Nhật Bản hướng đến thế giới không có vũ khí hạt nhân

.

Ngày 6-8, tại Công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima (Nhật Bản), nhiều người có mặt để tưởng niệm 75 năm vụ ném bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới. Trong bối cảnh xảy ra đại dịch Covid-19, chỉ gần 1.000 người sống sót trong vụ ném bom cùng gia đình và các quan chức chính quyền được vào công viên để tham gia lễ tưởng niệm, bằng khoảng 1/10 so với số người dự lễ năm ngoái.

Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo phát biểu tại lễ tưởng niệm. 					        Ảnh: AP
Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo phát biểu tại lễ tưởng niệm. Ảnh: AP

Hãng AP cho biết, đúng 8 giờ 15, buổi lễ bắt đầu với phút mặc niệm. Đây chính là thời điểm mà 75 năm trước, Mỹ ném quả bom hạt nhân đầu tiên trên thế giới xuống Hiroshima, khiến 140.000 người chết và phá hủy thành phố. Sau đó 3 ngày, Mỹ ném quả bom hạt nhân thứ hai xuống Nagasaki, làm 70.000 người khác thiệt mạng. Nhật Bản đầu hàng vào ngày 15-8-1945, kết thúc Thế chiến thứ hai.

Nhiều người tham dự buổi lễ yêu cầu chính phủ Nhật Bản và thế giới tăng cường hành động nhằm cấm vũ khí hạt nhân. Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo cho biết, không thể tạo ra một thế giới phi hạt nhân chỉ ngày một ngày hai, mà phải bắt đầu từ việc đối thoại. Phát biểu tại buổi lễ, ông Abe khẳng định: “Vai trò của Nhật Bản chính là cầu nối giữa các bên khác biệt, kiên trì thúc đẩy đối thoại và hành động để tiến tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân”. Theo AP, ông Abe kiên quyết giữ vững chính sách của Nhật Bản trong việc không ký Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân vì Tokyo có “một cách tiếp cận khác”, song ông cho biết chính phủ Nhật Bản cũng góp phần thực hiện mục tiêu loại trừ vũ khí hạt nhân toàn cầu.

Trong thông điệp qua video gửi đến buổi lễ, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho rằng, cách duy nhất để xóa bỏ hoàn toàn nguy cơ hạt nhân là xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân. Việc sở hữu loại vũ khí này làm suy yếu an ninh, thay vì củng cố an ninh. Ông Guterres dự kiến từ New York (Mỹ) đến Hiroshima để dự lễ tưởng niệm, nhưng phải hủy chuyến đi vì Covid-19.

Trước đó, Thị trưởng Hiroshima Kazumi Matsui kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới cam kết nghiêm túc hơn trong việc giải trừ vũ khí hạt nhân, đồng thời chỉ ra những thất bại của Nhật Bản khi không tham gia Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân. Trong tuyên bố hòa bình của mình, ông Matsui khẳng định: “Là quốc gia duy nhất bị tấn công hạt nhân, Nhật Bản phải thuyết phục công chúng toàn cầu đoàn kết với tinh thần của Hiroshima”. Dù đã từ bỏ việc sở hữu, sản xuất và lưu trữ vũ khí hạt nhân, nhưng Nhật Bản vẫn là đồng minh hàng đầu của Mỹ, là nơi đồn trú của 50.000 binh sĩ Mỹ, được bảo vệ bởi “chiếc ô” hạt nhân Mỹ. Điều này làm phức tạp các nỗ lực nhằm đưa Tokyo trở thành thành viên của Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân năm 2017.

Hiệp ước này đã được 122 nước thành viên Liên Hợp Quốc ký kết vào năm 2017, nhưng chưa có hiệu lực vì chưa hội đủ tối thiểu 50 nước thông qua.

PHONG LAN

;
;
.
.
.
.
.