Covid-19 vẫn là thách thức lớn của Mỹ

.

Mỹ là quốc gia đầu tiên trên thế giới chạm mốc 10 triệu ca mắc Covid-19 kể từ khi đại dịch bùng phát. Vì vậy, chính phủ mới của Mỹ sẽ phải đối mặt với một trong những thách thức lớn nhất: kiềm chế dịch bệnh lây lan.

Ông Biden cùng gia đình vui mừng chiến thắng ở bang Delaware ngày 7-11. Ảnh: Reuters
Ông Biden cùng gia đình vui mừng chiến thắng ở bang Delaware ngày 7-11. Ảnh: Reuters

Theo hãng Fox News, trong 10 ngày qua, Mỹ ghi nhận khoảng 1 triệu ca nhiễm mới, con số cao nhất kể từ khi Covid-19 bùng phát tại nước này. Mức trung bình ca nhiễm mỗi ngày trong 7 ngày của Mỹ là 105.600 ca, tăng ít nhất 29%. Thống kê của Đại học Johns Hopkins (Mỹ) cho thấy cường quốc này là nước đầu tiên có tổng số ca mắc Covid-19 chạm mốc 10 triệu và hơn 237.000 ca tử vong. Trong khi đó, hãng Reuters và báo New York Times đưa tin: Số ca nhiễm ở Mỹ đã vượt mốc 10 triệu. Sự bùng phát Covid-19 đang diễn ra ở nền kinh tế lớn nhất thế giới được cho là “làn sóng thứ ba” với tốc độ gia tăng nhanh chóng.

Ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden, người được truyền thông Mỹ cho rằng đã chiến thắng trong cuộc bầu cử hôm 7-11, cam kết đưa việc kiềm chế đại dịch Covid-19 trở thành ưu tiên hàng đầu. Ngày 9-11 (giờ Mỹ), ông Biden sẽ công bố lập đội chuyên trách gồm 12 thành viên để ứng phó với đại dịch. Đội chuyên trách sẽ được giao nhiệm vụ phát triển một kế hoạch chi tiết về việc ngăn chặn dịch bệnh sau khi ông Biden nhậm chức vào tháng 1-2021.

Từ những cam kết đưa ra trong chiến dịch tranh cử, có thể thấy nếu ông Biden trở thành tổng thống Mỹ, kế hoạch của vị chính trị gia 78 tuổi này trong việc kiểm soát Covid-19 sẽ có nhiều khác biệt so với chính phủ đương nhiệm của Tổng thống Donald Trump. Hãng Fox News cho hay, một trong những ưu tiên hàng đầu của ông Biden sẽ là quy định đeo khẩu trang trên cả nước. Ông Biden từng nói: “Tôi sẽ tìm đến các thống đốc để kêu gọi họ ban hành quy định đeo khẩu trang ở các bang. Nếu họ từ chối, tôi sẽ tìm tới các thị trưởng, lãnh đạo các hạt để việc đeo khẩu trang có thể được thực hiện trên toàn quốc”. Ông cũng từng cam kết triển khai chương trình xét nghiệm trên diện rộng thông qua một cơ chế do chính phủ hỗ trợ; tăng cường sản xuất các bộ kit xét nghiệm nhanh, xét nghiệm tại nhà và lập ít nhất 10 điểm xét nghiệm drive-through (người xét nghiệm có thể ngồi trên ô-tô) ở mỗi bang.

Cuộc chiến với Covid-19 ở Mỹ sẽ vô cùng nan giải bởi đây là khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ Đại khủng hoảng thập niên 1930. CNN dẫn lời bác sĩ Megan Ranney cho rằng, tình hình Covid-19 sẽ trở nên nghiêm trọng vào thời điểm ông Biden dự kiến nhậm chức tổng thống. Cũng theo dự báo của Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe Mỹ thuộc Đại học Washington, đợt dịch tồi tệ nhất có thể rơi vào khoảng thời gian từ giữa đến cuối tháng 1-2021.

Chính phủ của Tổng thống đương nhiệm Donald Trump cũng đã có kế hoạch tập trung ứng phó với Covid-19 nhưng ưu tiên tìm kiếm vắc-xin vào cuối năm nay, để đưa nước Mỹ trở lại trạng thái bình thường từ đầu năm tới. Theo hãng tin AP, dịch bệnh khiến nền kinh tế Mỹ suy thoái trầm trọng; tỷ lệ thất nghiệp hiện là 6,9%, so với 4,7% lúc ông Trump mới nhậm chức. Doanh số bán lẻ giảm 0,8% kể từ đầu năm 2020. Vì vậy, khôi phục tăng trưởng và tạo hàng chục triệu việc làm mới cho người dân Mỹ là ưu tiên của ông Trump.

Trong khi đó, ông Biden cũng đã cam kết đầu tư 25 tỷ USD vào việc sản xuất và phân phối vắc-xin. “Khi chúng ta có vắc-xin an toàn và hiệu quả, nó sẽ được cung cấp miễn phí cho mọi người, dù người đó có bảo hiểm hay không”, ông Biden nói.

Vấn đề là cuộc bầu cử cho thấy sự chia rẽ sâu sắc trong quan điểm của người dân về cách xử lý Covid-19 nên nếu ông Biden được xác nhận đắc cử thì cũng khó triển khai kế hoạch chống dịch như những gì mà ông cam kết.

PHÚC NGUYÊN

Đội ngũ của ông Biden thúc giục chuyển giao quyền lực

Hãng tin AP cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đối mặt với áp lực hợp tác với đội ngũ của ông Joe Biden để bảo đảm quá trình chuyển giao quyền lực diễn ra suôn sẻ.

Tuy nhiên, quá trình chuyển giao quyền lực sẽ không thể diễn ra toàn diện cho đến khi Cơ quan Dịch vụ tổng hợp của Mỹ (GSA) chính thức xác nhận ông Biden là “người chiến thắng rõ ràng”. Hiện ông Trump tuyên bố cuộc bầu cử vẫn chưa kết thúc và sẽ chiến đấu pháp lý tới cùng. Người đứng đầu GSA do ông Trump chỉ định, bà Emily Murphy, vẫn chưa quyết định khi nào kết quả bầu cử đủ rõ ràng để kích hoạt quá trình chuyển giao quyền lực.
Ban cố vấn của Trung tâm Chuyển tiếp Tổng thống đề nghị đội ngũ của ông Biden “tận dụng tối đa các nguồn lực sẵn có theo Đạo luật Chuyển tiếp Tổng thống”.

KHANG NINH

 

;
;
.
.
.
.
.