Mỹ lại tăng sức ép với Iran

.

Một lần nữa Mỹ tuyên bố áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ của Iran. Song, Tehran khẳng định sẽ không chịu áp lực từ Washington.

Tàu Atlantas chở 2 triệu thùng dầu thô của Iran cho nhà máy lọc dầu Polish Lotos neo đậu tại cảng dầu Naftoport ở Gdansk, Ba Lan. Việc Iran vận chuyển dầu đến Gdansk là kết quả của một thỏa thuận giữa Tập đoàn Lotus và Công ty Dầu khí Quốc gia Iran (NIOC). 				             Ảnh: Getty Images
Tàu Atlantas chở 2 triệu thùng dầu thô của Iran cho nhà máy lọc dầu Polish Lotos neo đậu tại cảng dầu Naftoport ở Gdansk, Ba Lan. Việc Iran vận chuyển dầu đến Gdansk là kết quả của một thỏa thuận giữa Tập đoàn Lotus và Công ty Dầu khí Quốc gia Iran (NIOC). Ảnh: Getty Images

Hãng Reuters dẫn thông tin từ Bộ Tài chính Mỹ cho biết, lệnh trừng phạt được áp đặt đối với các nhân tố quan trọng trong lĩnh vực dầu mỏ của Iran, bị cáo buộc hỗ trợ lực lượng bán quân sự Quds (IRGC-QF) ở nước ngoài và bị Washington đưa vào “danh sách đen”. Theo đó, các biện pháp trừng phạt nhằm vào Bộ Dầu mỏ Iran, Công ty Dầu khí Quốc gia Iran (NIOC) và Công ty Tàu chở dầu Quốc gia Iran (NITC).

Trong “danh sách đen” còn có các tổ chức và cá nhân khác, với cáo buộc liên quan đến thương vụ Iran bán xăng dầu cho chính quyền của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Các tổ chức và cá nhân này bị “đóng băng” tài sản ở Mỹ, đồng thời không thể thực hiện bất kỳ giao dịch nào với người dân Mỹ. Đây là động thái mới nhất của Washington nhằm gia tăng sức ép với Tehran.

Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin khẳng định: “Chính quyền Iran sử dụng ngành dầu mỏ để tài trợ cho các hoạt động gây bất ổn của IRGC-QF”. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng, những người mua dầu thô của Iran cần biết rằng họ đang giúp tài trợ cho các hoạt động khủng bố trên khắp Trung Đông.

Căng thẳng giữa Mỹ và Iran leo thang kể từ tháng 5-2018, khi Tổng thống Donald Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Tehran đã ký với nhóm cường quốc P5+1 (còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA). Lúc đó, ông Trump tái áp đặt trừng phạt nhằm “gây sức ép tối đa về kinh tế”, làm tê liệt toàn bộ hoạt động xuất khẩu dầu vốn là nguồn thu chủ lực của nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Theo hãng Reuters, kể từ khi Mỹ rút khỏi JCPOA, xuất khẩu dầu của Iran giảm hơn 80% từ mức 2,5 triệu thùng/ngày, đồng rial mất giá, lạm phát ở nước Cộng hòa Hồi giáo gia tăng. Tổng thống Iran Hassan Rouhani từng thừa nhận rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã khiến Tehran mất khoảng 200 tỷ USD. Song, Iran vẫn nỗ lực tìm kiếm các giải pháp để duy trì việc lưu thông dầu mỏ. Đến tháng 9 vừa qua, xuất khẩu dầu của Iran tăng mạnh, bất chấp các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Diễn biến tích cực này được xem là cứu cánh cho nền kinh tế Iran.

Trên Twitter ngày 26-10, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh khẳng định, ngành công nghiệp dầu của nước ông sẽ không chịu áp lực của Mỹ. Ông Zanganeh cáo buộc động thái của Washington là “phản ứng bị động” khi cường quốc này không thể cắt xuất khẩu dầu của Tehran xuống mức 0. “Kỷ nguyên của chủ nghĩa đơn phương đã kết thúc. Ngành công nghiệp dầu mỏ của Iran sẽ không bị ảnh hưởng”, ông Zanganeh nói thêm.

Tại phiên họp cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) khóa 75 ngày 26-10, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif kêu gọi LHQ chống lại quyết định đơn phương của Mỹ. Nhà ngoại giao này thúc giục các nước thành viên LHQ đồng lòng chống chủ nghĩa đơn phương và chống chiến tranh.
Chưa có phản ứng của các nước tham gia JCPOA, bởi các đối tác châu Âu như Anh, Pháp, Đức vẫn theo đuổi việc duy trì thỏa thuận hạt nhân với Iran và không muốn thỏa thuận này sụp đổ.

Hãng AFP dẫn lời các nhà phân tích cho rằng, nếu Tổng thống Trump thất bại trong cuộc bầu cử ngày 3-11, những biện pháp trừng phạt nói trên có thể là đòn giáng cuối cùng của ông nhằm vào các nhà lãnh đạo Iran. Trong khi đó, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, ông Joe Biden, chủ trương thúc đẩy ngoại giao với Iran và ủng hộ JCPOA.

Theo nhà phân tích cấp cao Henry Rome của Công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, nếu giành chiến thắng, ông Biden có thể nới lỏng các biện pháp trừng phạt. Song, ông Biden cũng không dễ làm như thế bởi có thể vấp phải những chỉ trích từ chính các đảng của Mỹ.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.