Nhân kỷ niệm 53 năm thành lập ASEAN (8-8-1967 – 8-8-2020) và 25 năm Việt Nam tham gia ASEAN (28-7-1995 – 28-7-2020), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có Thông điệp gửi Chính phủ và nhân dân các nước ASEAN cùng các nước đối tác, bạn bè của ASEAN.
Lễ Thượng cờ ASEAN nhân dịp kỷ niệm 53 năm Ngày thành lập ASEAN (8-8-1967 – 8-8-2020) được tổ chức ngày 7-8 tại Hà Nội. Ảnh: VGP |
Thông điệp cho biết, qua 53 năm trưởng thành và phát triển, đúng với sứ mệnh lịch sử được nêu trong Tuyên bố Bangkok 1967, ASEAN đã thực sự trở thành tổ chức đại diện cho các quốc gia khu vực, gắn kết trong tình láng giềng hữu nghị và hợp tác, tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau, nỗ lực phấn đấu cho hòa bình, tiến bộ và thịnh vượng của người dân.
Từ một tổ chức gồm 5 nước thành viên, ASEAN phát triển thành một Cộng đồng gồm 10 quốc gia ở Đông Nam Á với 650 triệu dân, có quy mô kinh tế năm 2019 lớn thứ 5 thế giới với tổng GDP trên 3.000 tỷ USD. Vượt ra ngoài phạm vi Đông Nam Á, ASEAN đã mở rộng quan hệ với nhiều đối tác trong và ngoài khu vực, bao gồm cả các cường quốc hàng đầu thế giới, là động lực của các tiến trình hợp tác, đối thoại vì hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển của châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.
Đó là thành quả quý giá được xây đắp bởi nhiều thế hệ mà chúng ta phải trân trọng và có trách nhiệm gìn giữ, phát huy. Chúng ta có hoàn thành sứ mệnh đó được hay không? ASEAN có tiếp tục duy trì giá trị và sức sống vững bền, đáp ứng mong mỏi và nguyện vọng của người dân hay không? Điều này đòi hỏi sự chung sức, đồng lòng, ý chí chính trị và quyết tâm mạnh mẽ của tất cả các quốc gia thành viên.
Các nguyên tắc cơ bản của ASEAN, các chuẩn mực được thừa nhận ở khu vực và trên hết là luật pháp quốc tế, tinh thần hợp tác đa phương và liên kết khu vực, vai trò trung tâm của ASEAN cần tiếp tục được đề cao. Giá trị của ASEAN như một thị trường chung và cơ sở sản xuất thống nhất, một không gian di chuyển và làm việc rộng mở, một cộng đồng quan tâm, đùm bọc và chia sẻ lẫn nhau cần được phổ biến và lan tỏa rộng rãi để các tầng lớp người dân, các doanh nghiệp đều có thể thụ hưởng và tham gia đóng góp vào tiến trình phát triển của ASEAN.
Cùng tư duy vì cộng đồng và hành động vì cộng đồng
Thông điệp nêu rõ: Cách đây tròn 25 năm, Việt Nam đã gia nhập ASEAN. Một hành trình mới được mở ra, đưa Việt Nam bước vào tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế sâu rộng. Có thể nói, các thành tựu phát triển của Việt Nam trong suốt 25 năm qua có dấu ấn quan trọng của việc tham gia ASEAN. Đồng thời, sự tham gia chủ động, tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam cũng góp phần quan trọng vào sự phát triển và lớn mạnh của Cộng đồng ASEAN.
Với tinh thần “Gắn kết và Chủ động thích ứng”, là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam dành ưu tiên cao đẩy mạnh đoàn kết, thống nhất, phối hợp hành động hiệu quả trong ASEAN cũng như tăng cường quan hệ với các đối tác để nâng cao năng lực tự cường và khả năng ứng phó hữu hiệu của ASEAN trước các thách thức chưa từng có, đó là Covid-19 và những chuyển động, cạnh tranh mạnh mẽ, sâu sắc của môi trường địa chiến lược toàn cầu và khu vực, trong đó phải đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, bao gồm cả Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Vượt lên những khó khăn, thử thách hiện tại, cùng các quốc gia thành viên ASEAN, Việt Nam tiếp tục thúc đẩy thực hiện thành công Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, định hướng phát triển của Cộng đồng ASEAN sau năm 2025, nâng cao vị thế và phát huy vai trò của ASEAN đóng góp cho hòa bình, an ninh và phát triển bền vững của khu vực và thế giới. ASEAN luôn là một trong những trụ cột quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh, thịnh vượng và tự cường, có vai trò, vị thế quốc tế cao là lợi ích chung của chúng ta. Điều này chỉ có thể thành công nếu tất cả chúng ta cùng tư duy vì cộng đồng và hành động vì cộng đồng. Việt Nam đã và sẽ nỗ lực hết mình cùng các nước thành viên ASEAN đóng góp thực hiện thành công mục tiêu cao cả này.
Gắn kết hướng đến phục hồi
Ngày 8-8, Ban Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tổ chức lễ kỷ niệm 53 năm ngày thành lập ASEAN theo hình thức trực tuyến với chủ đề “ASEAN 53: Hành trình gắn kết hướng tới sự phục hồi”. Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, phát biểu khai mạc, Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi khẳng định, dưới vai trò Chủ tịch mạnh mẽ và có năng lực của Việt Nam, ASEAN vẫn tập trung thực hiện các hoạt động quan trọng và thể hiện cam kết trong hành trình hội nhập của mình.
Lưu ý rằng các nước trong khu vực đang dần bước vào trạng thái “bình thường mới”, Tổng Thư ký Dato Lim nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ASEAN soạn thảo khuôn khổ phục hồi hậu đại dịch Covid-19 một cách mạnh mẽ, toàn diện và thực tế nhằm giảm thiểu các tác động kinh tế - xã hội, đồng thời tiếp tục thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực.
Thay mặt nước Chủ tịch ASEAN năm 2020, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhắc lại rằng, vào thời điểm ASEAN được thành lập cách đây 53 năm, ít ai có thể hình dung được sự thành công của ASEAN ngày nay.
Hơn nửa thế kỷ qua, ASEAN đã nhiều lần thể hiện sức mạnh đoàn kết và khả năng phục hồi. Biến tầm nhìn thành hành động, ASEAN đã thúc đẩy lợi ích của các dân tộc cũng như hòa bình và thịnh vượng ở châu Á - Thái Bình Dương. Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, ASEAN đang đứng trước thời điểm quan trọng. Sự năng động mới trong bối cảnh địa chiến lược, các vấn đề khu vực và toàn cầu đang nổi lên đòi hỏi ASEAN phải gắn kết hơn và chủ động thích ứng. Vai kề vai, các nước có thể vượt qua mọi thách thức và đưa ASEAN tiến lên phía trước.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, năm 2020 đánh dấu kỷ niệm 25 năm Việt Nam tham gia ASEAN. Dưới sự chủ trì của Việt Nam trong năm nay, phát huy tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng, ASEAN đã thực hiện các biện pháp phối hợp tốt nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân và phục hồi kinh tế. ASEAN đã dẫn đầu các nỗ lực trong khu vực nhằm chống lại đại dịch Covid-19; đổi mới hoạt động, làm sâu sắc thêm các mối quan hệ đối ngoại, từ đó nâng cao vị thế quốc tế của mình.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, với cách tiếp cận “Tư duy Cộng đồng, hành động Cộng đồng”, Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các nước láng giềng và bạn bè để xây dựng một ASEAN vững mạnh và đoàn kết, điều không thể thiếu đối với hòa bình, thịnh vượng trong khu vực cũng như trên thế giới.
Củng cố các giá trị hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế Ngày 8-8, theo đề xuất của Việt Nam - trên cương vị Chủ tịch ASEAN và Indonesia, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ra Tuyên bố chung về tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Nam Á. Theo đó, các Bộ trưởng ghi nhận những thành quả hợp tác thời gian qua; tái khẳng định cam kết triển khai hiệu quả Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và duy trì đà hợp tác trong giai đoạn sau năm 2025. Các Bộ trưởng ASEAN tái khẳng định mạnh mẽ cam kết duy trì một Đông Nam Á hòa bình, an ninh, trung lập, ổn định, củng cố các giá trị hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế; nhất trí ASEAN cần tiếp tục tăng cường đoàn kết, gắn kết, nâng cao sức mạnh tự cường trong việc thúc đẩy các mục tiêu, nguyên tắc và lợi ích chung như đã nêu trong Hiến chương ASEAN. Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN kêu gọi tất cả các nước kiềm chế, không có các hoạt động làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và an ninh, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Các Bộ trưởng Ngoại giao cũng kêu gọi các nước tiếp tục tăng cường lòng tin chiến lược và tin cậy lẫn nhau thông qua đối thoại, hợp tác cùng có lợi và những biện pháp xây dựng lòng tin cụ thể. TTXVN |
B.T (theo TTXVN, chinhphu.vn)