Iran muốn "hồi sinh ngành công nghiệp hạt nhân"

.

Quốc hội Iran cho rằng, phản ứng tốt nhất đối với vụ ám sát nhà khoa học Mohsen Fakhrizadeh là “hồi sinh ngành công nghiệp hạt nhân rực rỡ” của nước này.

Iran tổ chức tang lễ nhà khoa học hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh ở phía bắc thủ đô Tehran ngày 30-11.      Ảnh: AP
Iran tổ chức tang lễ nhà khoa học hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh ở phía bắc thủ đô Tehran ngày 30-11. Ảnh: AP

Hãng Reuters cho biết, Quốc hội Iran vừa thông qua dự luật khẩn cấp, trong đó kiến nghị tăng sản lượng uranium làm giàu các cấp độ khác nhau nhằm phục vụ mục đích hòa bình.

Ngừng thanh sát cơ sở hạt nhân

Quốc hội yêu cầu Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) sản xuất và dự trữ ít nhất 120kg uranium làm giàu với độ tinh khiết 20% tại cơ sở hạt nhân Fordo mỗi năm, đồng thời nâng mức làm giàu uranium tại cơ sở Natanz. Quốc hội còn đề nghị chính phủ không cho phép các thanh sát viên quốc tế tiếp cận các cơ sở hạt nhân và động thái này có thể là đòn giáng vào thỏa thuận hạt nhân mà Iran đã ký với nhóm P5+1 năm 2015 (Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA). Một số nghị sĩ cáo buộc các thanh sát viên quốc tế đóng vai trò “gián điệp” và có thể liên quan đến cái chết của nhà khoa học hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh. Thậm chí, ông Mohsen Rezai, Thư ký Hội đồng Khẩn cấp quốc gia Iran, còn hàm ý rằng Tehran nên rời khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu (NPT).

Quốc hội Iran đã nhóm họp sau khi ông Fakhrizadeh bị ám sát trong vụ tấn công bằng bom xe và xả súng ở thành phố Absard, gần thủ đô Tehran, hôm 27-11. Cái chết của nhà khoa học 59 tuổi là đòn giáng trực tiếp vào bộ máy an ninh quốc gia của Iran, đánh dấu bước leo thang căng thẳng ở Trung Đông. Thậm chí, nhiều nhà quan sát nhận định, vụ ám sát có thể châm ngòi cho một cuộc chiến toàn diện ở khu vực giữa Iran với Mỹ và Israel.

Chủ tịch Quốc hội Iran Mohammad-Bagher Ghalibaf kêu gọi “phản ứng mạnh mẽ” nhằm trả đũa vụ ám sát ông Fakhrizadeh, đồng thời bảo đảm khả năng răn đe của nước này. Cơ quan lập pháp của Iran cho rằng, phản ứng tốt nhất đối với vụ ám sát chính là “hồi sinh ngành công nghiệp hạt nhân rực rỡ” của Tehran.

Israel đứng sau vụ ám sát?

Ngày 30-11, Iran tổ chức tang lễ ông Fakhrizadeh tại một nghĩa trang ở phía bắc thủ đô Tehran. Hiện chưa ai lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ việc nhưng theo hãng AP, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran Ali Shamkhani cáo buộc Israel “sử dụng các thiết bị điện tử” để thực hiện vụ ám sát.

Hãng AFP dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Iran Amir Hatami khẳng định, chính phủ đã quyết định tăng ngân sách để tiếp tục theo đuổi con đường của ông Fakhrizadeh một cách mạnh mẽ. Ông Fakhrizadeh đứng đầu chương trình AMAD - dự án khoa học của Iran bị Israel và phương Tây nghi ngờ là hoạt động quân sự nhằm phát triển công nghệ cần thiết để chế tạo vũ khí hạt nhân. Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho hay, AMAD đã dừng lại vào năm 2003. Israel cũng từng cáo buộc AMAD là chương trình phát triển vũ khí hạt nhân được che đậy của Iran. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu xem ông Fakhrizadeh là người dẫn đầu các hoạt động “phát triển vũ khí hạt nhân bí mật dưới vỏ bọc một chương trình dân sinh”. Hiện Israel chưa bình luận gì về vụ ám sát, còn Tehran không cung cấp bằng chứng nào chứng minh sự liên quan của Tel Aviv.

Giới quan sát nhận định, cái chết của ông Fakhrizadeh có thể không ảnh hưởng đáng kể đến chương trình hạt nhân Iran, nhưng sẽ gây khó khăn cho việc cứu vãn JCPOA vốn đang rất mong manh. Tuy nhiên, nhìn nhận lạc quan hơn thì căng thẳng mới này cũng có thể mang lại cơ hội về một thỏa thuận giữa Tehran và chính phủ mới của Mỹ nếu ông Joe Biden tiếp quản Nhà Trắng vào tháng 1-2021, dù việc đạt được một thỏa thuận mới là điều không dễ dàng. Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi JCPOA, nhưng ông Biden cam kết quay trở lại thỏa thuận.

Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), mức dự trữ uranium làm giàu của Iran hiện cao hơn 12 lần so với phạm vi giới hạn 300kg được quy định trong thỏa thuận hạt nhân mà Tehran đã ký với nhóm P5+1 năm 2015.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.