Châu Âu giảm bất đồng để ứng phó Covid-19

.

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) sẽ tìm cách thu hẹp bất đồng để đạt thỏa thuận về kế hoạch phục hồi sau đại dịch Covid-19 khi nhóm họp tại Brussels (Bỉ) vào ngày 17 và 18-7 tới.

Phát biểu tại Nghị viện châu Âu ngày 8-7, Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi 27 thành viên EU đoàn kết. Ảnh: The Telegraph
Phát biểu tại Nghị viện châu Âu ngày 8-7, Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi 27 thành viên EU đoàn kết. Ảnh: The Telegraph

Hội nghị thượng đỉnh EU ngày 17 và 18-7 sẽ đánh dấu sự đoàn kết hay chia rẽ của khối gồm 27 thành viên về ngân sách mới của khối giai đoạn 2021-2027. Đây cũng sẽ là cuộc gặp gỡ trực tiếp đầu tiên của các nhà lãnh đạo EU kể từ khi Covid-19 bùng phát.

Vấn đề đặt ra là chính các nước bị ảnh hưởng nặng nề đại dịch Covid-19 đang hoài nghi giá trị của EU. Chỉ có một cách hóa giải sự hoài nghi này, đó là các nước phải gạt bỏ bất đồng để có được tiếng nói chung, như lời kêu gọi của Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Bà Merkel đến Brussels vào ngày 8-7 để tham dự cuộc họp theo lời mời của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nhằm chuẩn bị cho sự kiện ngày 17 và 18-7. Hãng Reuters cho biết, tại hội nghị tới, nhiều kỳ vọng dồn vào Đức, nền kinh tế lớn nhất EU và là nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của khối trong 6 tháng.

Song, trong lúc xảy ra bất đồng giữa các nước Bắc Âu, Tây Âu với Nam Âu xung quanh ngân sách của khối, nhất là về tiêu chí và mức phân bổ cụ thể, chưa có dấu hiệu nào cho thấy Đức có thể thúc đẩy đạt được đột phá trong đàm phán xây dựng ngân sách.

Ngày 8-7, tại Brussels, phát biểu với các nghị sĩ EU đang đeo khẩu trang và ngồi cách nhau bởi những ghế trống, Thủ tướng Merkel kêu gọi đoàn kết, châu Âu phải “dựa vào chính mình” để thông qua kế hoạch phục hồi kinh tế trị giá 750 tỷ euro (khoảng 845 tỷ USD) vào mùa hè này. Hãng Reuters dẫn lời bà Merkel gọi đại dịch Covid-19 là thách thức lớn nhất đối với EU khi nền kinh tế của khối các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone) được dự báo sẽ giảm sút 8,7% trong năm 2020 trước khi tăng trưởng 6,1% vào năm 2021.

“Việc nhanh chóng đạt được thỏa thuận về gói khôi phục đầy tham vọng của châu Âu là ưu tiên cao nhất của EU trong những tuần tới”, bà Merkel nói. Nhà lãnh đạo Đức cũng nhấn mạnh: “Châu Âu sẽ hùng mạnh hơn bao giờ hết từ khủng hoảng nếu chúng ta tăng cường sự đoàn kết”.

Cũng theo Thủ tướng Merkel, tinh thần đoàn kết của 27 thành viên EU đang được thử thách trong những tháng gần đây khi mỗi chính phủ tự hành động trong lúc ứng phó với Covid-19. Đáng lo ngại là khủng hoảng kinh tế - đợt suy thoái lớn nhất trong lịch sử EU, và cần có quỹ phục hồi để hỗ trợ các nước nghèo hơn ở phía nam châu Âu.

Theo ông Charles Michel, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, vẫn còn nhiều việc phải làm để đạt được thỏa thuận. Theo đề xuất của EC, quỹ phục hồi trị giá 750 tỷ euro sẽ được dùng để hỗ trợ các nước thành viên gặp khó khăn do đại dịch, phần lớn theo hình thức trợ cấp, số còn lại là cho vay dựa trên điều kiện mà các quốc gia có thể áp dụng.

Tuy nhiên, một số nước Bắc Âu và Tây Âu phản đối việc chi tiền cho các nước Nam Âu như Ý và Tây Ban Nha. Cùng với Pháp thì Ý và Tây Ban Nha được dự báo có mức suy giảm nghiêm trọng nhất trong khối eurozone với mức suy giảm hơn 10% trong năm 2020. Hà Lan, Đan Mạch, Áo, Thụy Điển hiện vẫn cho rằng, không thể cấp các khoản viện trợ cho các thành viên một cách dễ dàng và tiền quỹ phải được hoàn trả.

Tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến EU hồi tháng 6, lãnh đạo các nước đã thống nhất cần phải có hành động nhanh chóng về kế hoạch phục hồi sau đại dịch cũng như về ngân sách dài hạn của khối. Nhưng “hành động nhanh chóng” như thế nào thì vẫn là chuyện cần bàn để tạo nên “sự khởi đầu mới cho châu Âu”, như bà Merkel mong muốn.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.