Đàm phán thương mại Brexit: Nguy cơ bế tắc

.

Vòng đàm phán thương mại thứ 8 giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) chưa bắt đầu thì đối mặt với nguy cơ bế tắc khi hai bên đều đưa ra tuyên bố cứng rắn. Anh hiện sẵn sàng kịch bản rời EU mà không có thỏa thuận.

Trưởng đoàn đàm phán Brexit của Liên minh châu Âu (EU) Michel Barnier đến nhà số 10 phố Downing để tham gia đàm phán. Ảnh: EPA
Trưởng đoàn đàm phán Brexit của Liên minh châu Âu (EU) Michel Barnier đến nhà số 10 phố Downing để tham gia đàm phán. Ảnh: EPA

Hãng Reuters cho biết, vòng đàm phán thứ 8 giữa Anh và EU được nối lại ở London từ ngày 8-9. Song, ngay trước thềm đối thoại, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố sẽ hủy bỏ thỏa thuận Brexit nếu London và EU không thống nhất về thỏa thuận thương mại tự do trước ngày 15-10 tới. “Tối hậu thư” mà ông Johnson đưa ra không phải là điều bất ngờ bởi chính phủ Anh đã chuẩn bị kịch bản không thỏa thuận khi tiến trình chuyển tiếp sắp kết thúc vào ngày 31-12. “Chúng tôi sẵn sàng cho bất kỳ tình huống nào xảy ra, nhưng chúng tôi muốn mọi người hiểu rằng, dù bất kỳ điều gì xảy ra vào cuối năm, chúng tôi cũng sẽ rời EU và rời khỏi giai đoạn chuyển tiếp”, ông Johnson phát biểu hồi cuối tuần trước.

Ngày 7-9, tại nhà số 10 phố Downing, Thủ tướng Johnson nói rằng, nếu London và EU không thể tìm được tiếng nói chung thì sẽ không có thỏa thuận thương mại tự do, hai bên nên chấp nhận, nghĩa là Vương quốc Anh có thể không cần thỏa thuận “ly hôn” đã ký với liên minh.

Theo báo The Telegraph, nếu đàm phán bế tắc, Anh sẽ có một thỏa thuận với EU “theo kiểu Úc”, hoặc tương tự như với Canada và các nước khác. Hiện Úc giao dịch thương mại với EU theo các quy định và thuế quan của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Anh đã chính thức rời EU vào ngày 31-1 vừa qua và bước vào giai đoạn chuyển tiếp với các quy định của EU vẫn áp dụng đến ngày 31-12. Sau đó, một quy chế thương mại mới sẽ có hiệu lực để quy định mối quan hệ giữa Anh và EU, hoặc London sẽ trở lại các quy tắc thương mại do WTO đặt ra. Điều đó có nghĩa là quan hệ thương mại Anh - EU sẽ chỉ dựa trên các chuẩn mực tối thiểu mà WTO thiết lập, theo đó các mức thuế quan sẽ cao hơn hiện nay, các doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều thủ tục phiền hà hơn...

Vấn đề gây tranh cãi là hai bên không thống nhất việc EU tiếp cận với vùng biển đánh cá của Anh và quy định về cứu trợ nhà nước. Thủ tướng Johnson nói rằng, sẽ chỉ có một thỏa thuận nếu EU suy nghĩ lại về vị trí hiện tại của họ. Trong khi đó, EU cáo buộc Anh đàm phán không nghiêm túc. Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU, ông Michel Barnier, tuyên bố “sẽ không bao giờ từ bỏ lợi ích kinh tế và chính trị lâu dài của EU vì lợi ích duy nhất của Vương quốc Anh”. Còn Trưởng đoàn đàm phán Brexit của Anh, ông David Frost, nhấn mạnh London sẽ không trở thành một “quốc gia lệ thuộc” theo bất kỳ điều khoản nào của một thỏa thuận thương mại hậu Brexit ký với EU và xứ sở sương mù muốn hoàn toàn tự quyết đối với các kế hoạch trợ cấp quốc gia. Theo hãng Reuters, ông Barnier đã đến London vào ngày 1-9 để trao đổi với ông Frost rằng, Anh phải tiếp tục các kế hoạch trợ cấp quốc gia, hoặc sẽ không có thỏa thuận Brexit.

Các nhà ngoại giao EU dĩ nhiên không muốn Anh rời khối này mà không có thỏa thuận và phải áp dụng một thỏa thuận “theo kiểu Úc” như những gì London tuyên bố. Hơn nữa, Reuters nêu rất rõ: Nếu không có thỏa thuận, gần 1.000 tỷ USD thương mại giữa London và EU, trong đó liên quan các ngành phụ tùng ô-tô, thuốc men, trái cây, dữ liệu…, rơi vào trạng thái bấp bênh.

Trước khi bước vào vòng đàm phán thứ 8, trả lời phỏng vấn một tờ báo của Anh ngày 6-9, ông David Frost bày tỏ không kỳ vọng về sự đột phá nào. Song, chính phủ Anh cũng không muốn kịch bản không thỏa thuận xảy ra, bởi kết cục như vậy có thể khiến Thủ tướng Johnson đối mặt với sự chỉ trích từ các thành viên thân EU trong đảng Bảo thủ cầm quyền - những người chủ trương “Remain” (ở lại).

Cánh cửa ngoại giao vẫn mở cho cả Anh lẫn EU mặc dù không bên nào chịu nhường bên nào. Hãng AFP dẫn lời ông Johnson nhấn mạnh: “Cánh cửa của chúng tôi sẽ không bao giờ đóng lại và chúng tôi sẽ giao dịch với tư cách là bạn bè và đối tác, chứ không có một thỏa thuận thương mại tự do”.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.