Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ đến Israel vào ngày 24-8 và đến Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) vào ngày 25-8 nhằm bàn thảo về thỏa thuận bình thường hóa giữa hai quốc gia vùng Trung Đông này.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) và Cố vấn cấp cao Jared Kushner, con rể của Tổng thống Donald Trump, sẽ lần lượt đến Trung Đông. Ảnh: Getty Images |
Hãng AP cho biết, trong các chặng dừng chân của Ngoại trưởng Mike Pompeo, ngoài Israel và UAE, còn có Bahrain, Oman, Qatar và Sudan - quốc gia ở châu Phi. Đầu tháng 9, ông Jared Kushner - cố vấn cấp cao, con rể của Tổng thống Donald Trump - cũng sẽ đến Israel, UAE cùng 4 nước khác. Đi cùng ông Kushner sẽ có Đặc phái viên của Mỹ về Trung Đông Avi Berkowitz và Cố vấn An ninh quốc gia Robert O’Brien.
Như vậy để thấy chính phủ Mỹ đang tích cực thúc đẩy mối quan hệ giữa Israel và UAE sau thỏa thuận lịch sử mang tên Abraham hồi giữa tháng 8 về việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Theo giới phân tích, các chuyến công du này có thể không đạt được sự đột phá ngay lập tức, nhưng rõ ràng Tổng thống Donald Trump đang nỗ lực hiện thực hóa tầm nhìn về khu vực Trung Đông mà ông công bố vài tháng trước; thỏa thuận Abraham giữa Israel và UAE nằm trong số đó. Nhà Trắng muốn thúc đẩy bình thường hóa quan hệ Israel - UAE, thậm chí khi không có giải pháp cho cuộc xung đột Israel - Palestine.
Ngày 13-8, trong một thỏa thuận do Mỹ làm trung gian, Israel và UAE công bố thiết lập quan hệ ngoại giao toàn diện. Theo đó, Israel tạm ngừng kế hoạch sáp nhập Bờ Tây, mở đường cho đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine. Israel còn lên kế hoạch mở một hành lang qua Saudi Arabia để phục vụ các chuyến bay tới UAE. Israel cũng dự kiến nhập khẩu hàng hóa từ các khu vực thương mại tự do của UAE để có giá cả ưu đãi.
Với Tổng thống Trump, đằng sau thỏa thuận lịch sử này còn là câu chuyện bầu cử. Theo AP, chiến thắng về chính sách ngoại giao sẽ giúp ông Trump ghi điểm trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Ngoài ra, Mỹ đang hối thúc Saudi Arabia, Bahrain và Oman có động thái tương tự UAE, nghĩa là sẽ dần xích lại gần Israel trong những thỏa thuận như thế.
Saudi Arabia, nền kinh tế lớn nhất thế giới Arab, tuyên bố sẽ không có động thái như UAE cho đến khi Israel ký với Palestine thỏa thuận hòa bình được quốc tế công nhận. Mỹ sẽ phải thuyết phục Saudi Arabia. Riyadh ủng hộ Palestine, nhưng đứng về phía Mỹ đối phó với Iran.
Còn Bahrain thời gian gần đây có cuộc gặp cấp Ngoại trưởng với Israel và cùng Nhà nước Do Thái tham dự một cuộc họp an ninh khu vực. Trong khi đó, Oman bày tỏ ủng hộ thỏa thuận Abraham, đồng thời cho rằng bước đi tích cực này sẽ góp phần mang lại hòa bình cho Trung Đông theo cách mà người dân mong muốn. Đó cũng là lý do để ông Mike Pompeo có mặt ở Bahrain và Oman trong chuyến công du lần này. Mỹ hiểu rõ rằng, Israel và các nước vùng Vịnh như UAE, Saudi Arabia, Bahrain đều có một kẻ thù chung, đó là Iran. Còn Oman dù có mối quan hệ với cả Iran lẫn Mỹ, nhưng nước này sẽ không làm mất lòng Washington.
Các nước Arab lâu nay muốn một nhà nước Palestine phải được thành lập và Israel trao trả các vùng lãnh thổ chiếm đóng từ năm 1967. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, thỏa thuận bình thường hóa quan hệ UAE - Israel đang kéo theo sự thay đổi lớn, hòa bình giữa các nước Arab và Israel có thể được ưu tiên hơn một thỏa thuận với người Palestine. Tuy nhiên, hãng Reuters cho biết, trong một tuyên bố ngày 22-8, Tổng Thư ký Liên đoàn Arab (AL) Ahmed Aboul-Gheit khẳng định, thế giới Arab và Israel chỉ có thể bình thường hóa hoàn toàn mối quan hệ khi người Palestine giành được độc lập và tự do. Điều này có thể đạt được dựa trên nguyên tắc “đất đai vì hòa bình” và việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập với đường biên giới năm 1967, thủ đô là Đông Jerusalem, như nguyện vọng của người Palestine.
Dù các nước vùng Vịnh còn nhiều quan điểm khác nhau xung quanh thỏa thuận Israel - UAE, nhưng khi những quốc gia này dần đứng về phía Nhà nước Do Thái, đương nhiên Iran sẽ thấy bất an. Mỹ muốn đối phó và làm suy yếu ảnh hưởng của Iran ở khu vực, nhưng điều này không dễ dàng bởi Tehran có thể hành động khi nước Cộng hòa Hồi giáo vốn có nhiều nhóm vũ trang đồng minh tại Lebanon, Syria, Iraq, Yemen và Dải Gaza.
VĨNH AN