Iran và đối tác muốn cứu thỏa thuận hạt nhân

.

Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, Nga và cả Iran đều đang nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân mà các nước đã ký năm 2015, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Mục tiêu của thỏa thuận này là ngăn chặn Iran sở hữu bom hạt nhân.

Giám đốc hạt nhân Iran Ali Akbar Salehi (trái) trao đổi cùng Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi ở thủ đô Tehran ngày 25-8. Ảnh: AFP
Giám đốc hạt nhân Iran Ali Akbar Salehi (trái) trao đổi cùng Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi ở thủ đô Tehran ngày 25-8. Ảnh: AFP

Hãng AFP cho biết, trong cuộc họp ở Vienna (Áo) ngày 1-9 (giờ địa phương), Iran và nhóm P5+1 (trừ Mỹ) đã bày tỏ mong muốn cứu vãn JCPOA. Đại diện Iran Abbas Araghchi không bình luận gì về ngày đàm phán. Tại Tehran, Tổng thống Iran Hassan Rouhani ca ngợi sự đoàn kết của các nước châu Âu trong việc duy trì thỏa thuận.

Phát biểu trong cuộc họp nội các vào ngày 2-9, ông Rouhani nói: “Thật may mắn, hôm qua ở Vienna, nhóm 4+1 đã thể hiện rõ họ ủng hộ JCPOA và Mỹ không có quyền bác bỏ thỏa thuận”. Nhà lãnh đạo Iran cho rằng, việc Mỹ tìm cách thúc đẩy Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) áp đặt trừng phạt Tehran là “vô ích và ấu trĩ”.

Trên Twitter, bà Helga Schmid, đại diện Liên minh châu Âu (EU) cho biết, các bên tham gia thống nhất duy trì thỏa thuận Iran và tìm cách thức bảo đảm việc thực thi đầy đủ thỏa thuận này, bất chấp những thách thức đang đặt ra. Theo bà Schmid, Mỹ không thể khởi động tiến trình tái áp đặt trừng phạt Iran bằng việc sử dụng một nghị quyết của HĐBA LHQ khi Washington đã rút khỏi JCPOA vào năm 2018.

Để có được sự đồng thuận từ các đối tác châu Âu trong ngày đàm phán 1-9, tuần trước, Iran đã đồng ý cho các thanh sát viên LHQ đến 2 cơ sở bị nghi ngờ liên quan vật liệu hạt nhân và tổ chức hoạt động hạt nhân không khai báo. Đó là cơ sở gần thành phố Shahreza ở tỉnh miền trung Isfahan và một cơ sở gần thủ đô Tehran. Đến nay, Iran luôn khẳng định chương trình hạt nhân của nước này hoàn toàn vì mục đích hòa bình, theo đúng quy định của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA).

Sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi JCPOA và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt để buộc Iran đàm phán lại, nước Cộng hòa Hồi giáo cũng bắt đầu thu hẹp các cam kết trong thỏa thuận. Hồi tháng 3, báo cáo của IAEA cho thấy, Iran dự trữ 1.510kg uranium đã làm giàu, cao hơn 5 lần so với mức giới hạn 300kg theo JCPOA. Hãng AP dẫn lời các chuyên gia nhận định, mức độ dự trữ lên đến hơn 1.500kg uranium là đủ cung cấp đủ nguyên liệu để sản xuất một đơn vị vũ khí hạt nhân. Trong báo cáo của IAEA vào tháng 6, lượng uranium làm giàu của Iran gấp gần 8 lần mức giới hạn trong thỏa thuận. Vì vậy, Mỹ cáo buộc Iran vi phạm thỏa thuận, đồng thời gây áp lực với cả những nước khác có liên quan.

JCPOA được Iran và P5+1 (gồm Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, Mỹ và Đức) ký năm 2015 dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama. Theo đó, Iran sẽ được hưởng những ưu đãi về kinh tế để đổi lấy việc nước này ngừng chương trình hạt nhân. Song, giờ đây, với kế hoạch tái áp đặt trừng phạt của Mỹ, thậm chí Washington đã kích hoạt tiến trình “đảo ngược” trong 30 ngày để khôi phục nghị quyết trừng phạt của LHQ, các nước tham gia JCPOA lo ngại thỏa thuận này sẽ sụp đổ.

Tuy nhiên, cũng trong ngày 1-9, Niger - nước giữ chức Chủ tịch luân phiên HĐBA LHQ tháng 9 - khẳng định sẽ không ủng hộ việc Mỹ kích hoạt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran vì không có sự đồng thuận trong cơ quan gồm 15 thành viên này. Hãng Reuters dẫn lời Đại sứ Niger tại LHQ, ông Abdou Abarry, tuyên bố sẽ giữ nguyên quyết định đã được HĐBA LHQ thông qua hồi tháng 8. Hôm 21-8, tổng cộng 13/15 nước thành viên HĐBA cho rằng, bước đi của Mỹ là không phù hợp bởi Washington đã rút khỏi JCPOA vào năm 2018 thì không có lý do gì để trở lại đòi trừng phạt Iran. Cộng hòa Dominica là nước duy nhất bỏ phiếu ủng hộ Mỹ.

Ông Mark Fitzpatrick thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) nói với hãng AFP, JCPOA giúp Iran đứng cùng phía với các đối tác châu Âu. Song, ông Fitzpatrick chỉ ra rằng: “Các hoạt động hạt nhân của Iran vẫn gây quan ngại sâu sắc đối với các quốc gia đang nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân”.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.