từ 34.500 người xuống còn khoảng 25.000 người. Ông Richard Grenelll vừa từ chức Đại sứ Mỹ tại Đức cách đây 2 tuần nói với tờ Bild rằng, không ngạc nhiên khi ông Trump muốn rút quân. Cựu đại sứ cho biết, chính ông đã từng thúc đẩy Đức tăng chi tiêu quốc phòng và thảo luận cởi mở về việc rút quân từ mùa hè năm trước. Ông từng viết trên Twitter: “Thật khó chịu khi người dân Mỹ đóng thuế để nuôi quân ở Đức, còn người Đức dùng tiền của mình để tiêu xài cá nhân”.
Sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Đức đã giảm mạnh kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nhưng quốc gia này vẫn là một trung tâm đồn trú quan trọng đối với lực lượng quân đội Mỹ. Washington sử dụng các căn cứ tại Đức để điều phối các hoạt động quân sự ở châu Âu, châu Phi và Trung Đông.
Theo AP, các cơ sở quân sự của Mỹ ở Đức không chỉ để bảo vệ nước này mà còn thể hiện dấu chân của quân đội Mỹ trên toàn cầu. Căn cứ không quân Ramstein trước hết là trụ sở lực lượng không quân Mỹ ở châu Âu và sau đó là trung tâm quan trọng cho các hoạt động tại Trung Đông, châu Phi. Trung tâm y tế khu vực Landstuhl là nơi cứu sống rất nhiều người Mỹ từng bị thương ở Iraq và Afghanistan. Ngoài ra, còn có các trụ sở tại thành phố Wiesbaden, căn cứ máy bay chiến đấu Spangdahlem F-16 và khu huấn luyện Grafenwoehr là cơ sở đào tạo lớn nhất của NATO ở châu Âu.
Hiện tại, Ba Lan đóng góp 2% GDP cho quốc phòng, trong khi Đức chỉ góp 1,4% GDP trong năm 2019. Tổng thống Ba Lan Andreij Duda từng có cuộc nói chuyện với Tổng thống Trump tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng về khả năng chuyển quân đội Mỹ từ Đức sang. Ông Duda có vẻ hứng thú với kế hoạch đón nhận quân đội Mỹ đóng tại nước mình khi đồng ý bỏ ra 2 tỷ USD để xây dựng căn cứ với tên gọi Fort Trump (Pháo đài Trump).
Cơ hội để châu Âu tự bảo vệ mình
Nghị sĩ Johann Wadephul trong đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Angela Merkel đánh giá việc Mỹ giảm quân số tại Đức thể hiện chính phủ của Tổng thống Trump “thờ ơ với nhiệm vụ lãnh đạo cơ bản”, đồng thời càng cho thấy châu Âu cần tự chủ hơn về phòng thủ.
Nhiều thành viên đảng Cộng hòa Mỹ nhận định, việc Washington rút bớt quân ở Đức sẽ mang lại lợi ích cho Nga và Trung Quốc. Nếu các thành viên châu Âu trong NATO không tăng cường đóng góp quân sự cùng Mỹ thì tới lúc phải tự thân vận động bởi “cái ô an ninh” mà Washington che cho các nước châu Âu sẽ nhỏ lại. Rủi ro này có thể tạo ra sự chia rẽ giữa các thành viên châu Âu trong khối NATO. Các quốc gia ở vùng Baltic, Ba Lan muốn ràng buộc chặt chẽ hơn với Washington bởi e ngại khả năng dễ bị tổn thương trước áp lực của Nga. Số khác như Đức, Pháp… coi đây là lý do chính đáng để thúc đẩy chính sách quốc phòng và an ninh cho riêng EU. Theo giới quan sát, động thái của Mỹ có nguy cơ làm xói mòn khối liên minh quân sự NATO.
Tuy nhiên, cái khó là châu Âu đang thiệt hại nặng nề vì Covid-19 nên chưa thể bàn bạc về một chính sách to lớn như thế. Mỹ dẫn đầu NATO tăng cường sự hiện diện ở Ba Lan và Baltic sau khi vụ bán đảo Crimea được sáp nhập vào Nga năm 2014. Ông Trump khác với các vị tiền nhiệm bởi không xác định Đức là đồng minh quan trọng của Mỹ. Các chính trị gia Đức cũng như châu Âu đang ngóng chờ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.
Họ hy vọng ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden sẽ đánh bại ông Trump để điều hành Nhà Trắng. Lúc đó, mối quan hệ Mỹ - EU sẽ được cải thiện để khối gồm 27 nước thành viên có thể chống lại áp lực từ Nga và Trung Quốc mà không phải xây dựng chính sách quốc phòng tách rời khỏi Mỹ.
TỊNH BẢO