Số ca mắc Covid-19 tăng nhanh

.

Ngày 25-7, thế giới có hơn 284.000 ca mắc Covid-19 mới, số ca nhiễm cao nhất được ghi nhận trong một ngày. Đến ngày 26-7, tổng số ca nhiễm trên toàn cầu vượt mốc 16 triệu người.

Đài truyền hình France24 của Pháp có trụ sở ở Paris dẫn báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, trong số hơn 284.000 ca nhiễm mới, có hơn 69.600 ca ở Mỹ, tiếp đó là Brazil với hơn 67.800 ca và Ấn Độ với 49.000 ca.

Các nhân viên y tế điều trị bệnh nhân Covid-19 tại một bệnh viện ở Edinburg, thuộc bang Texas, Mỹ.  Ảnh: Getty Images
Các nhân viên y tế điều trị bệnh nhân Covid-19 tại một bệnh viện ở Edinburg, thuộc bang Texas, Mỹ. Ảnh: Getty Images

Theo AFP, đến ngày 26-7, thế giới có tổng cộng hơn 16 triệu ca nhiễm và 645.000 ca tử vong; hơn một nửa số ca nhiễm ở châu Mỹ và vùng Caribbean. Dẫn đầu là Mỹ có hơn 4,1 triệu ca nhiễm và 146.400 ca tử vong. Brazil có gần 2,4 triệu ca nhiễm và hơn 86.000 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ ba thế giới với gần 1,4 triệu ca nhiễm và hơn 32.000 ca tử vong.

Đặc biệt, trong 12 ngày qua, số ca mắc mới tại Mỹ mỗi ngày đều vượt ngưỡng 60.000 ca. Vì vậy, các nhà khoa học cho rằng, khoảng 3-4 tuần sau khi tỷ lệ lây nhiễm tăng thì tỷ lệ tử vong sẽ bắt đầu tăng. Trong 4 ngày gần đây, số ca tử vong tại Mỹ trong ngày liên tục vượt mức 1.000 ca.

Tính ở phạm vi khu vực, Mỹ Latinh và Caribbean dẫn đầu với hơn 4,3 triệu ca nhiễm, 182.500 ca tử vong. Tiếp đó là châu Âu với hơn 3,2 triệu ca nhiễm, 207.700 ca tử vong.

Hãng AFP cho rằng, dịch bệnh lây lan nhanh chóng, riêng trong tháng 7 có hơn 5 triệu ca nhiễm, chiếm 1/3 số ca nhiễm toàn cầu kể từ khi dịch bùng phát vào cuối tháng 12 năm ngoái. 

Trong khi đó, Reuters cho hay, khoảng 40 nước ghi nhận có ca mắc Covid-19 tăng cao kỷ lục trong ngày. Tỷ lệ nhiễm bệnh gia tăng không chỉ ở các quốc gia và vùng lãnh thổ như Mỹ, Brazil, Ấn Độ, mà còn cả ở Úc, Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc), Bolivia, Sudan, Ethiopia, Bulgaria, Bỉ, Uzbekistan, Israel… Nhiều quốc gia, đặc biệt là những nơi đã nới lỏng lệnh giãn cách xã hội, hiện trải qua đỉnh dịch thứ hai. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: “Thế giới không thể quay trở lại trạng thái bình thường cũ, đại dịch đã thay đổi cách chúng ta sống”.

Tại Úc, số ca tử vong do Covid-19 ngày 25-7 tăng lên 155, trong đó có 10 ca tử vong mới. Đây là ngày ghi nhận số ca tử vong nhiều nhất tại Úc kể từ thời điểm dịch bùng phát. Bang Victoria ghi nhận 459 ca nhiễm mới. Các nhà chức trách ở Melbourne, thành phố lớn thứ hai của Úc và là thành phố lớn nhất bang Victoria, đang áp đặt biện pháp phong tỏa 6 tuần, đồng thời yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang ở những nơi công cộng. Toàn bộ bang Victoria gần như ngừng kết nối với phần còn lại của cả nước.

Chính phủ Úc được cho là kiểm soát tốt dịch bệnh bởi tổng số ca nhiễm của nước này chỉ hơn 14.000, thấp hơn nhiều so với Mỹ, Brazil hay Nga. Giờ đây, làn sóng dịch bệnh thứ hai thử thách khả năng ứng phó của Úc.

Cả Úc lẫn Nhật Bản đều cảnh báo số ca nhiễm mới gia tăng trong thanh niên bởi những người ở lứa tuổi này đã thể hiện niềm vui sau khi kết thúc giãn cách xã hội bằng việc tụ tập ở các bar và tổ chức tiệc. Theo CNN, Nhật Bản ghi nhận 809 ca nhiễm mới trong ngày 25-7, nâng tổng số ca nhiễm ở đất nước mặt trời mọc lên hơn 30.000. Ngày 26-7, Nhật Bản chỉ ghi nhận 346 ca nhiễm mới. Song, việc một số địa phương khác ngoài thủ đô Tokyo như tỉnh Hyogo, tỉnh Aichi có số ca mới tăng đột biến khiến các chuyên gia lo ngại dịch bệnh sẽ lan rộng ra cả nước.

Theo hãng Reuters, tại Đông Nam Á, Indonesia dẫn đầu về số ca mắc Covid-19 (hơn 97.200 ca) và số ca tử vong (hơn 4.700 ca). Hai con số này của Indonesia thậm chí vượt qua Trung Quốc. Philippines xếp thứ hai ở Đông Nam Á cả về số ca nhiễm lẫn số ca tử vong. Ngày 26-7, Philippines ghi nhận hơn 2.100 ca nhiễm mới và 39 ca tử vong. Như vậy, quốc gia này có tổng cộng hơn 80.000 ca nhiễm mới và 1.900 ca tử vong.

VĨNH AN

;
;
.
.
.
.
.