Singapore bầu Quốc hội giữa đại dịch Covid-19

.

Gần 2,7 triệu cử tri Singapore ngày 10-7 đi bỏ phiếu bầu 93 thành viên Quốc hội và chiến thắng được dự đoán sẽ thuộc về Đảng Hành động nhân dân (PAP) của Thủ tướng Lý Hiển Long.

Thủ tướng Lý Hiển Long (bìa phải) đến khu vực bỏ phiếu. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Lý Hiển Long (bìa phải) đến khu vực bỏ phiếu. Ảnh: Reuters

Hãng Reuters cho biết, sáng 10-7, cử tri đeo khẩu trang và găng tay, xếp hàng ở các điểm bỏ phiếu. Số điểm bỏ phiếu tăng từ 880 điểm lên 1.100 nhằm tránh tụ tập đông người. Tại các điểm bỏ phiếu đều có máy đo thân nhiệt, nước rửa tay và các chỉ dẫn xếp hàng bảo đảm giãn cách. Song, do yêu cầu giãn cách xã hội nên nhiều điểm bầu cử rơi vào tình trạng tắc nghẽn, cử tri phải xếp hàng dài chờ bỏ phiếu.

Cũng theo Reuters, cuộc bầu cử diễn ra trong lúc có những quan ngại về làn sóng thứ hai của đại dịch và nền kinh tế của Singapore có thể bước vào thời kỳ suy thoái nghiêm trọng nhất. Theo dự báo, trong năm nay, kinh tế của Singapore có thể tăng trưởng âm từ 4-7%, số người thất nghiệp lên tới 100.000 người.

Khi nới lỏng lệnh phong tỏa từ tháng 6, số ca nhiễm mới ở quốc đảo sư tử được ghi nhận hằng ngày trở lại 2 chữ số (không bao gồm những người lao động nhập cư vốn sống trong những khu nhà tập thể tồi tàn - nơi có tỷ lệ nhiễm bệnh cao hơn). Các quy định giãn cách xã hội vẫn được duy trì và mang khẩu trang ở nơi công cộng là điều bắt buộc với tất cả mọi người.

Ca nhiễm đầu tiên được phát hiện ở Singapore vào ngày 23-1. Đến ngày 19-4, Singapore vượt Indonesia trở thành nước có nhiều ca mắc Covid-19 nhất khu vực Đông Nam Á. Trong hơn 6.500 ca nhiễm, hơn một nửa có nguồn gốc từ khu nhà tập thể của lao động nhập cư.

Hiện tại, hãng BBC cho hay, với hơn 45.000 ca nhiễm, Singapore là một trong những vùng dịch lớn nhất ở châu Á - Thái Bình Dương. Điều này khiến uy tín của chính phủ đương nhiệm do PAP lãnh đạo bị suy giảm nặng nề. Vì vậy, tổng tuyển cử lần này là cuộc trưng cầu dân ý về cách xử lý Covid-19 và giải pháp tháo gỡ khó khăn cho kinh tế của chính phủ. Kết quả bầu cử có thể dẫn đến những thay đổi chính sách lớn.

Tuy nhiên, ưu thế vẫn thuộc về PAP - đảng cầm quyền liên tục từ khi Singapore giành độc lập vào năm 1965. Chính phủ của Thủ tướng Lý Hiển Long hiện được đánh giá kiểm soát dịch tốt, tỷ lệ tử vong thấp, tỷ lệ lây nhiễm trong cộng đồng không nhiều, dù quốc gia Đông Nam Á này chưa thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh tại các khu nhà ở của lao động nước ngoài. Năm 2015, PAP giành tổng cộng 69,9% số phiếu nhưng vẫn kiểm soát 83 ghế tại Quốc hội.

Là con trai của nhà sáng lập Singapore Lý Quang Diệu, ông Lý Hiển Long giữ chức Thủ tướng từ năm 2004. Giờ đây, ở tuổi 68, ông Lý Hiển Long sẽ có một nhiệm kỳ cuối cùng đảm nhận cương vị Thủ tướng. PAP đã tiết lộ về một “thế hệ lãnh đạo thứ tư” gồm Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Vương Thụy Kiệt và nhóm bộ trưởng trẻ tuổi.

Chính ông Vương Thụy Kiệt đã đưa ra các gói kích cầu trị giá gần 80 tỷ USD để cứu nền kinh tế của Singapore giữa lúc xảy ra Covid-19. Cũng chính ông đã dẫn dắt Ngân hàng Trung ương Singapore bước qua khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Nếu PAP giành chiến thắng trong bầu cử, “thế hệ lãnh đạo thứ tư” có thể đóng vai trò lớn hơn.

Về phía các đảng đối lập, nổi lên là đảng Công nhân (WP) tranh cử 21/93 ghế và đảng Singapore Tiến bộ (PSP) tranh cử 24/93 ghế. Song, các đảng đối lập sẽ khó vượt qua “hòn đá tảng” PAP - đảng tranh cử tất cả 93 ghế.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.