WHO đánh giá cao việc châu Á chống Covid-19

.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, các nước châu Á đã thành công trong việc phát hiện và cách ly người mắc Covid-19 cũng như những người từng tiếp xúc với người bệnh.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ở trung tâm xét nghiệm tại thành phố Charleroi, thuộc tỉnh Hainaut, Bỉ. Ảnh: AFP/Getty Images
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ở trung tâm xét nghiệm tại thành phố Charleroi, thuộc tỉnh Hainaut, Bỉ. Ảnh: AFP/Getty Images

Theo hãng tin Reuters, phát biểu trong cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ) ngày 19-10, TS. Mike Ryan, Giám đốc chương trình khẩn cấp của WHO, cho rằng châu Âu và Bắc Mỹ nên học kinh nghiệm từ các nước châu Á trong việc kiên nhẫn với các biện pháp chống Covid-19, hay cách ly những người từng tiếp xúc với các trường hợp mắc Covid-19.

Trong những tháng gần đây, số ca mắc Covid-19 ở Úc, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã giảm với việc các nhà chức trách phát hiện các ca bệnh và cách ly người bệnh cũng như những người tiếp xúc với trường hợp nhiễm bệnh. Theo đó, người dân ở những nước này tin tưởng hơn khi chính phủ áp dụng những biện pháp chống Covid-19 kéo dài. TS. Ryan nói: “Họ (các nước châu Á) đã chạy qua vạch đích, xa hơn thế và họ đang tiếp tục chạy, vì họ biết rằng cuộc đua vẫn chưa kết thúc và dừng lại là sai lầm. Rất nhiều nước đã dừng chân tại vạch đích ảo tưởng đó và nghĩ rằng có thể giảm tốc các hoạt động của mình. Theo tôi, các nước châu Á, Nam Á, Tây Thái Bình Dương đã thành công khi thực sự tiếp tục duy trì đà vận động”.

Tại Hàn Quốc, nơi từng là một trong những tâm dịch ở châu Á, theo hãng tin Yonhap, chính phủ bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế xã hội, cho phép người dân trở lại hầu hết các hoạt động thường nhật ở cả những khu vực có nguy cơ cao như thủ đô Seoul và vùng phụ cận. Song, Hàn Quốc vẫn duy trì các biện pháp phòng dịch cơ bản. Tại Ấn Độ, theo CNN, với gần 7,6 triệu ca nhiễm và hơn 115.000 ca tử vong, Ủy ban quốc gia về Covid-19 cho rằng, quốc gia Nam Á này đã đạt đỉnh dịch. Các nhà khoa học hàng đầu Ấn Độ khẳng định New Delhi có thể kiểm soát dịch vào đầu năm 2021 nếu tiếp tục duy trì các biện pháp hiện tại.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng thúc giục các chính phủ kiên trì chống Covid-19 trong bối cảnh thế giới đã ghi nhận hơn 40 triệu ca nhiễm và 1 triệu ca tử vong. Trong đó, Mỹ có tổng cộng hơn 8,2 triệu ca nhiễm và ít nhất 220.000 ca tử vong, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins (Mỹ).

Làn sóng thứ hai tại châu Âu đáng lo ngại bởi hơn 50% các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang ở mức cảnh báo đỏ về Covid-19. Tuần qua, Pháp, Đức, Áo, Cộng hòa Czech và Ba Lan ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày tăng cao chưa từng có. Ireland là thành viên EU đầu tiên áp đặt trở lại tình trạng phong tỏa từ ngày 21-10. Theo đó, tất cả cơ sở kinh doanh bán lẻ không thiết yếu phải đóng cửa, người dân được khuyến cáo nên ở nhà, các nhà hàng và bar chỉ được phép kinh doanh dịch vụ mang đồ ăn/uống về nhà. Tại Bỉ, Thủ tướng Alexander de Croo đã công bố giai đoạn 4 (giai đoạn báo động cao nhất của Covid-19) với những biện pháp nghiêm ngặt hơn khi tình hình dịch ở Brussels và vùng Wallonia được đánh giá là tồi tệ nhất, nguy hiểm nhất châu Âu. Hiện Bỉ có hơn 230.000 ca nhiễm và 10.400 ca tử vong.

Lúc này, cộng đồng quốc tế tiếp tục nỗ lực tìm kiếm phương pháp điều trị và vắc-xin ngừa Covid-19 hiệu quả. Tổng Giám đốc WHO Tedros cho hay, hiện có 184 nước tham gia dự án vắc-xin ngừa Covid-19 toàn cầu (COVAX), do WHO, Liên minh toàn cầu về vắc-xin và tiêm chủng (GAVI), Liên minh Đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI) điều hành. Dự án này nhằm bảo đảm quyền tiếp cận công bằng các loại vắc-xin ngừa Covid-19 trên toàn cầu. Ecuador và Uruguay là những thành viên mới nhất tham gia COVAX.

PHÚC NGUYÊN

Argentina vượt mốc 1 triệu ca mắc Covid-19

Ngày 19-10, Bộ Y tế Argentina xác nhận nước này có hơn 1 triệu ca mắc Covid-19, đồng thời ghi nhận gần 13.000 ca nhiễm mới và 451 ca tử vong chỉ trong 24 giờ qua. Như vậy, Argentina là nước thứ 5 (cùng với Mỹ, Ấn Độ, Brazil và Nga) vượt mốc 1 triệu ca nhiễm.

Theo AP, Argentina vẫn đang triển khai xét nghiệm ở mức độ thấp, song có hơn 60% các mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính - một trong những tỷ lệ cao nhất thế giới. Hơn 64% số giường bệnh ở những khu chăm sóc đặc biệt trên toàn quốc đã được sử dụng. Hệ thống y tế ở một số tỉnh có nguy cơ quá tải. Thời điểm dịch mới bùng phát, có 90% số ca nhiễm được ghi nhận tại thủ đô Buenos Aires. Song, hiện 65% số ca nhiễm được ghi nhận ở các tỉnh và thậm chí là các vùng hẻo lánh.

KHANG NINH

 

;
;
.
.
.
.
.