Thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ đi về đâu?

.

Số phận của thỏa thuận hạt nhân Iran, tức Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) mà Tehran đã ký với nhóm P5+1, hiện lơ lửng và có nguy cơ sụp đổ khi Mỹ tìm cách tái áp đặt trừng phạt đối với nước Cộng hòa Hồi giáo này. 

Năm 2018, Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và ngay sau đó áp đặt lệnh trừng phạt đối với nước Cộng hòa Hồi giáo này. Ảnh: AP
Năm 2018, Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và ngay sau đó áp đặt lệnh trừng phạt đối với nước Cộng hòa Hồi giáo này. Ảnh: AP

Trang Politico - công ty báo chí chính trị của Mỹ có trụ sở tại quận Arlington, bang Virginia cho biết, trong tuần này, Tổng thống Donald Trump có thể kích hoạt tiến trình khôi phục lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc (LHQ) nhằm vào Iran sau khi Hội đồng Bảo an (HĐBA) bác bỏ dự thảo nghị quyết của Washington đề nghị gia hạn lệnh cấm vận vũ khí đối với Tehran. Động thái mới của Mỹ có thể phá hủy JCPOA, điều mà ông Trump mong muốn và hành động từ năm 2018 đến nay. 

Theo Reuters, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ đến New York vào ngày 20-8 và gặp gỡ Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhằm tìm cách nối lại các biện pháp trừng phạt Iran. Để kích hoạt tiến trình khôi phục lệnh trừng phạt, Mỹ sẽ đệ đơn khiếu nại lên HĐBA gồm 15 thành viên về việc Iran không tuân thủ JCPOA, dù Washington đã rút khỏi thỏa thuận này vào năm 2018. Song, các nhà ngoại giao cho rằng, việc khôi phục lệnh trừng phạt sẽ khó khăn khi Nga, Trung Quốc và các nước khác là thành viên HĐBA (như Anh, Pháp) sẽ phản đối động thái của Mỹ. Tuần trước, khi bỏ phiếu gia hạn lệnh cấm vận vũ khí đối với Tehran, ngoài lá phiếu của Mỹ, cường quốc này chỉ có thêm 1 phiếu ủng hộ, Nga và Trung Quốc bỏ phiếu chống và 11 thành viên khác bỏ phiếu trắng.

Thực tế, các đồng minh châu Âu của Mỹ ủng hộ việc gia hạn lệnh cấm vận vũ khí nhưng vẫn ưu tiên việc duy trì thỏa thuận hạt nhân hơn. Vì vậy, theo AP, việc Mỹ muốn tái áp đặt trừng phạt Iran gây ra nhiều tranh cãi. Nga, Trung Quốc và châu Âu phản đối đã đành, thậm chí cả các chính trị gia có quan điểm cứng rắn chống Iran mạnh mẽ nhất ở Mỹ cũng không muốn ông Trump “đơn phương” hành động như thế.

Cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton từ lâu cho rằng, Washington đã mất đi thế mạnh khi rút khỏi JCPOA. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif trong tuần này ca ngợi quan điểm nhất quán của ông Bolton, mà việc quan chức hàng đầu Iran ca ngợi quan chức Mỹ rất hiếm khi diễn ra. Trong khi đó, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman, quan chức đàm phán về thỏa thuận hạt nhân hàng đầu trong chính phủ thời Tổng thống Barack Obama, nói rằng Mỹ không thể quay lại buộc HĐBA LHQ áp đặt trừng phạt khi đã rút khỏi thỏa thuận.

Ngoại trưởng Pompeo sẽ đưa ra bằng chứng cho thấy Iran không tuân thủ JCPOA, có thể đó là các báo cáo gần đây nhất của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA). Thực tế, theo AP, Iran không phủ nhận việc vi phạm một số điều khoản của JCPOA, nhưng cho rằng nước này buộc hành động khi Mỹ rời thỏa thuận và áp đặt trừng phạt Tehran. Chính vì Mỹ trước đó đã áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt và gây sức ép để Iran phải đàm phán lại thỏa thuận cũng như từ bỏ chương trình tên lửa đạn đạo, nên nước Cộng hòa Hồi giáo này từng bước giảm bớt các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, trong đó có việc tăng giới hạn làm giàu uranium.

Việc Mỹ đơn phương trừng phạt Iran sẽ đẩy HĐBA LHQ vào cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Ngoại trưởng Iran Zarif nhấn mạnh, những tuần tới và những tháng tới là thời điểm quyết định đối với JCPOA. Hãng Reuters dẫn lời một nhà ngoại giao châu Âu cho biết, “hầu hết cộng đồng quốc tế” tin rằng, Mỹ sẽ không thể kích hoạt trở lại lệnh trừng phạt Iran. Theo 3 quan chức cao của Iran, các nhà lãnh đạo nước này quyết tâm duy trì các cam kết trong JCPOA và hy vọng chiến thắng của ông Joe Biden, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Mỹ, trong cuộc bầu cử vào ngày 3-11 sẽ cứu vãn thỏa thuận.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.