Các nước đua tìm vắc-xin ngừa Covid-19

.

Các nhà khoa học trên thế giới tiếp tục tìm kiếm vắc-xin ngừa Covid-19 trong lúc tổng số ca nhiễm toàn cầu lên đến hơn 40,7 triệu, trong đó có 1,2 triệu ca tử vong.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, có thể có vắc-xin ngừa Covid-19 vào cuối năm nay. 								      Ảnh: Reuters
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, có thể có vắc-xin ngừa Covid-19 vào cuối năm nay. Ảnh: Reuters

Báo The Independent cho biết, mặc dù việc phát triển một loại vắc-xin có thể kéo dài 10 năm, nhưng các chính phủ và ngành công nghiệp dược phẩm đẩy nhanh tiến trình này với hy vọng sẽ khống chế được đại dịch Covid-19. Hiện có hơn 170 loại vắc-xin được phát triển dưới sự giám sát của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hầu hết ở giai đoạn đầu. Hơn 10 loại đang ở giai đoạn 3, tức được thử nghiệm đối với các nhóm tình nguyện để bảo đảm an toàn và hiệu quả. Mặc dù có những dấu hiệu lạc quan về một số ứng cử viên vắc-xin, nhưng vẫn chưa rõ thời điểm có thể thực hiện tiêm chủng hàng loạt để ngừa Covid-19.

Nga đã đăng ký 2 loại vắc-xin ngừa Covid-19 là Sputnik-V và EpiVacCorona, đồng thời tiết lộ về ứng cử viên vắc-xin tiềm năng thứ ba. Trong khi đó, theo Tân Hoa xã, Trung Quốc cũng là một trong những nước dẫn đầu cuộc đua nghiên cứu và chế tạo vắc-xin Covid-19 với 13 loại vắc-xin đang thử nghiệm lâm sàng, trong đó có 4 loại vắc-xin dạng bất hoạt và vaccine tái tổ hợp đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.

Ông Điền Bảo Quốc, Phó Vụ trưởng Khoa học kỹ thuật phát triển xã hội thuộc Bộ Khoa học kỹ thuật Trung Quốc xác nhận thông tin nói trên trong cuộc họp báo ngày 20-10. Ông Điền Bảo Quốc cho biết, cả 4 loại vắc-xin đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 đều tiến triển thuận lợi khi tiêm chủng cho hàng trăm nghìn người lao động thiết yếu, hoặc thuộc nhóm nguy cơ cao.

Một trong những loại vắc-xin tiềm năng đó có tên BBIBP-CorV, do Viện Sinh phẩm Bắc Kinh thuộc Tập đoàn Biotec quốc gia (CNBG) của Trung Quốc bào chế. Song, chỉ có thể khẳng định hiệu quả của vắc-xin khi các nhà nghiên cứu hoàn tất cuộc thử nghiệm giai đoạn 3 đang được tiến hành ở bên ngoài Trung Quốc.

Trung Quốc cũng tham gia COVAX, chương trình tiếp cận vắc-xin toàn cầu do WHO, Liên minh Vaccine và Tiêm chủng toàn cầu (GAVI), Liên minh Đổi mới sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI) điều hành, nhằm bảo đảm phân phối vắc-xin ngừa Covid-19 công bằng cho các quốc gia, nhất là với những nước nghèo. Sáng kiến COVAX đặt mục tiêu tới cuối năm 2021 cung cấp ít nhất 2 tỷ liều vắc-xin ngừa Covid-19 trên toàn cầu.

Mới đây, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cam kết sẽ đưa vắc-xin ngừa Covid-19 của nước này trở thành sản phẩm công cộng toàn cầu ngay khi được phát triển và phân phối thành công. Mặc dù giới chức Trung Quốc chưa công bố chi tiết giá cho các loại vắc-xin tiềm năng ngừa Covid-19 nhưng nhiều người đã được dùng vắc-xin thử nghiệm giai đoạn cuối như một phần của chương trình tiêm chủng khẩn cấp.

Trong khi đó, theo Reuters, chính phủ Anh đầu tư 33,6 triệu bảng (43,5 triệu USD) cho việc nghiên cứu phát triển vắc-xin ngừa Covid-19. Các nghiên cứu này do Trường Imperial College London, Công ty hVIVO chuyên cung cấp các dịch vụ phòng thí nghiệm - thử nghiệm và Quỹ Royal Free London NHS Foundation Trust thực hiện. Các đơn vị dự kiến tiến hành nghiên cứu vào tháng 1-2021 và công bố kết quả sau đó 4 tháng.

Hồi đầu tháng 10, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng, có thể sẽ có vắc-xin ngừa Covid-19 vào cuối năm nay. “Chúng ta sẽ cần vắc-xin và hy vọng vào cuối năm nay chúng ta có thể có một loại vắc-xin”, ông Tedros nhấn mạnh. TS. Anthony Fauci, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ, cũng cho rằng từ tháng 11 đến tháng 12 tới có thể có vắc-xin.

Trước thời điểm cuối tháng 11, Mỹ có thể cấp phép cho loại vắc-xin của các công ty dược phẩm Pfizer Inc và BioNTech - ứng cử viên hàng đầu trong cuộc đua tìm vắc-xin. Song, việc cấp phép chỉ được thực hiện sau khi có dữ liệu an toàn tiêm phòng.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.