Châu Âu tính chuyện tự phòng vệ

.

Sau những rạn nứt trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, châu Âu có lẽ rút ra bài học rằng, “lục địa già” cần phải đủ mạnh để tự phòng vệ, thay vì phụ thuộc vào Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái), Thủ tướng Đức Angela Merkel (giữa) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tham dự một sự kiện ở thủ đô Paris tháng 11-2018. Ảnh: AFP/Getty Images
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái), Thủ tướng Đức Angela Merkel (giữa) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tham dự một sự kiện ở thủ đô Paris tháng 11-2018. Ảnh: AFP/Getty Images

Hội nghị các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của Liên minh châu Âu (EU) diễn ra theo hình thức trực tuyến vào ngày 19 và 20-11 sẽ bàn về vấn đề quốc phòng trong tương lai. Theo Reuters, các bộ trưởng sẽ nhận báo cáo thường niên đầu tiên về khả năng phòng vệ chung và đây là cơ sở cho những nỗ lực do Pháp dẫn đầu thời hậu Brexit (Anh rời EU) để liên minh 27 nước trở thành khối độc lập về quân sự.

Hãng Reuters dẫn lời các nhà ngoại giao châu Âu nhận định, nếu ứng cử viên Joe Biden của đảng Dân chủ đắc cử tổng thống Mỹ, ông sẽ ngăn chặn “những quan điểm xung đột” với các đồng minh, nhưng sẽ không làm thay đổi thông điệp cơ bản của Washington rằng, “lục địa già” cần tăng chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng của chính mình.

Theo một quan chức EU, ông Biden sẽ muốn châu Âu tiếp tục xây dựng phòng thủ chung, trở thành một đồng minh hùng mạnh và hữu ích cho cả Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Song, giới phân tích cũng cho rằng, dù ông Biden chiến thắng cũng không thể mang đến giải pháp ngay tức thời cho mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đang rạn nứt.

Châu Âu vốn phụ thuộc “chiếc ô an ninh” của Mỹ, thông qua cơ chế NATO. Dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, mối quan hệ EU - Washington không còn mặn nồng. Nhà Trắng càng lúc càng ít quan tâm hơn với các vấn đề của châu Âu. Cuối tháng 7-2020, Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố rút 11.900 binh sĩ khỏi Đức nhưng vẫn duy trì gần một nửa số này tại các nước khác ở châu Âu.

Ông Trump giải thích rõ, Mỹ giảm bớt lực lượng vì Đức không thanh toán các khoản chi phí của họ, nghĩa là ông chủ Nhà Trắng muốn Berlin phải tăng chi tiêu quốc phòng lên mức hơn 2% GDP như cam kết chung của các nước NATO.

Từ tháng 12-2017, các quốc gia châu Âu cũng thể hiện rõ họ đang tìm cách giảm dần sự phụ thuộc vào Mỹ dưới những nỗ lực dẫn đầu của Pháp - cường quốc quân sự còn lại trong EU sau Brexit. Theo đó, EU đang thực hiện các bước để dần “xây dựng quyền tự chủ mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh”.

Lúc Anh còn là thành viên EU, với áp lực của Mỹ, London không ủng hộ vai trò quân sự lớn hơn của liên minh này. Thay vào đó, xứ sở sương mù muốn NATO trở thành một diễn đàn chính về quốc phòng của châu Âu. Khi Anh rời EU, Pháp chủ trương thúc đẩy vai trò lớn hơn của EU trong lĩnh vực quốc phòng.

Hồi đầu năm nay, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu rằng, mối quan hệ đồng minh vững mạnh với Mỹ là nền tảng cho an ninh của châu Âu, nhưng an ninh châu lục cũng phụ thuộc rõ ràng vào khả năng hành động độc lập của các nước ở “lục địa già”.

Trả lời báo chí châu Âu và Mỹ ngày 16-11, các ngoại trưởng Pháp và Đức cam kết “làm cho mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương trở nên cân bằng hơn”. Song, tuần trước, nhà ngoại giao hàng đầu EU Josep Borrell trao đổi riêng rẽ với các đại sứ EU rằng, liên minh này “cần hành động, chứ không chỉ nói”.

Vấn đề đặt ra là, theo các chuyên gia, khi EU bắt tay vào thực hiện các dự án chung và từ năm tới sẽ dành 8 tỷ euro (9,46 tỷ USD) cho quỹ phát triển vũ khí, thì khối này cần ít nhất 10 năm để không phụ thuộc vào “chiếc ô an ninh” của Mỹ. Hiện Đức và Pháp bất đồng quan điểm.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer, trong những thập niên tới, châu Âu sẽ không thể tự bảo đảm an ninh cho chính mình mà không có sự trợ giúp của Mỹ và NATO. Bà Annegret Kramp-Karrenbauer thể hiện quan điểm rõ rằng, châu Âu vẫn cần Mỹ và NATO cho an ninh. Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 17-11 cũng khẳng định: Châu Âu cần đóng góp nhiều hơn cho mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương khi ông Joe Biden tiếp quản Nhà Trắng.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.