Thế giới hứng chịu làn sóng Covid-19 mới

.

Số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới đã vượt quá 18 triệu người, trải đều khắp các châu lục, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins. Chỉ trong 4 ngày qua, có thêm 1 triệu ca nhiễm mới được ghi nhận.

Lệnh phong tỏa được áp đặt trở lại đối với thủ đô Manila của Philippines từ ngày 4-8.  Trong ảnh: Người dân Manila sử dụng phương tiện công cộng trước thời điểm tái áp đặt phong tỏa. Ảnh: Reuters
Lệnh phong tỏa được áp đặt trở lại đối với thủ đô Manila của Philippines từ ngày 4-8. Trong ảnh: Người dân Manila sử dụng phương tiện công cộng trước thời điểm tái áp đặt phong tỏa. Ảnh: Reuters

Hãng AFP cho biết, trong số hơn 18 triệu ca nhiễm của thế giới, Mỹ vẫn dẫn đầu với hơn 4,6 triệu ca; tiếp đến lần lượt là Brazil với 2,73 triệu ca, Ấn Độ với 1,8 triệu ca. Cả thế giới hiện có tổng cộng gần 688.000 ca tử vong.

Trong đó, Mỹ bước vào “giai đoạn mới” của đại dịch với tốc độ lây lan bất thường ở nông thôn cũng như các thành phố lớn, theo nhận định của TS. Deborah Birx - Điều phối viên lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 của Nhà Trắng. Hãng CNN dẫn lời bà Birx nhấn mạnh: “Chúng ta đang ở giai đoạn mới. Những gì chúng ta trải qua ngày hôm nay khác với tháng 3 và tháng 4. Đó là sự lan rộng bất thường của đại dịch ở vùng nông thôn cũng như thành thị”. Hiện Mỹ có hơn 4,6 triệu ca nhiễm và 154.800 ca tử vong.

Theo báo The Independent, làn sóng dịch bệnh gia tăng ở Mỹ trong những tháng mùa hè này. Nhiều bang ở phía nam và phía tây như Florida, Texas và California có số ca nhiễm mới tăng đột biến. Trong tháng 7 vừa qua, California - bang đông dân nhất nước Mỹ - đã vượt qua bang New York với tổng cộng hơn 493.000 ca nhiễm. Trong khi đó, chỉ trong ngày 1-8, bang Texas ghi nhận hơn 9.500 ca nhiễm mới; số ca nhiễm có ở cả vùng nông thôn lẫn thành phố lớn như Dallas, Houston và El Paso. Vì vậy, bà Birx cảnh báo, việc du khách có mặt trong kỳ nghỉ ở những “điểm nóng” có thể thúc đẩy dịch bệnh lây lan.

Tại Ấn Độ, quốc gia có số ca nhiễm cao thứ ba thế giới, Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình ngày 3-8 ghi nhận thêm gần 53.000 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 1,8 triệu người. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp quốc gia Nam Á này ghi nhận hơn 50.000 ca nhiễm/ngày. Cũng trong ngày 3-8, Ấn Độ công bố thêm 771 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên hơn 38.000 ca. Song, số người phục hồi lên đến hơn 1,1 triệu người, chiếm 65% trong tổng số ca nhiễm.

Ở khu vực Đông Nam Á, theo hãng Reuters, Philippines xác nhận hơn 3.200 ca nhiễm mới và 46 ca tử vong trong ngày 3-8. Theo đó, nước này có tổng cộng hơn 106.000 ca nhiễm và 2.100 ca tử vong, sắp vượt qua Indonesia để xếp vị trí đầu trong nhóm các nước có số ca nhiễm nhiều nhất Đông Nam Á (Indonesia hiện có hơn 113.000 ca nhiễm và 5.300 ca tử vong).

Trong lúc tình hình dịch bệnh phức tạp, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tái áp đặt lệnh phong tỏa đối với thủ đô Manila và các vùng lân cận như Laguna, Cavite, Rizal, Bulacan từ ngày 4-8 đến 18-8. Người dân ở những địa phương này chỉ được phép ra khỏi nhà vì công việc hoặc mua nhu yếu phẩm.
Lệnh phong tỏa từng được áp dụng đối với thủ đô Manila và các tỉnh khác hồi tháng 3. Đến tháng 6, ông Duterte quyết định nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm nỗ lực phục hồi nền kinh tế. Song, kể từ lúc nới lỏng phong tỏa đến nay, Philippines có thêm 75.000 ca nhiễm mới.

Tổng thống Duterte cũng vừa phê chuẩn việc áp dụng kiểm dịch cộng đồng nâng cao tại Manila và các khu vực lân cận theo khuyến nghị của nội các, bắt đầu được thực hiện từ 0 giờ ngày 4-8, kéo dài trong 2 tuần. Các khu vực được áp dụng kiểm dịch cộng đồng nâng cao sẽ bị hạn chế các hoạt động sản xuất, kinh doanh, giao thông, du lịch…

Trong khi đó, tại châu Âu, số ca nhiễm mới đang dần tăng trở lại và có thể lên mức cao như thời điểm đỉnh dịch của “làn sóng thứ nhất”. Hãng Reuters cho hay, trong những ngày gần đây, Tây Ban Nha mỗi ngày ghi nhận khoảng 1.900 ca nhiễm mới, cao hơn nhiều so với mức 400 ca/ngày hồi tháng 6 - thời điểm chính phủ dỡ bỏ lệnh phong tỏa. Hai điểm “nóng” hiện nay ở Tây Ban Nha là Aragon và Catalonia. Một số địa phương ở Tây Ban Nha áp dụng trở lại những biện pháp như: cấm tụ tập đông người; siết chặt quản lý nhà hàng, bar…

Ý cũng chứng kiến làn sóng thứ hai với khoảng 200-300 ca nhiễm mới/ngày. Hãng AP dẫn thông tin từ Bộ Y tế Ý ngày 2-8 cho biết, nước này có 239 ca nhiễm mới và 8 ca tử vong. Ý quyết định kéo dài tình trạng khẩn cấp đến ngày 15-10.

Đức từng được đánh giá thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh, nhưng số ca nhiễm trong ngày 3-8 tăng thêm 500 ca/ngày và có 7 ca tử vong mới. Ngày 1-8, Đức thậm chí ghi nhận 955 ca nhiễm mới.

 THIÊN BÌNH

;
;
.
.
.
.
.