Mỹ quyết khôi phục lệnh trừng phạt Iran

.

Mỹ tuyên bố sẽ thúc đẩy Liên Hợp Quốc (LHQ) kéo dài vô thời hạn lệnh cấm vận vũ khí nhằm vào Iran. Tổng thống Donald Trump có thể đề cập vấn đề này trong bài phát biểu trực tuyến tại cuộc họp thường niên Đại hội đồng LHQ ngày 22-9.

Cơ sở làm giàu uranium Isfahan của Iran nằm cách thủ đô Tehran 420km về phía nam.  Ảnh: AFP
Cơ sở làm giàu uranium Isfahan của Iran nằm cách thủ đô Tehran 420km về phía nam. Ảnh: AFP

Hãng Reuters cho biết, phát biểu với báo giới ở Washington trong tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định quyết tâm theo đuổi lệnh cấm vận vũ khí nhằm vào Iran, thay vì lệnh này của LHQ sẽ hết hạn vào ngày 18-10 tới. “Mỹ sẽ làm những gì mà nước này luôn làm. Mỹ sẽ chia sẻ một phần trách nhiệm để thúc đẩy hòa bình, lần này là ở Trung Đông. Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì cần thiết để bảo đảm duy trì các biện pháp trừng phạt”, ông Pompeo phát biểu trong cuộc họp báo cùng Ngoại trưởng Anh Dominic Raab, đồng thời bày tỏ mong muốn Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ sẽ ra “một nghị quyết hợp lệ” để khôi phục các biện pháp trừng phạt.

Đại diện đặc biệt của Mỹ phụ trách các vấn đề Iran và Venezuela, ông Elliott Abrams, cho hay toàn bộ các biện pháp trừng phạt của LHQ nhằm vào Iran sẽ được khôi phục vào tuần tới. Ngoài ra còn có lệnh cấm Iran có những động thái làm giàu và liên quan hạt nhân; cấm phát triển và thử tên lửa đạn đạo; trừng phạt các hoạt động chuyển giao công nghệ liên quan đến tên lửa và hạt nhân cho Iran…

Những tuyên bố nói trên được giới chức Mỹ đưa ra, bất chấp HĐBA LHQ trước đó đã bác bỏ dự thảo đề xuất của Washington về việc gia hạn lệnh cấm bán vũ khí đối với Iran. Ông Pompeo lý giải, lệnh cấm vũ khí với Iran nhằm hạn chế ảnh hưởng của nước này và tạo ra hòa bình cho khu vực Trung Đông.

Chẳng hạn, khi Mỹ tái áp đặt trừng phạt Iran, quốc gia Cộng hòa Hồi giáo sẽ mất những khoản tiền lớn để tài trợ cho các nhóm dân quân trong khu vực. Hồi tháng trước, ông Pompeo thậm chí đến trụ sở của LHQ ở New York để vận động tổ chức liên minh chính phủ này gia hạn lệnh cấm vận vũ khí, mặc dù Tổng thống Donald Trump cách đây 2 năm đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Iran đã ký với nhóm cường quốc P5+1 (còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA) và gọi đây là “thỏa thuận tồi tệ nhất từng có”.

Theo Reuters, 13 thành viên của HĐBA LHQ, trong đó có các đồng minh lâu năm của Mỹ, cho rằng động thái của Washington không có hiệu lực pháp lý. Song, một số nhà ngoại giao nhận định, một vài quốc gia vẫn có thể thực thi các biện pháp trừng phạt vốn đã được dỡ bỏ theo JCPOA - một thỏa thuận nhằm ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân. Theo thỏa thuận này, Iran đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân để đổi lấy nới lỏng các biện pháp trừng phạt.

Các đồng minh châu Âu của Mỹ khẳng định, họ ủng hộ gia hạn lệnh trừng phạt nhưng vẫn muốn ưu tiên duy trì giải pháp ngoại giao trong vấn đề hạt nhân. Vì vậy, động thái của Washington không nhận được cái gật đầu từ các đồng minh châu Âu - những nước tham gia JCPOA.

Trong lúc đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani vui mừng khi Mỹ bị các đồng minh “quay lưng”. Ông Rouhani xem đây là thất bại của Mỹ và là chiến thắng của Iran.

Hãng Reuters cho rằng, Tổng thống Trump sẽ đề cập vấn đề trừng phạt Iran trong bài phát biểu tại cuộc họp thường niên Đại hội đồng LHQ vào ngày 22-9 tới. Kể từ khi rút khỏi JCPOA, đảo ngược chính sách ngoại giao thời Tổng thống Barack Obama, ông Trump đơn phương áp đặt trừng phạt Iran dưới tên gọi là “Chiến dịch gây sức ép tối đa” để buộc Tehran đàm phán về một thỏa thuận mới.

Sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA, Iran kiện Washington lên Tòa án Công lý quốc tế (ICJ), chỉ trích việc Mỹ tái áp đặt trừng phạt Tehran là vi phạm Hiệp ước hữu nghị mà hai nước đã ký vào năm 1955 và coi thường luật pháp quốc tế. Giờ đây, Iran kêu gọi ICJ lật ngược lệnh trừng phạt của Mỹ bởi các biện pháp cấm vận này gây thiệt hại cho kinh tế Iran và hủy hoại cuộc sống của hàng triệu người dân nước Cộng hòa Hồi giáo, nhất là trong bối cảnh phải ứng phó với đại dịch Covid-19.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.