Covid-19: Thủ đô của Nhật Bản nâng cảnh báo lên mức cao nhất

.

Quyết định nâng mức cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm mới trong ngày ở Tokyo ngày 19-11 lần đầu tiên vượt ngưỡng 500 kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở Nhật Bản vào giữa tháng 1-2020.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại một cửa hàng ở Tokyo, Nhật Bản (Ảnh: AFP/TTXVN)
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm Covid-19 tại một cửa hàng ở Tokyo, Nhật Bản (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 19-11, chính quyền thủ đô Tokyo của Nhật Bản đã quyết định nâng cảnh báo về dịch bệnh Covid-19 lên mức cao nhất trên thang cảnh báo gồm bốn cấp độ.

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm mới trong ngày ở thành phố này ngày 19-11 lần đầu tiên vượt ngưỡng 500 kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở Nhật Bản vào giữa tháng 1-2020.

Trước đó, hôm 10-9, chính quyền thủ đô Tokyo đã hạ thấp mức độ cảnh báo về dịch bệnh trên xuống mức cao thứ hai sau khi số ca nhiễm mới có xu hướng giảm. Tuy nhiên, kể từ đầu tháng này, số ca nhiễm mới đã tăng trở lại và liên tục đạt đỉnh mới trong vài ngày gần đây.

Trong khi đó, tại Campuchia, sáng 19-11, Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia đã thông báo việc cho phép các cơ sở giáo dục công lập, tư thục tại thủ đô Phnom Penh, trung tâm tỉnh Kandal và sân vận động quốc gia Olympic hoạt động trở lại sau một thời gian gián đoạn.

Thông báo nêu rõ bộ trên quyết định cho phép các cơ sở giáo dục công lập và tư nhân ở thủ đô Phnom Penh và tỉnh Kandal hoạt động trở lại lại từ ngày 23-11.

Bộ cũng sẽ tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học cơ sở vào ngày 30-11 và kỳ thi tốt nghiệp trung học vào ngày 21-12 tới. Tuy nhiên, tất cả các cơ sở giáo dục công lập và tư nhân phải tiếp tục thực hiện Quy trình Hoạt động Tiêu chuẩn (SOP), duy trì khoảng cách an toàn giữa xã hội và cá nhân, nếu cần thiết phải đeo khẩu trang tại trường học để phòng chống dịch Covid-19.

Đối với hoạt động thể thao, cơ quan trên cho phép Sân vận động quốc gia Olympic hoạt động trở lại từ ngày 19-11, nhưng phải tiếp tục thực hiện việc giữ khoảng cách an toàn, đảm bảo các điều kiện y tế và an toàn xã hội.

Cùng ngày, báo chí Campuchia dẫn tuyên bố của Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen, cho biết “sự cố 3-11” đã được kiểm soát sau khi các kết quả xét nghiệm lần thứ tư và cũng là lần cuối của ông và những người tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp với Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Hungary Péter Szijjártó là âm tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm Covid-19 tại Phnom Penh, Campuchia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trên Facebook cá nhân, Thủ tướng Hun Sen nói rằng thông báo về việc kết thúc “sự cố 3-11” cũng đồng nghĩa với việc Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao và Bộ Lao động có thể mở cửa trở lại các trường học, trung tâm dạy nghề và các cơ sở khác. Tuy nhiên, cuộc chiến chống Covid-19 vẫn phải được đặt lên hàng đầu.

Như vậy sau 14 ngày tự cách ly, từ ngày 19-11, Thủ tướng Campuchia sẽ ra ngoài tham gia các sự kiện bình thường. Thời gian cách ly cũng kết thúc đối với 1.569 người ở Phnom Penh, 67 người ở tỉnh Kandal, 40 người ở tỉnh Pursat, 23 người ở Prey Veng và ba người ở Kampong Thom có liên quan đến sự kiện 3-11.

Thủ tướng Hun Sen thừa nhận “sự cố 3-11” có tác động rất lớn và diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn đe dọa, người dân Campuchia cần nâng cao khả năng chống dịch bằng cách đeo khẩu trang, rửa tay và thực hiện giãn cách theo chỉ đạo của Bộ Y tế.

Theo TTXVN/Vietnam+

;
;
.
.
.
.
.