Triển vọng đàm phán Mỹ - Triều còn xa

.

Báo cáo của Liên Hợp Quốc (LHQ) vừa được công bố cáo buộc Triều Tiên có thể đã phát triển các thiết bị hạt nhân thu nhỏ phù hợp với đầu đạn của tên lửa đạn đạo. Thông tin này có thể càng khiến Mỹ - Triều khó nối lại đàm phán.

Một vụ thử vũ khí của Triều Tiên hồi vào tháng 3-2020. Ảnh: AFP/KCNA
Một vụ thử vũ khí của Triều Tiên hồi vào tháng 3-2020. Ảnh: AFP/KCNA

Hãng tin Reuters dẫn báo cáo của Ủy ban Trừng phạt, một ủy ban độc lập thuộc Hội đồng Bảo an LHQ gồm 15 chuyên gia, công bố ngày 3-8 cho biết, một số nước (không xác định cụ thể nước nào) tin rằng 6 vụ thử hạt nhân trước đây của Triều Tiên “có thể nhằm giúp phát triển các thiết bị hạt nhân thu nhỏ cho phù hợp với các đầu đạn của tên lửa đạn đạo”. Báo cáo nêu rõ: “Triều Tiên đang tiếp tục chương trình hạt nhân, bao gồm làm giàu uranium và xây dựng lò phản ứng thử nghiệm.

Một quốc gia thành viên đánh giá rằng, Triều Tiên đang tiếp tục sản xuất vũ khí hạt nhân”. Phái đoàn Triều Tiên tại trụ sở của LHQ ở New York (Mỹ) chưa bình luận về thông tin này. Song, thông tin của Reuters không nhất quán về việc “một số nước” hay chỉ “một nước” (không xác định) tin rằng Triều Tiên có thể đã phát triển các thiết bị hạt nhân thu nhỏ.

Cũng theo Reuters, từ tháng 9-2017 đến nay, Triều Tiên không tiến hành vụ thử hạt nhân nào. Tuần trước, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khẳng định sẽ không còn chiến tranh vì vũ khí hạt nhân là để bảo đảm an toàn và tương lai của đất nước, bất chấp những áp lực cũng như đe dọa quân sự từ bên ngoài.

Từ năm 2006, Mỹ trừng phạt Triều Tiên vì các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của quốc gia Đông Bắc Á này. Hội đồng Bảo an LHQ tăng cường trừng phạt Triều Tiên nhằm cắt giảm tài trợ cho các chương trình đó.

Báo cáo của LHQ làm Hàn Quốc lo ngại. Hãng Yonhap dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, Seoul đang theo dõi sát sao các hoạt động hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Đại tá Moon Hong-sik, Phó phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, nói rằng Seoul nhận thấy công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên đã đạt trình độ “đáng kể”. Đánh giá này cũng từng được Sách Trắng quốc phòng của Hàn Quốc năm 2018 đề cập.

Chính phủ Hàn Quốc đã cam kết nỗ lực vì hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên. Mới đây, ngày 31-7, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Lee In-young khẳng định, nước ông sẽ cung cấp những hỗ trợ cần thiết cho các tổ chức cứu trợ nhằm thúc đẩy trao đổi, hợp tác với Triều Tiên; đồng thời cho rằng các biện pháp này sẽ góp phần xây dựng sự tin cậy lẫn nhau giữa hai miền, từ đó thúc đẩy mối quan hệ liên Triều đang rơi vào bế tắc. Tuy nhiên, cũng trong ngày 31-7, Triều Tiên phóng tên lửa tầm ngắn ra khu vực ngoài khơi bờ biển phía đông nước này, làm cả Hàn Quốc lẫn Nhật Bản quan ngại.  

Seoul và Bình Nhưỡng cũng vừa kỷ niệm 67 năm ngày ký thỏa thuận đình chiến, kết thúc cuộc chiến tranh liên Triều (1950-1953) mặc dù hai nước vẫn trong tình trạng chiến tranh kỹ thuật. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in muốn thúc đẩy một cuộc gặp thượng đỉnh giữa Mỹ và Triều Tiên trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 3-11 tới. Song, hồi tháng 7, hãng Reuters dẫn lời Vụ trưởng các vấn đề về Mỹ của Bộ Ngoại giao Triều Tiên Kwon Jong-gun nói rằng, Bình Nhưỡng không đàm phán với Washington và kêu gọi Seoul ngừng can thiệp.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã gặp gỡ nhau 3 lần kể từ năm 2018. Song, quan hệ Mỹ - Triều rơi vào bế tắc sau khi hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 2-2019. Tháng 5-2018, Bình Nhưỡng cho nổ tung các đường hầm tại khu thử nghiệm hạt nhân chính Punggye-ri và cho rằng đây là minh chứng về việc thực hiện cam kết ngừng thử hạt nhân. Tuy nhiên, theo Reuters, Bình Nhưỡng không cho các chuyên gia giám sát việc dỡ bỏ cơ sở Punggye-ri.

Trong khi đó, báo cáo của LHQ cho rằng, chỉ một lối vào đường hầm bị phá hủy nhưng không có dấu hiệu phá hủy hoàn toàn và một nước khác khẳng định Bình Nhưỡng có thể xây dựng lại cơ sở hạ tầng cần thiết cho một vụ thử hạt nhân trong vòng 3 tháng. Các chuyên gia LHQ cáo buộc Bình Nhưỡng vi phạm lệnh trừng phạt. Những cáo buộc mới nhất như thế càng làm phức tạp vấn đề phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và việc nối lại đàm phán Mỹ - Triều chắc chắn sẽ thêm khó khăn.  

PHÚC NGUYÊN

 

;
;
.
.
.
.
.