Hòa bình trên bán đảo Triều Tiên vẫn còn xa

.

Triều Tiên và Hàn Quốc kỷ niệm 67 năm ngày ký kết hiệp định đình chiến bằng nhiều hoạt động khác nhau. Song, sau chừng ấy thời gian, mối quan hệ giữa hai miền vẫn gặp không ít sóng gió và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên vẫn là bài toán khó.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong cuộc gặp lịch sử tại làng Panmunjom vào cuối tháng 4-2018. 						     Ảnh: Getty Images
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong cuộc gặp lịch sử tại làng Panmunjom vào cuối tháng 4-2018. Ảnh: Getty Images

Hãng AFP cho biết, ngày 27-7-2020 đánh dấu 67 năm Triều Tiên và Hàn Quốc ký kết hiệp định đình chiến cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đi thăm nghĩa trang liệt sĩ chiến tranh giải phóng Tổ quốc và trao tặng súng ngắn mang tên ngọn núi thiêng liêng Paektu cho các sĩ quan chỉ huy của lực lượng vũ trang tại trụ sở Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên.

Trong khi đó, ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc, một số cựu chiến binh tham dự lễ tôn vinh những nỗ lực của họ trong chiến tranh Triều Tiên. Ngày 27-7 cũng là dịp để hai miền thúc đẩy những nỗ lực hướng tới việc ký kết một hiệp ước hòa bình, chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên. Hiệp đình đình chiến giữa hai miền Triều Tiên được ký vào ngày 27-7-1953, chấm dứt một cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người Triều Tiên và Trung Quốc cũng như hơn 50.000 lính Mỹ. Tuy nhiên, đây chỉ là thỏa thuận ngừng bắn được ký giữa các lực lượng quân sự, chứ không phải hiệp ước được sự thống nhất giữa các chính phủ.

Chính phủ Hàn Quốc lúc đó cho rằng, một hiệp định khiến bán đảo bị chia cắt là “không thể chấp nhận được” nên Seoul không ký hiệp định đình chiến. Trung Quốc cũng không ký văn bản. Vì vậy, từ đó đến nay, chiến tranh kỹ thuật vẫn tồn tại trên bán đảo Triều Tiên.

Năm 1992, Mỹ bắt đầu cáo buộc Triều Tiên phát triển chương trình hạt nhân bí mật, làm dấy lên căng thẳng. Năm 2010, căng thẳng leo thang khi tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc bị đánh chìm và Triều Tiên nã pháo vào đảo tiền tiêu Yeonpyeong của Seoul.

Tháng 5-2017, ông Moon Jae-in nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc, chủ trương cải thiện mối quan hệ liên Triều và năm 2018 đánh dấu mối quan hệ này bắt đầu “tan băng”. Thế vận hội Olympic mùa đông PyeongChang vào tháng 2-2018 tại Hàn Quốc mang lại sự thay đổi về đối ngoại khi hơn 200 vận động viên của hai miền cùng đi chung một đoàn dưới một lá cờ hình bán đảo Triều Tiên. Tiếp sau đó, các cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc diễn ra thu hút sự chú ý của thế giới.

Thậm chí, ông Kim Jong-un là nhà lãnh đạo đầu tiên của Triều Tiên băng qua đường ranh giới quân sự liên Triều để sang phần đất Hàn Quốc. “Tuyên bố Panmunjeom” lịch sử giữa ông Kim Jong-un và ông Moon Jae-in kêu gọi việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn và cải thiện quan hệ liên Triều. Không những thế, Tổng thống Moon Jae-in còn là trung gian hòa giải đưa Mỹ và Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán.

Tuy nhiên, quan hệ liên Triều gần đây đối mặt với sóng gió khi Bình Nhưỡng cắt đường dây liên lạc với Hàn Quốc, cho nổ văn phòng liên lạc chung giữa hai nước. Seoul liên tục kêu gọi đối thoại. Chẳng hạn, hãng Yonhap cho hay, tân Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Lee In-young vừa nhậm chức trong ngày 27-7 thì kêu gọi tạo ra “những thay đổi mạnh mẽ” trong quan hệ liên Triều. “Hãy để chúng tôi tạo ra những thay đổi mạnh mẽ với những bước tiếp cận chiến lược”, ông Lee In-young nói. “Hàn Quốc và Triều Tiên nên tiếp tục đối thoại, tái khẳng định các cam kết và xây dựng lòng tin lẫn nhau”, vị tân Bộ trưởng này nhấn mạnh.

Trong lúc này, theo Reuters, khi “cuộc chiến” rải truyền đơn tạm lắng thì Bình Nhưỡng hiện quy trách nhiệm cho Hàn Quốc trong việc một người đào tẩu Triều Tiên 24 tuổi, có triệu chứng nghi Covid-19 vượt qua ranh giới phân cách giữa hai miền để trở về nước. Phía Hàn Quốc cho rằng, người này không nhiễm bệnh, cũng không tiếp xúc với các ca nhiễm. Song, khi những tranh cãi và cáo buộc liên tiếp diễn ra thì hòa bình trên bán đảo Triều Tiên vẫn còn xa, dù đã 67 năm trôi qua.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.