Căng thẳng với Trung Quốc, Ấn Độ chọn Nga hay Mỹ?

.

Ấn Độ sẽ chọn “bạn lâu năm” Nga hay Mỹ - nước đã công khai lên tiếng ủng hộ quốc gia đồng minh Nam Á trong xung đột với Trung Quốc?

Việc Ấn Độ phê duyệt hợp đồng quân sự 2,4 tỷ USD với Nga hồi tuần trước khiến nhiều người đặt câu hỏi về sự khôn ngoan của Ấn Độ khi dựa vào Nga trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc ở dãy Himalaya.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chào đón Tổng thống Nga Vladimir Putin tại New Delhi ngày 5-10-2018. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chào đón Tổng thống Nga Vladimir Putin tại New Delhi ngày 5-10-2018. Ảnh: Reuters

Ấn Độ sẽ dựa vào Nga hay Mỹ?

Điều được quan tâm nhất là liệu Nga có còn là một đồng minh đáng tin cậy của Ấn Độ hay khôngkhi mà nước này cũng đang thắt chặt các mối quan hệ với Trung Quốc – đối tác thương mại hàng đầu của Moscow?

Điểm thứ 2 mà các nhà phân tích đặt câu hỏi là liệu liên kết chặt chẽ hơn với Mỹ - nước đã công khai lên tiếng ủng hộ Ấn Độ trong xung đột hiện nay với Trung Quốc, có phải là lựa chọn tốt hơn so với Nga hay không?

Một số nhà phân tích cho rằng New Delhi sẽ chọn cách tiếp tục xây dựng các mối quan hệ có bề dày lịch sử với Nga, trong khi vẫn tìm cách thắt chặt quan hệ với Mỹ hơn nữa.

Theo nhà phân tích chính trị Rajeshwari Rajagopalan, vẫn có những hoài nghi trong ngoại giao giữa Ấn Độ với Mỹ do sự “va chạm” lịch sử giữa 2 bên trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi Ấn Độ khi đó có mối quan hệ gần gũi thấy rõ với Liên Xô trong khi Mỹ ủng hộ đối thủ của Ấn Độ là Pakistan trong các vấn đề chiến lược.

“Do vậy, nhiều người tin rằng Ấn Độ sẽ không ‘đặt tất cả trứng vào 1 giỏ’ mà sẽ tiếp tục theo đuổi con đường trung lập bằng cách thúc đẩy mối quan hệ với cả Nga và Mỹ”, Rajagopalan, nhà nghiên cứu hàng đầu, đồng thời là người đứng đầu Sáng kiến Chính sách Hạt nhân và Không gian tại Tổ chức Nghiên cứu Người quan sát ở New Delhi, nói.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Mỹ Donald Trump rời khỏi sân khấu sau cuộc mít tinh vào ngày 22-9-2019 tại Houston, Texas. Ảnh: CNN.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Mỹ Donald Trump rời khỏi sân khấu sau cuộc mít tinh vào ngày 22-9-2019 tại Houston, Texas. Ảnh: CNN.

Nga vẫn là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Ấn Độ, và mối quan hệ liên minh giữa 2 bên, vốn được liên tục vun đắp từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh, vẫn trụ vững trước những thay đổi trong trật tự toàn cầu.

Tuần trước, sau khi Nga thuyết phục Ấn Độ và Trung Quốc tham gia vào một hội nghị cấp cao 3 bên và tiếp đón Bộ trưởng Quốc phòng của cả 2 nước nhân dịp kỷ niệm 75 năm chiến thắng trong Thế chiến 2, chính phủ Ấn Độ đã phê duyệt kế hoạch mua mới 33 tiêm kích của Nga, nâng cấp 59 tiêm kích (đã mua của Nga trước đó) để đẩy mạnh năng lực không quân.

Cũng trong tuần đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin để chúc mừng Nga đã tổ chức thành công cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi Hiến pháp.

Giáo sư Pandey nói rằng, những yếu tố kể trên cho thấy mối quan hệ đối tác Nga-Ấn vẫn mạnh mẽ và cho thấy mối quan hệ có bề dày lịch sử của 2 nước.

Tuy nhiên, Nga cũng đang củng cố mối quan hệ với Trung Quốc.

“Trung Quốc là thị trường lớn tiềm năng của Nga, đặc biệt là ở các khía cạnh như khí đốt tự nhiên mà Moscow không thể bán cho phương Tây do các lệnh trừng phạt”, Sanjay Kumar Pandey, giáo sư nghiên cứu về chính sách đối ngoại của Nga tại Đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi, cho biết.

Thương mại song phương Nga-Trung đạt mức 100 tỷ USD trong năm 2018 và 2 nước cam kết tăng gấp đôi con số này trong vài năm tới. Tháng 6-2018, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã dành cho nhà lãnh đạo Nga nghi thức đón tiếp trang trọng nhất tại Bắc Kinh, đồng thời dành những lời ca ngợi cho Tổng thống Vladimir Putin, gọi ông là “người bạn tốt nhất”.

Giáo sư Pandey cho rằng, tình bằng hữu này đồng nghĩa với việc Nga sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc xoa dịu những căng thẳng biên giới Trung-Ấn.

Bạn cũ có đồng nghĩa với đối tác đáng tin cậy?

Dữ liệu từ Viện nghiên cứu hòa bình Stockholm (SIPRI) cho thấy, chỉ riêng trong 10 năm qua, hơn 65% mua sắm quốc phòng của Ấn Độ là từ Nga. Mỹ đứng thứ 2 nhưng chỉ với hơn 11%.

Tuy nhiên, Nga không chỉ bán vũ khí cho Ấn Độ. Năm 2014, Nga dỡ bỏ cấm vận về bán vũ khí cho Pakistan, cho phép Islamabad mua các trực thăng tấn công của Moscow. Trong khi đó, Ấn Độ và Pakistan thường xuyên xảy ra các tranh chấp và xung đột quân sự đẫm máu.

Ngoài Pakistan, Nga cũng bán vũ khí cho Trung Quốc - một yếu tố nữa khiến New Delhi cảm thấy không thoải mái.

Theo nhà phân tích Rajagopalan, Ấn Độ phải thừa nhận rằng, Nga ngày nay không còn là đất nước đã từng hỗ trợ họ suốt 70 năm qua nữa. Bà nhắc lại một ví dụ năm 2019 đã làm ảnh hưởng đến niềm tin của Ấn Độ đối với Nga: Trong một cuộc tham vấn kín tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về vấn đề Kashmir do Ấn Độ kiểm soát (sau quyết định của New Delhi hủy bỏ quy chế đặc biệt của khu vực này), Nga đã đề nghị giải quyết xung đột theo cách phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc. Điều này đã khiến Ấn Độ bất ngờ, bởi New Delhi cho rằng Nga sẽ có chung quan điểm.

“Động thái khi đó cho thấy có sự đảo ngược vai trò giữa Nga và Mỹ. Thông thường, Nga ủng hộ Ấn Độ về vấn đề Kashmir còn Mỹ ủng hộ Pakistan. Nhưng đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy nước Nga mới sẽ không làm điều đó”, bà Rajagopalan nói.

Tuy nhiên, giáo sư Pandey phản bác quan điểm này, cho rằng, thực tế Nga đồng ý bán các tiêm kích mới cùng hàng loại khí tài khác trong bối cảnh Ấn Độ căng thẳng với Trung Quốc cũng là một dấu hiệu cho thấy sự bền vững của mối quan hệ Nga-Ấn vốn có bề dày lịch sử hơn so với quan hệ Nga-Trung.

Một số nhà phân tích nói rằng mối quan hệ của Nga với Ấn Độ sẽ đi theo hướng nào còn phụ thuộc vào các mối quan hệ riêng của Nga với Trung Quốc.

Bắc Kinh đã từ chối “theo” các nước phương Tây trong việc áp đặt trừng phạt Moscow sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. Trong khi đó, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và xu hướng cô lập Bắc Kinh về kinh tế và ngoại giao lại đang trở thành cơ hội để mối quan hệ Nga-Trung được củng cố thêm.

“Quan điểm mà nhiều người thường thấy ở Nga là Moscow cần một tiếng nói toàn cầu mạnh mẽ ủng hộ mình. Tiếng nói đó đến từ Trung Quốc chứ không phải Ấn Độ và nếu phải lựa chọn thì Moscow chắc chắn sẽ chọn Bắc Kinh chứ không phải New Delhi”, bà Rajagopalan nói.

Trong khi đó Giáo sư Pandey cho rằng, Ấn Độ nên đảm bảo nước này sẽ vẫn có mối quan hệ chặt chẽ với Nga. Theo ông, Nga và Trung Quốc có sự nghi ngờ mang tính lịch sử dấy lên từ các xung đột quân sự và tranh chấp lãnh thổ trước đây. Về trung hạn và dài hạn, các lợi ích chiến lược của Nga sẽ hội tụ với Ấn Độ hơn là với Trung Quốc.

Uday Bhaskar, Phó Đề đốc nghỉ hưu của Hải quân Ấn Độ tin rằng, Nga có thể đang thực sự nắm giữ chìa khóa để Ấn Độ thỏa thuận với Trung Quốc về những xung đột biên giới, nhấn mạnh chuyến thăm gần đây của giới chức Ấn Độ tới Moscow cũng như việc mua sắm vũ khí, thiết bị quân sự của Nga.

“Con đường của Ấn Độ là củng cố quan hệ với Nga và đảm bảo rằng bất cứ những gì New Delhi cần thiết trong tình huống khẩn cấp – để đối phó với Trung Quốc sau xung đột ở Galwan – đều sẽ được Nga sẵn sàng cung cấp”, ông Bhaskar nhận định.

Theo VOV.VN

;
;
.
.
.
.
.