Covid-19 sáng 15-12: Thế giới trên 73,1 triệu người mắc bệnh; Quá 1,6 triệu ca tử vong

.

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 479.021 trường hợp mắc Covid-19 và 7.942 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên sát trên 73,1 triệu người.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Rome, Italy. Ảnh: THX/TTXVN
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm Covid-19 tới bệnh viện ở Rome, Italy. Ảnh: THX/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 15-12 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) trên toàn cầu là 73.132.004 ca, trong đó có 1.626.828 người thiệt mạng.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 218 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 51.221.101 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch hiện là 20.282.977 ca và 106.289 ca đang điều trị tích cực.

Ngày 14-12, thế giới có tới 119 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca Covid-19 mới; 89 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua giảm nhẹ.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Ấn Độ và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước, nhất là tại châu Âu. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới.

Mỹ vẫn là quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong cao nhất thế giới. Đến nay Mỹ đã ghi nhận tổng cộng 16.902.920 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 307.800 ca tử vong.

Nhằm giảm số ca nhiễm mới gia tăng mạnh trong những ngày qua, ngày 14-12 (giờ Mỹ), Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, Tiến sĩ Robert Redfield, đã ký vào bản khuyến nghị của ban tư vấn về việc sử dụng vaccine ngừa Covid-19 do công ty Pfizer và BioNTech hợp tác phát triển.

Theo đó, việc tiêm chủng vaccine sẽ bắt đầu tiến hành với những người từ 16 tuổi trở lên. Khuyến nghị chính thức này của CDC được đưa ra theo quyết định của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) về việc cho phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer/BioNTech.

Việc tiêm phòng vaccine trên được tiến hành sớm nhất trong ngày 14-12 và đây là nỗ lực nhằm bảo vệ người dân Mỹ, giảm tác động của đại dịch Covid-19 và giúp khôi phục lại một số hoạt động bình thường trong cuộc sống hàng ngày của người dân cũng như nước Mỹ.

Thị trưởng New York Bill de Blasio ngày 14-12 cho biết thành phố này nên được chuẩn bị cho khả năng phong tỏa hoàn toàn và bắt đầu lên kế hoạch cho làm việc từ xa trong bối cảnh tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 diễn biến phức tạp.

Ông Bill de Blasio nhấn mạnh: “Thống đốc (bang New York) nói rằng chúng ta nên chuẩn bị cho khả năng phong tỏa hoàn toàn, tôi đồng ý với điều đó. Chúng ta cần nhận ra rằng điều đó có thể sẽ đến và chúng ta cần phải sẵn sàng cho điều đó ngay bây giờ”.

Quyết định phong tỏa sẽ do thống đốc bang New York đưa ra, tuy nhiên, Thị trưởng New York nhấn mạnh “điều đó đã chứng tỏ rõ ràng là tất cả các hình thức hạn chế đều đang được cân nhắc. Với tốc độ lây nhiễm hiện tại mà chúng ta đang thấy, bạn phải sẵn sàng ngay bây giờ cho việc phong tỏa hoàn toàn, tạm dừng như chúng ta đã làm vào cuối mùa Xuân vừa qua. Điều này ngày càng cần thiết để ngăn chặn làn sóng thứ hai, ngăn chặn sự lây nhiễm, cướp đi sinh mạng và đe dọa các bệnh viện của chúng ta”.

Thị trưởng thành phố New York kêu gọi các nhân viên không thiết yếu làm việc từ xa “càng nhiều càng tốt”.

Các chỉ số Covid-19 của thành phố New York đều đã vượt quá ngưỡng do thành phố đặt ra. Tính đến ngày 12-12, có 5,5% các xét nghiệm cho kết quả dương tính ở thành phố này, tăng từ mức dưới 5% vào cuối tháng 11-2020, dựa trên mức trung bình trong 7 ngày.

Đứng thứ hai thế giới, Ấn Độ đến nay đã ghi nhận 9.906.096 ca mắc Covid-19, trong đó đã có 143.746 ca tử vong. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế nước này, tính đến ngày 14-12, số ca mắc Covid-19 đang điều trị là 352.586 ca - mức thấp nhất trong gần 5 tháng qua.

Thông báo của bộ trên nêu rõ số bệnh nhân điều trị tiếp tục giảm và hiện chiếm 3,57% tổng số ca dương tính với virus SARS-CoV-2. Trong 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận thêm 21.768 ca mắc Covid-19, trong khi có thêm 30.695 ca bình phục.

Trong 17 ngày trở lại đây, số ca bình phục mỗi ngày đã vượt số ca mắc mới. Tổng số ca bình phục ở Ấn Độ hiện là gần 9,4 triệu ca, tương đương 94,98%.

Trong khi đó, tại châu Âu, dịch bệnh tại một số nước có chiều hướng gia tăng mạnh trở lại. Đức thông báo chưa  thể dỡ bỏ lệnh phong tỏa vào đầu năm sau khi số ca mắc mới theo ngày vẫn tiếp tục tăng và chương trình tiêm vaccine vẫn chưa chính thức triển khai.

Theo kế hoạch, chính phủ liên bang và chính quyền các bang ở Đức sẽ áp đặt phong tỏa toàn bộ từ ngày 16-12. Với quyết định trên, tất cả các cửa hàng, ngoại trừ các cửa hàng bán thực phẩm phục vụ nhu cầu tối thiểu hằng ngày, đều tạm ngừng hoạt động ít nhất tới ngày 10-1-2021.

Quy định áp dụng ngoại lệ với các phiên chợ hằng tuần, với người tiếp thị, giao và nhận hàng, cửa hàng thực phẩm và sản phẩm chuyên về sức khỏe y tế cũng như các hiệu thuốc. Quyết định này được cho sẽ tác động nhiều tới cuộc sống của người dân, đặc biệt trong dịp lễ Giáng sinh truyền thống và đón Năm mới.

Từ ngày 16-12, Litva cũng sẽ áp đặt lệnh phong tỏa buộc người dân ở trong nhà trong 3 tuần nhằm khống chế dịch bệnh Covid-19 đang lây lan nhanh.

Giới chức y tế Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) thông báo nước này đã bắt đầu triển khai tiêm chủng vaccine phòng virus SARS-CoV-2 tại thủ đô Abu Dhabi vài ngày sau khi thông qua thông qua vaccine Sinopharm của Trung Quốc, trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới, sau Anh, thực hiện chương trình tiêm chủng đại trà vaccine ngừa Covid-19.

Với việc đưa vào chương trình tiêm chủng, cư dân ở thủ đô UAE có thể đặt lịch qua đường dây nóng của Dịch vụ Y tế (SEHA) Abu Dhabi. Phát biểu với báo giới, điều phối viên của SEHA cho biết người dân có thể đặt lịch hẹn tiêm vaccine miễn phí ngay bây giờ. Hiện đã có ít nhất 45 bệnh viện và các trạm y tế đã có đủ nguồn vaccine để phục vụ.

Cùng ngày, Đức thông báo sẽ tiếp nhận 11 triệu liều vaccine BioNTech từ nay đến tháng 3 tới. Theo Bộ Y tế Đức, riêng tháng 1-2020, Đức sẽ tiếp nhận 3 - 4 triệu liều.

Trong khi đó, Tây Ban Nha cũng có kế hoạch bắt đầu tiêm chủng mở rộng cho người dân từ ngày 4 hoặc 5-1-2020 nếu Cơ quan Dược phẩm châu Âu "bật đèn xanh" cho một loại vaccine ngừa Covid-19 vào ngày 29-12 tới.

Những đối tượng ưu tiên được tiêm đầu  tiên là người già và nhân viên làm việc trong các nhà dưỡng lão, sau đó mới đến các nhân viên y tế và những nhóm dễ bị tổn thương khác.

Tại Anh, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock ngày 14-12 cho biết các nhà khoa học nước này phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được cho là có thể liên quan đến tốc độ lây nhiễm gia tăng nhanh tại khu vực Đông-Nam xứ England. Phân tích ban đầu cho thấy loại biến thể này phát triển nhanh hơn những biến thể trước đây.

Phát biểu trước Hạ viện, Bộ trưởng Cock cho biết đã phát hiện hơn 1.000 trường hợp nhiễm Covid-19 mang biến thể mới chủ yếu ở vùng phía Nam England. Số ca nhập viện do Covid-19 tại vùng England đã tăng 13% và số ca nhiễm tăng 14% so với tuần trước.

Trong một diễn biến khác cùng ngày, Chính phủ Anh công bố từ ngày 16-12, hơn 34 triệu người, tương đương 60% dân số thuộc xứ England, bao gồm cả thủ đô London, sẽ phải nâng mức độ giãn cách xã hội lên cấp độ 3, cấp độ cao nhất do số ca nhiễm tăng mạnh.

Bộ trưởng Y tế Matt Hancock đã kêu gọi người dân "hết sức cẩn thận và có trách nhiệm" khi đi thăm người thân trong kỳ lễ Giáng Sinh. Chính phủ khuyến cáo mọi người không nên di chuyển đến các khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội cấp độ 3 và ngược lại.

Số ca nhiễm mới tại Anh ngày 14-12 được ghi nhận là 20.263 ca và 232 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm tại Anh đến nay là 1.869.866 và 64.402 ca tử vong. Việc nâng cấp độ giãn cách xã hội lên mức cao nhất tại London được cho là sẽ gây ra tổn thất kinh tế nặng nề trong mùa mua sắm Giáng sinh nhưng là điều cần thiết để tránh tình trạng quá tải cho hệ thống y tế NHS.

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 14-12, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 9.407 ca mắc bệnh Covid-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên sát 30.550 người.

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 4 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì Covid-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar. Indonesia vẫn là ổ dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này trong ngày ghi nhận số ca bệnh cũng như tử vong mới cao nhất khu vực. Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục nghiêm trọng sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Philippines dù dịch vẫn diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày nhiều thứ ba trong số các nước Đông Nam Á, song số ca tử vong tiếp tục được khống chế tốt trong những ngày gần đây và đang trên đà hạ nhiệt.

Malaysia tình hình cũng ngày càng đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đang quay lại tấn công Malaysia khi nước này ghi nhận tới 1.371 ca bệnh mới, trong 1 ngày qua nước này cũng chứng kiến thêm 4 ca tử vong mới vì Covid-19. Malaysia là nước có số ca mắc Covid-19 trong ngày nhiều thứ ba Đông Nam Á trong vòng 24 giờ qua.

Myanmar dịch bệnh cũng ngày càng diễn biến phức tạp với việc nhiều ngày liền ghi nhận số ca mắc và tử vong đều tăng nhanh. Tình hình tại quốc gia thành viên ASEAN này hiện rất đáng lo ngại với 1.170 ca bệnh mới và 24 người tử vong vì virus SARS-CoV-2 trong 1 ngày qua.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 30.551 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 189 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 1.332.947 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 1.152.342 trường hợp.

Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 7 nước thành viên ghi nhận các ca Covid-19 mới. Chỉ có Timor Leste, Lào, Campuchia và Brunei là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh Covid-19 nào trong ngày 14-12.

Theo Báo Tin Tức

;
;
.
.
.
.
.