QUAN SÁT & BÌNH LUẬN

Cán cân quyền lực thời Covid-19

.

Đại dịch Covid-19 lan rộng trên quy mô toàn cầu làm gần 64 triệu người nhiễm và 1,5 triệu người tử vong (tính đến ngày 2-12, theo thống kê của South China Morning Post), “đóng băng” sự dịch chuyển của con người và nhiều hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội... của hàng trăm quốc gia.

Đặc biệt, trong lúc xảy ra Covid-19, nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã nói về sự chuyển dịch cán cân quyền lực. Tại Hội nghị thượng đỉnh kỹ thuật số do chính phủ Đức tổ chức theo hình thức trực tuyến ngày 1-12, Thủ tướng Angela Merkel cho rằng, Covid-19 sẽ làm thay đổi hơn nữa cán cân quyền lực toàn cầu theo hướng có lợi cho châu Á. Bà Merkel nhấn mạnh “đại dịch đã đẩy lùi châu Âu về mặt kinh tế”, đồng thời đặt câu hỏi châu Âu sẽ ở đâu sau đại dịch và liệu sẽ có một trật tự toàn cầu mới ở các khu vực hay không.

Theo Thủ tướng Merkel, châu Á đang tăng trưởng kinh tế trở lại khi có nhiều người dân người đeo khẩu trang hơn và không có nhiều cuộc biểu tình phản đối các biện pháp chống Covid-19 của chính quyền. Bà đặt câu hỏi châu Âu sẽ như thế nào sau khủng hoảng trong bối cảnh số ca lây nhiễm tiếp tục tăng cao đi kèm với hàng loạt biện pháp hạn chế nhằm kiểm soát dịch bệnh.

Đức phải thực hiện phong tỏa một phần kể từ đầu tháng 11, còn một số quốc gia láng giềng đang tìm cách kiểm soát đại dịch bằng các biện pháp chặt chẽ hơn. Song, các biện pháp hạn chế đã tác động tới sự phục hồi kinh tế của châu Âu. Các số liệu của Bloomberg Economics cho thấy một cuộc suy thoái kép, với các chỉ số sản xuất của châu Âu, đã minh chứng cho lo ngại đó. Ngoài ra, chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) cũng giảm mạnh. Điều đó khiến các nhà hoạch định chính sách châu Âu đứng trước những kêu gọi về việc tăng cường các biện pháp kích thích, ngay cả các ngân hàng trung ương cũng bắt đầu lo ngại về bong bóng trên thị trường tài chính.

Trong khi đó, Trung Quốc hiện có thể tự tin về khả năng kiểm soát làn sóng lây nhiễm thứ hai. Các nhà kinh tế đánh giá nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ trở lại mức trước khủng hoảng vào nửa cuối năm 2020.

Ở phương diện khác, khi các nước, nhất là các nền kinh tế lớn đưa ra các biện pháp phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 cũng chứa đựng nhiều rủi ro. Ngày 24-11, tại hội nghị bàn tròn “1+6” lần thứ 5, giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc và 6 thể chế tài chính đa phương lớn (trong đó có Quỹ Tiền tệ quốc tế  - IMF, Ngân hàng thế giới  - WB, Tổ chức Thương mại thế giới  - WTO, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế - OECD), Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho biết, các biện pháp kích thích tiền tệ bổ sung có thể gây ra những rủi ro lớn đối với sự ổn định tài chính toàn cầu, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của chính sách tài chính trong quá trình phục hồi sau đại dịch. Bà thừa nhận các khuôn khổ và công cụ mới có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng, nhưng các gói kích thích tiền tệ bổ sung cũng có thể đặt ra những nguy cơ lớn đối với sự ổn định tài chính. Bà lưu ý các điều kiện tài chính nới lỏng có thể dẫn đến tâm lý dễ dãi chấp nhận các rủi ro tiềm tàng.

Diễn biến trên cho thấy, Covid-19 đang tác động đến sự dịch chuyển cán cân quyền lực, chí ít là trên lĩnh vực kinh tế từ khu vực này sang khu vực khác. Nguyên nhân cốt lõi là quốc gia nào có biện pháp phòng ngừa Covid-19 mạnh, triệt để, được người dân đồng thuận, chấp hành nghiêm giãn cách xã hội,
đeo khẩu trang... thì sẽ ngăn chặn tốt dịch bệnh.

Như Thủ tướng Angela Merkel nói rằng, “đại dịch đã đẩy lùi châu Âu về mặt kinh tế” và sẽ làm thay đổi hơn nữa cán cân quyền lực toàn cầu theo hướng có lợi cho châu Á.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.