Đại cử tri Mỹ bỏ phiếu chọn tổng thống

.

Ngày 14-12 (giờ Mỹ), 538 đại cử tri Mỹ tổ chức họp tại 50 bang và quận Columbia (bang Washington) để chính thức lựa chọn người đứng đầu Nhà Trắng trong nhiệm kỳ tới.

Các đại cử tri bỏ phiếu định đoạt thắng thua giữa ông Donald Trump (trái) và ông Joe Biden. Ảnh: Getty Images
Các đại cử tri bỏ phiếu định đoạt thắng thua giữa ông Donald Trump (trái) và ông Joe Biden. Ảnh: Getty Images

Theo hãng tin AP, kết quả bỏ phiếu của các đại cử tri sẽ được gửi đến Washington, sau đó được xem xét trong cuộc họp chung của lưỡng viện Quốc hội ngày 6-1-2021 do Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence chủ trì. Mỗi đại cử tri bỏ một phiếu bầu tổng thống và một phiếu bầu phó tổng thống. Ứng cử viên cần đạt tối thiểu 270 phiếu của đại cử tri để trở thành tổng thống.

Dựa trên kết quả của cuộc bầu cử ngày 3-11, dự kiến ông Joe Biden sẽ có 306 phiếu, trong khi ông Trump có 232 phiếu. Hầu hết các bang sẽ phát trực tiếp cuộc bỏ phiếu của cử tri đoàn trên trang web của chính quyền bang theo các múi giờ khác nhau của Mỹ. Theo báo USA Today, các tiểu bang đầu tiên sẽ bỏ phiếu là Indiana, Tennessee và Vermont, dự kiến vào 10 giờ ngày 14-12 (tức 22 giờ cùng ngày, giờ Việt Nam). Các bang “chiến địa” Arizona, Georgia và Pennsylvania sẽ bỏ phiếu vào trưa cùng ngày, còn bang Wisconsin bỏ phiếu lúc 13 giờ và bang Michigan lúc 14 giờ. Bang California sẽ họp lúc 17 giờ.

Các cuộc bỏ phiếu của đại cử tri dù mang phần lớn tính thủ tục nhưng sự kiện năm nay thu hút nhiều sự chú ý trong bối cảnh đương kim Tổng thống Donald Trump từ chối nhượng bộ và tiếp tục đưa ra những cáo buộc về gian lận trong cuộc bầu cử ngày 3-11 vừa qua. Với kết quả hiện nay, ông Trump cần ít nhất 28 đại cử tri phá vỡ cam kết mới có thể lật ngược kết quả. Thông thường các đại cử tri sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên của đảng mình, cũng là người giành được đa số phiếu phổ thông ở bang đó. Tuy nhiên, ở một số bang, các đại cử tri có quyền làm ngược lại và được gọi là những “đại cử tri bất tuân”. Trong cuộc bầu cử năm 2016, 10 đại cử tri đã bỏ phiếu ngược lại với phiếu phổ thông, nhưng cũng không làm thay đổi kết quả bầu cử. Việc “đại cử tri bất tuân” làm thay đổi kết quả bầu cử là điều chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử nước Mỹ.

Phát biểu trước ngày đại cử tri bỏ phiếu, ông Trump khẳng định sẽ tiếp tục tiến hành các hành động pháp lý nhằm thách thức kết quả cuộc bầu cử năm 2020. Theo hãng tin ABC News, ông Trump đã bị xử thua trong gần 50 vụ kiện liên quan đến kết quả bầu cử kể từ sau ngày 3-11, trong đó có 2 vụ lớn tại Tòa án Tối cao Mỹ trong tuần qua. Đặc biệt, việc Tòa án Tối cao bác bỏ vụ kiện của Tổng chưởng lý bang Texas được xem như dấu chấm hết cho các nỗ lực pháp lý nhằm thay đổi kết quả bầu cử của ông Trump.

KHANG NINH

;
;
.
.
.
.
.