Châu Á ứng phó làn sóng thứ hai Covid-19

.

Các nước trên khắp châu Á đang đối mặt với làn sóng thứ hai của Covid-19. Một số quốc gia tái áp đặt lệnh phong tỏa, nhưng cũng có nước chủ trương mở cửa nền kinh tế song song với công tác chống dịch.

Xét nghiệm SARS-CoV-2 tại thành phố Đại Liên của Trung Quốc ngày 27-7. Ảnh: AFP/Getty Images
Xét nghiệm SARS-CoV-2 tại thành phố Đại Liên của Trung Quốc ngày 27-7. Ảnh: AFP/Getty Images

Theo Tân Hoa xã, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) ngày 28-7 công bố 68 ca mắc Covid-19 mới, bao gồm 4 ca nhập cảnh và 64 ca lây nhiễm trong cộng đồng. 68 ca nhiễm mới là con số cao nhất được ghi nhận trong một ngày ở Trung Quốc đại lục kể từ tháng 4 đến nay. Trong số những ca lây nhiễm cộng đồng, có 6 ca ở thành phố cảng Đại Liên thuộc tỉnh Liêu Ninh, 1 ca ở thủ đô Bắc Kinh, còn lại 57 ca đều ở khu tự trị Tân Cương. Hiện thành phố Đại Liên đã lấy mẫu gần 1,7 triệu người trong số 6 triệu dân để xét nghiệm, còn ca nhiễm mới ở Bắc Kinh có liên quan ổ dịch Đại Liên.

Tại Úc, các nhà chức trách cảnh báo lệnh phong tỏa được áp đặt trong 6 tuần ở một số vùng thuộc bang Victoria có hiệu lực từ nửa đêm 8-7 có thể kéo dài hơn khi số ca nhiễm vẫn không ngừng tăng. Hãng Reuters cho biết, ngày 28-7, Thủ tướng Úc Scott Morrison cắt ngắn cuộc làm việc với Thủ tướng New Zealand New Zealand tại Sydney để tập trung ứng phó với tình hình dịch bệnh mà ông mô tả là “rất phức tạp” ở thành phố Melbourne, thuộc bang Victoria - “điểm nóng” trong đợt bùng phát làn sóng thứ hai của dịch bệnh.

Victoria - bang đông dân thứ hai của Úc - ngày 28-7 ghi nhận 384 ca nhiễm mới, giảm so với đỉnh điểm của ngày trước đó, nhưng có 6 ca tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong ở quốc gia châu Á này lên 167. Tuy Úc không có tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao như các nước khác nhưng làn sóng thứ hai của dịch bệnh khiến các nhà chức trách phải phong tỏa Melbourne. Hiện chính quyền áp dụng quy định bắt buộc người dân đeo khẩu trang ở Melbourne và toàn bang Victoria.

Tại Nhật Bản, nước này đã dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp hồi tháng 5 nhưng giờ đây chứng kiến làn sóng tái phát các ca nhiễm. Thủ đô Tokyo ghi nhận số ca nhiễm mới trung bình trong 7 ngày gần đây là 258 ca, gấp 4 lần so với trước đó. Hôm 23-7, Nhật Bản có số ca nhiễm mới cao kỷ lục: 981 người. Song, Thủ tướng Abe Shinzo vẫn bảo vệ chủ trương vừa kiểm soát dịch, vừa mở cửa nền kinh tế.

Ở khu vực Đông Nam Á, theo Reuters, tổng số ca nhiễm ở Indonesia đã vượt mốc 100.000. Với 1.500 ca nhiễm mới và 57 ca tử vong trong ngày 27-7, nước này có tổng cộng 100.300 ca nhiễm và 4.800 ca tử vong. Chỉ một tuần trước đó, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cải tổ Ủy ban chống Covid-19 theo hướng tập trung phục hồi kinh tế song song với ứng phó dịch bệnh. Không như một số nước láng giềng, Indonesia không dùng biện pháp phong tỏa bởi ông Widodo cho rằng cách thức nghiêm ngặt này sẽ gây tổn hại đến người nghèo. Thậm chí, đảo Bali còn dự kiến đón du khách trở lại kể từ ngày 11-9.

Song, bà Laura Navika Yamani, nhà dịch tễ học tại Đại học Airlangga (Indonesia), cho rằng chính phủ nên cảnh giác với việc mở cửa nền kinh tế mà không cải thiện việc xét nghiệm và truy vết. Tổng thống Widodo mấy ngày trước dự đoán dịch bệnh sẽ không đạt đỉnh ở Indonesia cho đến tháng 8 hoặc tháng 9.

Trong khi đó, tại Philippines, chính phủ đang xem xét có nên tái áp đặt lệnh phong tỏa hay không, khi số ca nhiễm và tử vong gia tăng. Kể từ khi lệnh phong tỏa được nới lỏng từ ngày 1-6 đến nay, Philippines ghi nhận hơn 62.300 ca nhiễm mới.

Covid-19 là đại dịch nguy hiểm nhất

Hãng Reuters dẫn lời Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng, Covid-19 là đại dịch toàn cầu nguy hiểm nhất từ trước đến nay. Theo đó, ông Tedros sẽ triệu tập Ủy ban Khẩn cấp của WHO trong tuần này để đánh giá về nguy cơ đại dịch.
WHO đã 5 lần ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu: 2 lần bùng phát dịch Ebola (năm 2014 và 2018), dịch Zika (2016), bệnh bại liệt (2014) và dịch cúm H1N1 (2009).

Đối với Covid-19, đại dịch này đã làm hơn 16,4 triệu người nhiễm 654.000 người tử vong. Mỹ có số ca nhiễm cao nhất, với 4,4 triệu ca. Kế đến là Brazil với 2,4 triệu ca và Ấn Độ với 1,4 triệu ca. Dù số ca nhiễm mới tăng cao nhưng chính phủ Ấn Độ vẫn nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại.

BÌNH YÊN

;
;
.
.
.
.
.