Quốc tế

Trump - Biden "so găng"

11:07, 30/09/2020 (GMT+7)

Cả hai ứng cử viên tổng thống đều là những người dày dặn kinh nghiệm trên các diễn đàn, nhưng phong cách khác nhau của họ sẽ được thể hiện rõ ràng và trọn vẹn hơn trước cử tri Mỹ trong cuộc tranh luận đầu tiên vào ngày 29-9 (giờ Mỹ) tại thành phố Cleveland, bang Ohio.

Ông Donald Trump (trái) và ông Joe Biden sẽ tham gia tổng cộng 3 cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình trước ngày bỏ phiếu quốc gia 3-11. Cuộc tranh luận ngày 29-9 là lần “so găng” đầu tiên. 			             Ảnh: Getty Images
Ông Donald Trump (trái) và ông Joe Biden sẽ tham gia tổng cộng 3 cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình trước ngày bỏ phiếu quốc gia 3-11. Cuộc tranh luận ngày 29-9 là lần “so găng” đầu tiên. Ảnh: Getty Images

Hãng AP cho biết, theo nhận định của một số chuyên gia chính trị Mỹ, trong cuộc “so găng” chính thức đầu tiên trước công luận, công chúng Mỹ sẽ chứng kiến “màn đấu” giữa một ứng cử viên đã dành nhiều tuần chuẩn bị (ông Joe Biden) trong khi người kia thì không; giữa một người có hàng chục cuộc tranh luận chính thức kể từ tháng 6-2019 và cuộc tranh luận gần đây nhất vào tháng 3-2020 (ông Biden), trong khi người kia không có cuộc tranh luận nào trong gần 4 năm.

Cơ hội vàng

Với lượng khán giả dự kiến lên tới gần 100 triệu người xem cả trên truyền hình lẫn trực tuyến, không ngạc nhiên khi hai ứng cử viên của đảng Cộng hòa và Dân chủ đều coi đây là cơ hội vàng để có thể thuyết phục cử tri thông qua tài hùng biện và thể hiện tốt những luận điểm sắc sảo trong cương lĩnh tranh cử. Đối với Tổng thống Donald Trump, đây là một trong những cơ hội cuối cùng và tốt nhất để ông đảo ngược tình thế. Trong khi đó, với ông Joe Biden, đây có thể là màn đấu quyết định tương lai sự nghiệp chính trị của ông.

Đài CBS cho rằng, với Tổng thống Trump, những gì ông phải chuẩn bị cho cuộc tranh luận năm nay khác rất nhiều so với năm 2016, thời điểm ông chủ trì các phiên tranh luận kéo dài nhiều giờ với sự hỗ trợ của một dàn cố vấn chiến dịch do cựu Thống đốc bang New Jersey, ông Chris Christie chủ trì. Năm nay, để chuẩn bị cuộc tranh luận đầu tiên với ông Joe Biden, Cố vấn cấp cao chiến dịch Jason Miller và bà Hope Hicks - Cố vấn cho Tổng thống đã nỗ lực chuẩn bị mọi thứ. Tuy nhiên, bản thân ông Trump lại thể hiện ông không chuẩn bị bao nhiêu cho sự kiện này.

Trong khi đó, đảng Dân chủ đang “soi” gần như mọi tweet của ông Trump nói về ông Biden, hồ sơ của Tổng thống Trump cũng như gia đình để đoán định những kiểu tấn công mà họ cho rằng ông sẽ sử dụng khi đứng trên sàn tranh luận. Dù vậy, theo đài Al Jazeera, cuộc tranh luận này sẽ không đơn giản với ông Biden, bởi trong số những ứng cử viên tổng thống tham gia tranh luận trong lịch sử nước Mỹ, ông Trump là người khó đoán định nhất, nên cũng sẽ là người “nguy hiểm” nhất.

Đài Al Jazeera dẫn lời một cố vấn của ông Biden từ năm 2016 ví von rằng, việc chuẩn bị cho cuộc tranh luận với ông Trump cũng giống như việc sẵn sàng tâm thế cho một cuộc đua mô-tô mà đã biết trước một trong những tay đua đối thủ sẽ lái xe trong tình trạng say xỉn. Sự điềm đạm của ông Biden được giới quan sát đánh giá như một “điểm cộng” trong phiên tranh luận đầu tiên.

6 chủ đề tranh luận

Buổi tranh luận bao gồm 6 chủ đề khác nhau dưới sự điều phối của Chris Wallace - người dẫn chương trình đài Fox News, bao gồm: hồ sơ của hai chính khách, tòa án tối cao, kinh tế, đại dịch Covid-19, vấn đề chủng tộc và bạo lực ở các thành phố sau cái chết của một người Mỹ gốc Phi George Floyd, tính toàn vẹn của bầu cử.

Báo New York Times dẫn lời giới phân tích cho rằng, kết quả cuộc bầu cử tổng thống ngày 3-11 sẽ ảnh hưởng tới những tầm nhìn thay đổi toàn diện đối với chính sách nhập cư của nước Mỹ trong những năm tới.

Cụ thể, nếu Tổng thống Trump tái đắc cử, chính phủ của ông sẽ tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch triệt phá tình trạng nhập cư bất hợp pháp, hạn chế nhập cư hợp pháp và giảm bớt các chính sách bảo vệ nhân đạo với người nước ngoài cư trú trên đất Mỹ. Truyền thông Mỹ cho rằng, ông Trump có cơ hội hiện thực hóa những thay đổi chính sách lớn hơn nữa với hệ thống di trú của nước Mỹ, những thay đổi mà đến nay vẫn bị đình đốn vì vấp phải những phán quyết ngăn chặn của các tòa án liên bang.

Tuy nhiên, nếu cựu Phó Tổng thống Joe Biden đắc cử, ông sẽ phải tiếp quản một hệ thống quản lý di trú với hàng trăm thay đổi đã được thực hiện dưới thời ông Trump. Trong đó, có thể kể một loạt chính sách hạn chế cơ chế tị nạn, một loạt nguyên tắc siết chặt việc cấp thẻ xanh, mở rộng hơn các quy định trục xuất với những người thuộc diện này... Việc đảo ngược những chính sách di trú của chính phủ Tổng thống Trump sẽ là nỗ lực lâu dài và vô cùng khó khăn nếu ông Biden đắc cử.

Màn “so găng” trực tiếp đầu tiên được dự báo sẽ có nhiều điều bất ngờ và hấp dẫn, trong lúc ông Biden đang có nhiều lợi thế hơn. Nhiều khả năng ông Biden sẽ tập trung công kích ông Trump về cách ứng phó đại dịch Covid-19 và nền kinh tế đang suy yếu...

TRẦN ĐẮC LUÂN

.