Khủng hoảng kinh tế, Lebanon nhờ Trung Quốc giúp

.

Đối mặt với khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng và ít có cơ hội được phương Tây hay các nước Arab giàu có giúp đỡ, chính phủ Lebanon hướng sang đông, hy vọng sự hỗ trợ từ phía Trung Quốc.

Người dân Lebanon biểu tình phản đối chính phủ để xảy ra khủng hoảng kinh tế. Ảnh: AP
Người dân Lebanon biểu tình phản đối chính phủ để xảy ra khủng hoảng kinh tế. Ảnh: AP

Hãng AP cho rằng, việc Lebanon muốn xích lại gần Trung Quốc có thể làm Mỹ quay lưng với quốc gia Trung Đông này. Mỹ từng nói rằng, động thái như thế của Lebanon sẽ gây tổn hại đến mối quan hệ với Washington. Vô hình trung Lebanon đang là trung tâm leo thang căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây.

Theo AP, Lebanon - quốc gia chỉ có 5 triệu dân nằm ở vị trí giao giữa châu Á và châu Âu - hiện trở thành nơi các đối thủ như Iran và Saudi Arabia đối đầu. Trong những tháng gần đây, đồng pound của Lebanon mất khoảng 80% giá trị so với đồng USD. Giá cả tăng phi mã, nhiều người dân tầng lớp trung lưu ở Lebanon rơi vào cảnh nghèo khổ. Trong khi đó, các cuộc đàm phán với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về việc cứu trợ tài chính cho Lebanon không đạt kết quả. Các nhà tài trợ quốc tế từ chối trao 11 tỷ USD cam kết trong năm 2018 với lý do Lebanon chậm cải tổ kinh tế hoặc chậm áp dụng biện pháp chống tham nhũng.

Có ít sự lựa chọn, chính phủ của Thủ tướng Hassan Diab vốn được sự ủng hộ của Hezbollah thân Iran đang tìm kiếm sự trợ giúp từ Trung Quốc. Bước tiếp cận “hướng sang đông” của Lebanon được nhóm chiến binh Hồi giáo Shiite này ủng hộ mạnh mẽ. Hãng AP dẫn lời một quan chức của Lebanon nhấn mạnh: “Động thái của chúng tôi hướng đến Trung Quốc là rất nghiêm túc, nhưng chúng tôi không quay lưng với phương Tây”.

Vị quan chức này lý giải: “Chúng tôi đang trải qua hoàn cảnh đặc biệt và chúng tôi chào đón bất kỳ ai hỗ trợ chúng tôi”. Vị quan chức còn cho hay, Trung Quốc đã đề nghị giúp đỡ nhằm kết thúc khủng hoảng điện trong nhiều thập niên ở Lebanon và chính phủ Beirut đang xem xét lời đề nghị này. Không những thế, Bắc Kinh còn đề nghị xây dựng nhà máy năng lượng, thi công đường hầm qua núi nhằm rút ngắn quãng đường từ Beirut tới Thung lũng Bekaa, tuyến đường sắt dọc bờ biển Lebanon.

Tuy nhiên, Mỹ không hài lòng và khẳng định động thái như thế có thể làm mối quan hệ giữa Beirut với Washington xấu đi, dù Washington có mối quan hệ lịch sử với Beirut và ủng hộ mạnh mẽ quân đội của nước này.

Trong lúc đó, theo AP, Hezbollah và các đồng minh cho rằng, khủng hoảng ở Lebanon xuất phát từ tình trạng tham nhũng và quản lý kém xảy ra trong nhiều thập niên. Họ cũng cáo buộc Mỹ bao vây tài chính không chính thức với Lebanon, một phần nhằm gây áp lực lên Hezbollah - lực lượng mà Washington và các đồng minh Arab vùng Vịnh xem là một tổ chức khủng bố. Phát biểu tại cuộc họp nội các hôm 2-7, Thủ tướng Diab nói: “Chúng tôi biết việc sắp có một quyết định lớn nhằm bao vây đất nước (Lebanon). Họ ngăn cản bất kỳ sự hỗ trợ nào đối với Lebanon”. Song, ông Diab không đề cập tên cụ thể của quốc gia nào.

Về phía Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Morgan Ortagus chỉ trích gay gắt các cáo buộc. “Việc đổ lỗi cho các biện pháp trừng phạt của Mỹ gây khủng hoảng cho kinh tế Lebanon là sai lầm và lừa dối”, bà Ortagus nói.

Thực tế, Hezbollah ủng hộ vai trò lớn hơn của Trung Quốc và các đồng minh ở Lebanon. Nhóm này phản đối chương trình của IMF đưa Lebanon ra khỏi khủng hoảng, bởi lo ngại phải kèm theo các điều kiện chính trị. 17 vòng đàm phán giữa chính phủ Lebanon và IMF diễn ra từ giữa tháng 5 đến nay vẫn chưa mang lại tiến triển nào. Hồi tháng 3, Lebanon vỡ nợ công. Nhà kinh tế Hasan Moukalled nhận định, hầu hết các công ty phương Tây đều đắn đo về việc đầu tư tại quốc gia này nếu Beirut không đạt được thỏa thuận với IMF. Song, Trung Quốc vẫn sẵn sàng tiếp cận thị trường Lebanon. “Đây là điều làm Trung Quốc trở nên khác biệt”, ông Moukalled nói và cho hay các dự án mà Bắc Kinh đề nghị làm việc có trị giá 12,5 tỷ USD.

BÌNH YÊN

;
;
.
.
.
.
.