Các nước chạy đua tìm vắc-xin ngừa Covid-19

.

Chiến lược tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 của Anh thắp lên hy vọng cho cả thế giới về bước ngoặt mới trong cuộc chiến chống đại dịch vốn đã làm hơn 67,5 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2 và 1,5 triệu người tử vong.

Cụ bà Margaret Keenan (90 tuổi), công dân Anh, là người đầu tiên được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 của hãng Pfizer/BioNTech. Ảnh: AP
Cụ bà Margaret Keenan (90 tuổi), công dân Anh, là người đầu tiên được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 của hãng Pfizer/BioNTech. Ảnh: AP

Theo CNN, trên Twitter ngày 8-12, ngay sau khi người đầu tiên được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, Thủ tướng Anh Boris Johnson cảm ơn người dân, các nhà khoa học, các nhân viên y tế. “Hôm nay, chiến dịch tiêm vắc-xin của Anh chống Covid-19 được bắt đầu. Cảm ơn Dịch vụ y tế quốc gia (NHS), cảm ơn tất cả các nhà khoa học - những người đã làm việc vất vả để phát triển loại vắc-xin này, cảm ơn tất cả các tình nguyện viên và những người tuân thủ các quy định để bảo vệ những người khác. Chúng ta sẽ cùng nhau đánh bại đại dịch”, ông Johnson viết.

“Cuối cùng chúng ta đã có thể vượt qua”

Hãng Reuters cho biết, ngày 8-12, cụ bà Margaret Keenan (90 tuổi), công dân Anh, là người đầu tiên trên thế giới được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 của hãng Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức). “Tôi cảm thấy vinh dự khi là người đầu tiên được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Đây là món quà sinh nhật sớm tuyệt vời nhất”, cụ bà Keenan bày tỏ khi tiêm mũi đầu tiên tại Bệnh viện Đại học Coventry. Tuần tới, cụ bà sẽ bước sang tuổi 91.

Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết, ông xúc động khi xem hình ảnh cụ bà Keenan được tiêm vắc-xin. “Đây là một năm khó khăn đối với nhiều người và cuối cùng chúng ta đã có để vượt qua, ánh sáng của chúng ta đang ở cuối đường hầm”, ông Hancock nói với hãng Sky News. Anh là quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng Covid-19 nghiêm trọng nhất, với hơn 61.000 người tử vong.

Người thứ hai được tiêm vắc-xin Pfizer/BioNTech là cụ ông William Shakespere (81 tuổi). Như vậy, Anh đã bắt đầu triển khai chủng ngừa vắc-xin của Pfizer/BioNTech nhằm kiềm chế làn sóng dịch bệnh. Chính phủ Anh ưu tiên tiêm vắc-xin cho người từ 80 tuổi trở lên, nhân viên viện dưỡng lão, nhân viên y tế tuyến đầu, nhân viên chăm sóc sức khỏe xã hội - những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao.

Bộ trưởng Hancock bày tỏ mong muốn vắc-xin của AstraZeneca/Oxford sẽ được Cơ quan Quản lý thuốc và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe của Anh (MHRA) phê duyệt trong một vài tuần tới. Trước đó, vắc-xin do Công ty đa quốc gia AstraZeneca (trụ sở ở Anh) và Đại học Oxford (Anh) hợp tác phát triển là ứng viên vắc-xin ngừa Covid-19 đầu tiên thu hút sự quan tâm của nhiều nước.

Nhiều nước công bố kế hoạch tiêm vắc-xin

Theo hãng AP, Tổng thống Donald Trump sẽ ký sắc lệnh hành pháp vào ngày 8-12 (giờ địa phương) nhằm bảo đảm tất cả người dân Mỹ được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 trước khi chính phủ bắt đầu hỗ trợ các nước khác trên thế giới. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) dự kiến họp vào ngày 10-12 để xem xét đơn đề nghị cấp phép khẩn cấp vắc-xin của Pfizer/BioNTech. FDA cũng họp sau đó để thảo luận về vắc-xin của hãng Moderna. Một quan chức Mỹ cho hay, nhiều khả năng 20 triệu người dân sẽ được tiêm vắc-xin vào cuối năm 2020 và đến giữa năm 2021, hầu hết người Mỹ có thể tiếp cận các loại vắc-xin hiệu quả cao.

Trong khi đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết, nước ông đã đạt được thỏa thuận với Pfizer để bắt đầu cung cấp sớm các liều vắc-xin ngừa Covid-19. Dự kiến Canada sẽ nhận được 249.000 liều vắc-xin của Pfizer/BioNTech trong tháng 12 này.

Chính phủ Thụy Sĩ lên kế hoạch khởi động chiến dịch tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 vào đầu tháng 1-2021, đến hè sẽ tiêm chủng cho khoảng 70% trong tổng số 8,5 triệu dân. Bồ Đào Nha cũng đang tính toán chương trình tiêm chủng vắc-xin cho khoảng 10% dân số từ tháng 1-2021.

Tại Hàn Quốc, hãng Yonhap dẫn lời Bộ trưởng Y tế Park Neung-hoo ngày 8-12 cho hay, Seoul mua 20 triệu liều vắc-xin từ mỗi hãng AstraZeneca, Pfizer, Moderna và 4 triệu liều từ công ty Janssen của tập đoàn Johnson & Johnson. Tổng số liều vắc-xin nói trên đủ tiêm cho hơn 34 triệu người. Ngoài ra, Hàn Quốc sẽ nhận thêm 10 triệu liều vắc-xin từ chương trình vắc-xin ngừa Covid-19 toàn cầu (COVAX) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dành cho 10 triệu người ở xứ sở kim chi. Vắc-xin sẽ được đưa đến Hàn Quốc sớm nhất là vào tháng 2-2021, nhưng Bộ Y tế chưa cho biết khi nào sẽ khởi động chương trình tiêm chủng.

WHO cũng vừa đưa ra khuyến nghị các quốc gia cần chủ động tuyên truyền để người dân tin tưởng lợi ích của vắc-xin, thay vì bắt buộc người dân phải tiêm phòng.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.