Australia gửi công hàm lên LHQ, bác yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông

.

Australia vừa gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc, trong đó tuyên bố yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là không có căn cứ pháp luật.

Tàu đổ bộ HMAS Canberra (trước) của Hải quân Australia. Ảnh: Hải quân Australia
Tàu đổ bộ HMAS Canberra (trước) của Hải quân Australia. Ảnh: Hải quân Australia

Công hàm mà Australia gửi LHQ vào hôm qua (24-7) khẳng định, “chính phủ Australia phản đối bất kỳ yêu sách nào của Trung Quốc không phù hợp với Công ước của LHQ về luật biển 1982, đặc biệt là các yêu sách hàng hải không tuân thủ các quy tắc về đường cơ sở, vùng biển và phân loại các thực thể”.
Công hàm khẳng định “Australia phản đối các yêu sách về quyền lịch sử hoặc quyền hàng hải cũng như việc thiết lập các hoạt động có tính chất lịch sử lâu dài ở Biển Đông”. Australia nhấn mạnh, “phán quyết của Tòa trọng tài về Biển Đông năm 2016 đã khẳng định các yêu sách này không phù hợp với Công ước của LHQ về luật biển 1982” và khẳng định các yêu sách này là “không có giá trị”.

Công hàm của Australia gửi LHQ cũng nhấn mạnh, “không có cơ sở cho các yêu sách của Trung Quốc để xác định đường cơ sở thẳng nối ngoài cùng của các thực thể hoặc nhóm đảo ở Biển Đông bao gồm Tứ Sa, thềm lục địa hoặc các quần đảo xa bờ”. Australia cũng bác bỏ yêu sách đối với vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa dựa trên các đường cơ sở thẳng như vậy.

Công hàm cũng đồng thời phản đối yêu sách của Trung Quốc đối với các thực thể chìm dưới nước hoặc thực thể nửa nổi nửa chìm theo quy định của Công ước của LHQ về luật biển năm 1982. Công hàm khẳng định, “không có căn cứ pháp luật cho việc xác định các vùng biển ngoài các quy định của Công ước của LHQ về luật biển 1982”. Vì vậy, “chính phủ Australia không chấp nhận bất kỳ việc thay đổi hiện trạng của các thực thể nhân tạo để trở thành đảo theo Công ước của LHQ về luật biển”.

Công hàm cũng nhấn mạnh, “chính phủ Australia cũng không chấp nhận Công hàm mà Trung Quốc gửi LHQ ngày 17-04-2020 trong đó khẳng định yêu sách của nước này đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.

Công hàm cũng “bày tỏ sự lo ngại” của Chính phủ Australia liên quan đến các yêu sách và các hành động liên tục đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc đối với các thực thể nửa nổi nửa chìm mà không tạo thành một phần của lãnh thổ đất liền của một quốc gia.

Australia gửi công hàm này sau khi Mỹ bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Các tuyên bố này một lần nữa khẳng định các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là không có căn cứ pháp luật và không được cộng đồng quốc tế công nhận.

Theo VOV

;
;
.
.
.
.
.