Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 4-7 ghi nhận thêm hơn 212.300 ca mắc Covid-19 mới, mức tăng kỷ lục chỉ trong 24 giờ. Với người Mỹ, ngày 4-7 là một Quốc khánh buồn.
Hãng Reuters cho biết, con số 212.300 ca mắc Covid-19 trong ngày 4-7 vượt xa kỷ lục hơn 189.000 ca hôm 28-6. Theo đó, tính đến hết ngày 4-7, thế giới có tổng cộng gần 11,4 triệu ca nhiễm, trong đó hơn 530.000 ca tử vong. Mức tăng cao nhất về số ca nhiễm vẫn ở Mỹ, tiếp đó là Brazil và Ấn Độ.
Người dân Nhật Bản đeo khẩu trang khi tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử địa phương ở Tokyo ngày 5-7. Ảnh: Getty Images |
Tại Mỹ, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Tuy Trường Đại học Johns Hopkins (Mỹ) cho hay, số ca nhiễm mới ở nước này trong ngày 4-7 dưới 50.000 ca, thấp hơn so với 3 ngày có mức tăng kỷ lục trước đó, nhưng vẫn là con số cao nhất thế giới. Theo hãng AP, mức dưới 50.000 ca/ngày không có nghĩa là tình hình đang được cải thiện.
Hãng CNN dẫn thống kê của Trường Đại học Johns Hopkins cho biết, Mỹ hiện ghi nhận tổng cộng hơn 2,8 triệu ca nhiễm Covid-19 và gần 130.000 ca tử vong. Các chuyên gia nói rằng, con số thực tế còn cao hơn bởi có những trường hợp tử vong trước khi được xét nghiệm Covid-19 và các nhà chức trách có thể bỏ qua những trường hợp nhẹ. Các chuyên gia cũng có bằng chứng về việc virus lây lan rộng khi các bang mở cửa trở lại nền kinh tế. Chính quyền nhiều bang đã hủy bỏ hoặc thu hẹp quy mô kỷ niệm ngày Quốc khánh 4-7 và các sự kiện truyền thống do lo ngại việc tụ họp đông người.
Florida và Texas, hai điểm nóng Covid-19 mới, ghi nhận mức tăng ca nhiễm cao kỷ lục trong ngày 4-7, với tổng cộng gần 20.000 ca. Như vậy, trong 6 ngày liên tiếp, bang Texas ghi nhận số lượng bệnh nhân phải nhập viện vì Covid-19 cao chưa từng thấy, với trung bình 7.890 người sau 24 giờ.
Song, số người chết trung bình mỗi ngày vì Covid-19 tại Mỹ giảm dần. Ngày 4-7, Tổng thống Donald Trump tuyên bố: “Chiến thắng vang dội” trong cuộc chiến chống Covid-19 đang “nằm trong tầm tay” cường quốc này. “Chiến thắng sẽ diễn ra và diễn ra vang dội. Đất nước chúng ta sẽ vĩ đại hơn bao giờ hết. Đất nước chúng ta đang trở lại, những số liệu về việc làm đang ngoạn mục, nhiều điều đang xảy ra nhưng mọi người chưa thấy được”, người đứng đầu Nhà Trắng nói. Điều mà Tổng thống Trump nhắc đến chính là 4,8 triệu việc làm được tạo ra trong tháng 6, điều mà ông xem là nỗ lực của chính phủ để cứu vãn nền kinh tế.
Trong khi đó, Brazil ghi nhận hơn 35.000 ca nhiễm mới và 1.100 ca tử vong. Đến nay, quốc gia lớn nhất Nam Mỹ có gần 1,6 triệu ca nhiễm, trong đó hơn 64.000 người đã tử vong.
Tại khu vực châu Á, Ấn Độ ngày 5-7 ghi nhận hơn 24.800 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên hơn 673.000 người. Số người tử vong tăng 600 ca, nâng tổng số người tử vong lên hơn 673.000. Đây là ngày thứ ba liên tiếp số ca nhiễm mới tại Ấn Độ tăng hơn 20.000 ca/ngày. Với đà tăng như thế, Ấn Độ sẽ nhanh chóng vượt qua Nga, nước hiện đứng thứ ba về số ca nhiễm toàn cầu (sau Mỹ và Brazil). Bất chấp những lo ngại, bang Uttar Pradesh - bang đông dân nhất Ấn Độ - vẫn nới lỏng các biện pháp giãn cách. Lâu đài Taj Mahal, biểu tượng của tình yêu vĩnh cửu, được phép mở cửa đón 5.000 du khách mỗi ngày sau 3 tháng đóng cửa.
Tại Nhật Bản, các nhà chức trách ở Tokyo ngày 5-7 ghi nhận thêm 111 ca nhiễm, hầu hết là những người từ 20-30 tuổi, đánh dấu ngày thứ tư liên tiếp thủ đô có hơn 100 ca nhiễm mỗi ngày. Thị trưởng Tokyo và chính quyền các tỉnh lân cận kêu gọi người dân hạn chế đi lại và không ra ngoài nếu không thực sự cần thiết.
Trước diễn biến phức tạp của Covid-19, WHO cảnh báo, dịch không thể biến mất một cách thần kỳ nếu chính phủ các nước quá tập trung khôi phục trạng thái bình thường mà lơ là các biện pháp phòng, chống dịch. Ông Michael Ryan, Giám đốc Chương trình Y tế khẩn cấp WHO, nhấn mạnh các số liệu “không thể nói dối” và tình hình thực tế của dịch bệnh là hết sức rõ ràng, nhưng hiện nhiều nước vẫn phớt lờ dữ liệu thực tế. “Khi hệ thống y tế bị quá tải và sụp đổ, sẽ có thêm nhiều người tử vong”, ông Ryan nói.
VĨNH AN