Bức tranh tương lai của nước Mỹ

.

Trong 3 ngày đầu tiên ở Nhà Trắng, tân Tổng thống Joe Biden đã vẽ ra bức tranh tương lai ảm đạm của nước Mỹ và cảnh báo rằng người dân nước này sẽ phải mất vài tháng, chứ không chỉ vài tuần, để định dạng trở lại trong lúc đối mặt với khủng hoảng.

Tổng thống Joe Biden ký hàng loạt sắc lệnh hành pháp trong những ngày đầu ở Nhà Trắng. Ảnh: New York Times
Tổng thống Joe Biden ký hàng loạt sắc lệnh hành pháp trong những ngày đầu ở Nhà Trắng. Ảnh: New York Times

Theo AP, vẽ ra bức tranh tương lai ảm đạm, nghĩa là Tổng thống Joe Biden muốn kêu gọi hành động và giảm những kỳ vọng. Ngoài ra, ông còn muốn bác bỏ chiến lược của người tiền nhiệm Donald Trump trong việc “hạ nhiệt” mối đe dọa của Covid-19 và những thiệt hại về kinh tế. Ngày 21-1, ông Biden nói rằng, “mọi việc tiếp tục trở nên xấu đi trước khi tốt hơn” và nêu một sự thật: Để đa số người Mỹ được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 thì phải mất 8 tháng. Đến ngày 22-1, ông Biden tuyên bố: “Chúng tôi không thể làm được gì để thay đổi quỹ đạo của đại dịch trong vài tháng tới”. Theo đó, ông chủ Nhà Trắng cam kết chính phủ sẽ “luôn trung thực và minh bạch về cả tin tốt lẫn tin xấu”.

Một trong những động thái đầu tiên của tân Tổng thống Biden là cử các đặc phái viên làm việc với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khi tổ chức này đang tìm cách phân phối vắc-xin ngừa Covid-19 công bằng. Theo đó, Mỹ sẽ tham gia Cơ chế phân phối vắc-xin toàn cầu (COVAX) do WHO và Liên minh vắc-xin toàn cầu (GAVI) đứng đầu. COVAX đặt ra mục tiêu cung cấp 1,8 tỷ liều vắc-xin ngừa Covid-19 cho các nước nghèo trong năm 2021 và hy vọng có thể hoàn tất các thỏa thuận chuyển giao vắc-xin cho các nước giàu trong nửa cuối năm nay. Và sự tham gia của Mỹ được cho là rất quan trọng.

TS. Amesh Adalja, học giả cấp cao tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins (Mỹ) cho rằng, cam kết của Tổng thống Biden có 100 triệu liều vắc-xin trong 100 ngày đầu ở Nhà Trắng không đủ để xoay chuyển tình hình Covid-19 tại Mỹ. Ngày 22-1, Tổng thống Biden bày tỏ hy vọng số lượng vắc-xin sẽ nhiều hơn thế. “Không chỉ 100 triệu (liều vắc-xin). Chúng tôi sẽ làm nhiều hơn thế”, AP dẫn lời ông Biden nói. Trong số các sắc lệnh mới, tân Tổng thống thành lập một ủy ban chịu trách nhiệm xét nghiệm Covid-19 để đẩy mạnh xét nghiệm, ban hành quy chế cho du khách nước ngoài và phân phối nguồn lực đến các cộng đồng thiểu số chịu ảnh hưởng dịch bệnh nghiêm trọng. Hành động rõ nhất là ông ký hàng loạt sắc lệnh, trong đó bao gồm bắt buộc đeo khẩu trang trong các cơ quan liên bang và dừng việc rút khỏi WHO. Theo các nhà quan sát, ông Biden muốn khôi phục niềm tin của người Mỹ về cách ứng phó với dịch bệnh như thúc đẩy chiến dịch tiêm ngừa, đeo khẩu trang, xét nghiệm, đồng thời củng cố lực lượng y tế. “Người Mỹ sẽ an toàn hơn khi nước Mỹ tham gia thúc đẩy y tế toàn cầu”, ông Biden viết trên Twitter.

Về kinh tế, bà Christina Romer - Chủ tịch Hội đồng Kinh tế Quốc gia thời ông Barack Obama làm Tổng thống - dự đoán tỷ lệ thất nghiệp sẽ không ở mức đỉnh 8% nếu Quốc hội thông qua gói kích thích kinh tế để giải quyết khủng hoảng tài chính. Song, nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Obama, chỉ trong 1 tháng kể từ khi ông tiếp quản Nhà Trắng, gói kích thích kinh tế được áp dụng ngay, vậy mà cuối năm 2013, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức 10%. Các chuyên gia cho rằng, sự kỳ vọng quá mức sẽ dẫn đến thất bại nếu không đạt được mục tiêu. Hồi tháng 5-2020, ông Trump tuyên bố Mỹ đã chiến thắng đại dịch Covid-19 nhờ năng lực xét nghiệm vượt trội và đến lúc mở cửa kinh tế trở lại. Tuy nhiên, thời điểm đó, nước Mỹ có khoảng 80.000 ca tử vong vì Covid-19. Hiện tại, con số này là 414.000 ca.

Hãng tin CNN nhận định, Tổng thống Biden sẽ chạy nước rút trong 100 ngày đầu tiên ở Nhà Trắng để đảo ngược 4 năm di sản của người tiền nhiệm Donald Trump và tương lai của nước Mỹ phụ thuộc vào những sắc lệnh mới này.

VĨNH AN

;
;
.
.
.
.
.