Hy vọng từ vắc-xin ngừa Covid-19

.

Mỹ bắt đầu phân phối vắc-xin ngừa Covid-19 quy mô lớn sau khi vắc-xin của hãng dược Pfizer được cấp phép. Nhiều nước khác cũng có kế hoạch tiêm vắc-xin cho người dân. Song, quá trình phân phối vắc-xin đặt ra nhiều thách thức.

Các nhân viên đóng gói vắc-xin ngừa Covid-19 tại nhà máy của Pfizer ở bang Michigan (Mỹ) ngày 13-12 trước khi vận chuyển. Ảnh: Reuters
Các nhân viên đóng gói vắc-xin ngừa Covid-19 tại nhà máy của Pfizer ở bang Michigan (Mỹ) ngày 13-12 trước khi vận chuyển. Ảnh: Reuters

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 19 giờ ngày 14-12 (giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng hơn 72,7 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có 1,62 triệu ca tử vong.

Mỹ: 100 triệu người được tiêm vắc-xin trong quý 1-2021

Hãng AP cho biết, ngày 13-12 (giờ Mỹ), những chiếc xe tải đầu tiên chở vắc-xin ngừa Covid-19 rời nhà máy sản xuất vắc-xin của hãng Pfizer ở bang Michigan để thực hiện chiến dịch tiêm chủng diện rộng. Các lô vắc-xin đầu tiên do hãng Pfizer (Mỹ) phối hợp với hãng BioNTech (Đức) phát triển được đưa đến 145 trung tâm phân phối vào ngày 14-12. Hơn 490 địa điểm khác sẽ nhận vắc-xin vào ngày 15 và 16-12. Số vắc-xin này thuộc chương trình “Chiến dịch thần tốc” (Warp Speed) - sáng kiến của chính phủ Tổng thống Donald Trump đẩy nhanh việc phát triển và phân phối vắc-xin ngừa Covid-19.

Các nhà chức trách Mỹ cho hay, mỗi người được tiêm 2 liều vắc-xin Pfizer/BioNTech. Trong loạt 2,9 triệu liều vắc-xin đầu tiên được triển khai tại Mỹ, nhân viên y tế và người cao tuổi ở các viện dưỡng lão được ưu tiên tiêm trước. Hãng Reuters dẫn lời TS. Moncef Slaoui, Cố vấn trưởng “Chiến dịch thần tốc” cho biết: “Chúng tôi sẽ tiêm vắc-xin cho 100 triệu người trong quý 1-2021”, đồng thời bày tỏ hy vọng Pfizer/BioNTech sẽ cung cấp 100 triệu liều khác trong quý 2-2021. Đây là chiến dịch tiêm chủng chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ.

Song, quá trình phân phối và tiêm vắc-xin cho gần 330 triệu dân là thách thức lớn đối với giới chức Mỹ. Từ nhà máy, vắc-xin được chuyển đến các bệnh viện và các địa điểm có thể bảo quản ở nhiệt độ cực lạnh (âm 70 độ C.) Pfizer hợp tác với các công ty vận chuyển để phân phối vắc-xin kèm theo các sản phẩm phục vụ tiêm chủng như xi-lanh, băng khô và các thiết bị bảo hộ y tế.

Hiện Mỹ vẫn đứng đầu thế giới về số ca mắc Covid-19 và tử vong. Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, ngày 13-12, Mỹ ghi nhận thêm gần 191.000 ca nhiễm mới và 1.389 ca tử vong. Từ lúc đại dịch bùng phát đến nay, cường quốc này có ít nhất 16,2 triệu ca nhiễm và 299.100 ca tử vong.

Ý có số ca tử vong do Covid-19 cao nhất châu Âu

Ngày 13-12, Ý vượt qua Anh trở thành quốc gia có số ca tử vong do Covid-19 cao nhất châu Âu. Hãng tin AP cho biết, Ý ghi nhận 484 ca tử vong vào ngày 13-12, một trong những ngày có số ca tử vong thấp nhất trong khoảng 1 tháng qua. Song, con số này đã nâng tổng số ca tử vong tại Ý lên hơn 64.500, trong khi của Anh là 64.200 ca. Ý cũng ghi nhận hơn 17.900 ca nhiễm mới trong ngày 13-12, nâng tổng số ca nhiễm lên hơn 1,8 triệu người.

Ý là nước đầu tiên bùng phát Covid-19 ở châu Âu. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến quốc gia Nam Âu này có tỷ lệ tử vong cao như vậy. Thủ tướng Ý Giuseppe Conte hiện thắt chặt các quy định về đi lại trong thời gian nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới 2021. Theo đó, từ ngày 21-12 đến hết 6-1-2021, người dân không thể đi lại giữa các vùng, trừ công việc hoặc lý do cấp thiết như sức khỏe. Chính phủ cũng triển khai chương trình tiêm khoảng 10 triệu liều vắc-xin của Pfizer/BioNTech và Moderna cho người dân từ tháng 1-2021.

Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - có thể bắt đầu tiêm vắc-xin muộn nhất vào tháng 1-2021. Từ ngày 16-12, tất cả cửa hàng, ngoại trừ cửa hàng bán thực phẩm phục vụ nhu cầu tối thiểu hằng ngày, ở Đức đều phải đóng cửa cho đến ít nhất ngày 10-1-2021. Nhiều quy định hạn chế khác cũng được áp dụng trong lúc Đức ghi nhận 20.200 ca nhiễm mới và 321 ca tử vong trong ngày 13-12.

Trong khi đó, Canada cũng sẵn sàng chương trình tiêm chủng vắc-xin Pfizer/BioNTech vào ngày 14-12 (giờ địa phương). Giới chức y tế nói rằng, vắc-xin Pfizer/BioNTech cần được bảo quản ở nhiệt độ âm 70 độ C nên gặp khó khăn trong dự trữ ở các vùng lãnh thổ. Các vùng lãnh thổ của Canada quan tâm đến vắc-xin Moderna vì loại vắc-xin này không đòi hỏi công tác hậu cần nghiêm ngặt trong quá trình phân phối như vắc-xin Pfizer/BioNTech.

Hãng Reuters cho biết, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã phê chuẩn việc sử dụng vắc-xin ngừa Covid-19 của hãng Pfizer/BioNTech và tiến hành đợt tiêm chủng đầu tiên cho người dân vào cuối tháng 12. Ông Lý Hiển Long nói rằng, dự kiến sẽ có đủ vắc-xin cho 5,7 triệu dân vào quý 3-2021 và cung cấp miễn phí cho công dân cũng như người định cư lâu dài.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.