Diễn biến Covid-19 tới 6 giờ sáng 8-1: Thế giới vượt 88 triệu ca bệnh; Tokyo bị áp đặt tình trạng khẩn cấp

.

Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 729.000 ca bệnh Covid-19 và trên 13.400 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 88 triệu ca, trong đó trên 1,9 triệu ca tử vong.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Belem, bang Para, Brazil. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại bệnh viện ở Belem, bang Para, Brazil. Ảnh: AFP/TTXVN

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 213.000 ca), Brazil (87.134 ca) và Anh (52.618 ca). 

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (3.284 ca), Brazil (1.455 ca) và Mexico (1.165 ca). 

Khi dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo 6 tháng tới sẽ là một "chặng đường hết sức gian nan và vất vả" trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 trên thế giới, trước khi các loại vaccine có thể phát huy tác dụng và đảo ngược tình hình.

Phát biểu tại một sự kiện của WHO được truyền phát trực tiếp, bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm chuyên gia nghiên cứu  về Covid-19 của WHO, cho biết tại nhiều nước, tình hình rất đáng lo ngại, thậm chí đang trở nên tồi tệ hơn. Theo bà, một số quốc gia thực sự đang phải chứng kiến tốc độ lây nhiễm dịch bệnh nhanh đáng sợ, đặc biệt là ở châu Âu và Bắc Mỹ, những khu vực hiện có số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh, nhập viện và điều trị tích cực tăng chóng mặt. Bà Van Kerkhove nhận định số ca mắc Covid-19 sẽ tiếp tục gia tăng mạnh trong tháng này, đặc biệt sau kỳ nghỉ Giáng sinh và Năm mới. Bà nói: "Chúng ta đang chứng kiến điều  này và sẽ tiếp tục chứng kiến trong vài tuần tới. Tại một số nước, thậm chí chúng ta phải chứng kiến những tình hình xấu đi trước khi có thể sáng sủa hơn".

Người dân chờ xét nghiệm COVID-19 tại một điểm xét nghiệm ở Paris, Pháp ngày 16/12/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Người dân chờ xét nghiệm Covid-19 tại một điểm xét nghiệm ở Paris, Pháp ngày 16-12-2020. Ảnh: THX/TTXVN

Giám đốc tình trạng khẩn cấp của WHO, ông Michael Ryan cho rằng đã có rất nhiều kỳ vọng khi một số vaccine ngừa Covid-19 bắt đầu được tiêm tại một số nước từ tháng trước. Tuy nhiên, WHO cảnh báo người dân không nên "thở phào" hay mất cảnh giác trước tình hình dịch bệnh phức tạp hiện nay. Ông nói: “Tất cả chúng ta đã vật lộn suốt một năm. Đó là một trận chiến thực sự và lâu dài. Có thể chúng ta sẽ phải đi qua chặng đường 4 -6 tháng gian nan, vất vả phía trước nữa. Nhưng chúng ta có thể làm được".

Đối với những biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện ở Anh và Nam Phi, có tốc độ lây nhiễm mạnh hơn, nhưng không làm gia tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh, giới chuyên gia cho rằng đây không phải là thảm họa và không có nghĩa là dịch sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát. Theo họ, các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh sẽ vẫn phát huy hiệu quả. Quan chức WHO Ryan khẳng định cho đến nay hoàn toàn chưa có dấu hiệu nào cho thấy các loại vaccine được bào chế thành công ngừa Covid-19 sẽ không hiệu quả đối với các biến thể mới.

Châu Âu ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm và tử vong mới

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 từ xe cứu thương vào một bệnh viện ở London, Anh ngày 6/1. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm Covid-19 từ xe cứu thương vào một bệnh viện ở London, Anh ngày 6-1. Ảnh: AFP/TTXVN

Anh thông báo đã ghi nhận thêm 1.162 ca tử vong do Covid-19 ngày 7-1, nâng tổng số trường hợp tử vong tại nước này lên 78.508 trường hợp. Đây là lần thứ hai kể từ tháng 4 vừa qua, số ca tử vong theo ngày tại Anh vượt mốc 1.000 ca/ngày. 

Tại Pháp, tổng cộng 21.703 người có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua. Tổng số ca mắc tại nước này là 2,72 triệu ca, xếp thứ 6 thế giới. Pháp cũng ghi nhận thêm 276 ca tử vong do Covid-19, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 66.841 ca.

Cùng với nhiều nước Liên minh châu Âu (EU) khác, Pháp đã triển khai chương trình tiêm vaccine gồm 3 giai đoạn với đối tượng ưu tiên là nhân viên y tế và người cao tuổi tại trung tâm dưỡng lão. Khoảng 14 triệu người có bệnh nền mãn tính sẽ được chủng ngừa từ tháng 2 tới. 

Ngày 7-1, Bộ Y tế Séc cho biết nước này ghi nhận thêm 17.668 ca nhiễm mới bệnh Covid-19, số ca mắc mới trong một ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này. Trong 24 giờ qua, Séc cũng có thêm 185 ca tử vong do Covid-19, đưa tổng số ca tử vong trên cả nước lên 12.621 người. CH Séc với 10,7 triệu dân là một trong những nước chịu tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh tại châu Âu.

Ngày 7-1, Bộ trưởng Y tế Séc Jan Blatný thông báo chính phủ Séc đã quyết định duy trì các biện pháp hạn chế trên cả nước ở mức nghiêm ngặt nhất của hệ thống PES ít nhất đến ngày 22-1 tới, thay vì vào ngày 10-1 như trước.

Tại Đức, Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) ngày 7-1 cho biết tổng số ca mắc bệnh Covid-19 đã tăng lên 1,86 triệu ca sau khi ghi nhận thêm 28.034 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Đức cũng có thêm 1. 056 ca tử vong, đưa tổng số ca tử vong do Covid-19 lên 39.255 ca.

Đức có thể phải áp đặt một đợt phong tỏa dài hơn nếu chính quyền các bang không thực hiện đồng bộ các hạn chế phòng dịch Covid-19 nghiêm ngặt hơn, đặc biệt trong bối cảnh bùng phát biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có nguy cơ lây lan cao.

Nga cũng thông báo có thêm 23.541 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 3.332.142 ca. Trong 24 giờ qua, Nga ghi nhận 506 ca tử vong do Covid-19, nâng tổng số người không qua khỏi lên 60.457 người.

Tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Moskva, Nga ngày 30/12/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19 cho người dân tại Moskva, Nga ngày 30-12-2020. Ảnh: THX/TTXVN

Tính đến sáng 8-1, Hungary có 334.836 ca mắc Covid-19 và 10.325 ca tử vong. Hơn 5.000 người vẫn đang được chữa trị, giảm so với các giai đoạn đỉnh dịch trước đó, song các dữ liệu mới cho thấy số ca mắc mới đang tăng trở lại.

Tỷ lệ mắc Covid-19 cao và quan ngại về biến thể mới ở Anh đã buộc chính phủ quốc gia Trung Âu này phải cân nhắc kéo dài thời gian áp dụng học trực tuyến tại các trường trung học cơ sở đến sau ngày 11-1. 

Châu Mỹ

Tại châu Mỹ, Mexico chứng kiến số ca mắc mới và tử vong do  Covid-19 theo ngày cao nhất kể từ tháng 10 vừa qua. Theo đó, Mexico ngày 7-1 đã ghi nhận 13.345 ca lây nhiễm mới và 1.165 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số bệnh nhân mắc Covid-19 và tử vong tại nước này lần lượt lên 1.479.835 ca và 129.987 ca.

Ông Ricardo Cortes, một quan chức của Bộ Y tế Mexico cho hay nguyên nhân là do người dân tụ tập trong kỳ nghỉ Giáng sinh trong không gian kín, tạo điều kiện cho virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh hơn.

Trong khi đó, tại Mỹ, trong 24 giờ qua, Mỹ có tới trên 213.000 ca mắc và 3.284 ca tử vong mới.

Bang New York trở thành địa phương có số ca tử vong cao nhất với  38.912 ca, đứng thứ hai là bang Texas với 29.115 ca, tiếp theo là California và Florida với 27.620 ca và 22.317 ca.

Các bang khác của Mỹ như New Jersey, Illinois, Pennsylvania, Michigan, Massachusetts và Georgia cũng ghi nhận số ca tử vong hơn 11.000 ca/ngày. 

Trong khi đó, chính quyền bang California đã yêu cầu tất cả bệnh viện phải tiếp nhận và điều trị những bệnh nhân Covid-19 chuyển tuyến từ mọi nơi tại bang này và hoãn các cuộc phẫu thuật không cần thiết trong bối cảnh số ca mắc mới tại đây gia tăng.

Giới chức California đang gồng mình ứng phó với dịch Covid-19 khi mà số ca mắc mới tại đây đã tăng gấp đôi so với bất kỳ bang nào tại Mỹ trong tuần qua, tạo áp lực đối với toàn hệ thống y tế. 

Những khu điều trị tích cực (ICU) tại khu vực đông dân phía Nam của bang, gồm cả Los Angeles, và Thung lũng San Joaquin, đang trong tình trạng quá tải, dù tình hình dịch bệnh tại một vài trong số khu vực này không nghiêm trọng. 

Bang California đã triển khai chiến dịch tiêm chủng đại trà, và cho đến nay chưa tới 1/3 trong tổng số 1,6 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 cấp cho bang này, được sử dụng.

Thủ hiến Quebec (Canada) François Legault đã công bố các quy định nghiêm ngặt hơn, bao gồm lệnh giới nghiêm từ 20 giờ hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau để ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh. Quebec là tỉnh đầu tiên tại Canada áp đặt lệnh giới nghiêm từ 20 giờ và lệnh này sẽ có hiệu lực từ ngày 8-1 đến ngày 8-2. Thủ hiến Legault cho biết chính quyền Quebec buộc phải công bố “liệu pháp sốc” này để chặn đà lây lan của dịch bệnh. 

Theo số liệu thống kê mới nhất, ngày 6-1, tỉnh Quebec đã có thêm 2.641 ca nhiễm mới, nâng tổng số người mắc Covid-19 tại tỉnh đông dân thứ hai Canada này lên 217.999, trong đó 8.488 ca tử vong.

Canada hiện có trên 633.000 ca mắc Covid-19, trong đó có khoảng 16.500 ca tử vong. Hai tỉnh lớn nhất nước là Ontario và Quebec cũng là những tỉnh đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh.

Trong khi đó, Chính phủ Peru quyết định gia hạn việc tạm ngừng các chuyến bay từ châu Âu tới nước này đến ngày 21/1, như một biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Ngoài việc dừng các chuyến bay từ châu Âu kể từ ngày 21-12 vừa qua, Chính phủ Peru đã ban hành lệnh cấm nhập cảnh đối với những du khách đã từng có mặt ở Vương quốc Anh sau khi  biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện tại đây. Hiện Chính phủ Peru quy định du khách đến nước này phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính đối với Covid-19. Ngoài ra, hành khách nhập cảnh phái trải quá thời gian tự cách ly bắt buộc đủ 14 ngày.

Quốc gia Nam Mỹ này là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực bởi đại dịch Covid-19, với hơn 1,02 triệu trường hợp nhiễm bệnh và 37.900 ca tử vong, tính đến thời điểm hiện tại.

Tại Colombia, chính quyền thủ đô Bogota đã ban bố tình trạng báo động đỏ, đồng thời ra lệnh cách ly trong 4 ngày để ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 lây lan, cũng như nguy cơ xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên tại Anh.

Phát biểu họp báo, Thị trưởng Bogota, bà Claudia Lopez, nêu rõ thủ đô của Colombia được đặt trong tình trạng báo động đỏ từ ngày 7-1, bao gồm cả hệ thống bệnh viện. Mọi biện pháp hạn chế đi lại vào ban đêm sẽ được áp dụng tới ngày 12-1, rồi sau đó áp tiếp lệnh giới nghiêm ban đêm đến hết ngày 17-1.

Tính tới nay, quốc gia Nam Mỹ này đã ghi nhận 1,73 triệu người mắc Covid-19, khiến 45.067 người tử vong. 

Châu Á

Nhật Bản tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở Tokyo

Ngày 7-1, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp do Covid-19 ở thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận, gồm Chiba, Kanagawa và Saitama, trong thời gian từ ngày 8-1 đến ngày 7-2. 

Quyết định này được đưa ra chỉ một ngày sau khi số ca nhiễm mới ở Nhật Bản lần đầu vượt ngưỡng 6.000 ca/ngày. Đáng chú ý, tổng số ca nhiễm mới ở Tokyo và ba tỉnh lân cận chiếm tới hơn 50% số ca mắc Covid-19 trên toàn quốc. Bên cạnh đó, có tới 16 trong số 47 tỉnh, thành ở Nhật Bản ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất trong ngày, trong khi số bệnh nhân Covid-19 nguy kịch cũng tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay là 784 người. 

Ngày 7-1, thủ đô Tokyo (Nhật Bản) ghi nhận số ca mắc bệnh Covid-19 trong ngày lên tới hơn 2.000 ca, số ca mắc cao nhất từ trước đến nay, trong bối cảnh thành phố này chuẩn bị thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt hơn để kiềm chế đại dịch. 

Trước đó một ngày, Tokyo cũng ghi nhận tới 1.591ca mắc mới. Trên toàn Nhật Bản cũng chứng kiến số ca mắc mới cao chưa từng thấy với 6.004 ca trong ngày 6-1, tăng hơn 1.000 ca so với con số 4.916 ca được xác nhận ngày 5-1. 

Hàn Quốc phát triển phòng cách ly áp lực âm di động

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 16/12/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm Covid-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 16-12-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 7-1, Viện Khoa học và Công nghệ tiến bộ Hàn Quốc (KAIST) cho biết các nhà nghiên cứu nước này vừa phát triển phòng cách ly áp lực âm di động dành cho người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 có triệu chứng nặng.

Nhóm nghiên cứu tại KAIST đã thử nghiệm một tổ hợp cách ly lắp ghép gồm nhiều phòng áp lực âm vốn có vai trò quan trọng trong điều trị bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm. Với khả năng ngăn chặn lây nhiễm chéo, tổ hợp này rất cần thiết cho các khu cách ly bệnh nhân mắc Covid-19. 

Nhờ cấu trúc di động, tổ hợp tương đối dễ dàng lắp ghép và thuận tiện sử dụng. Theo nhóm nghiên cứu, tổ hợp cách ly này được thiết kế nhằm bổ sung cho các cơ sở hạ tầng y tế hiện tại, có thể sản xuất xong chỉ trong 2 tuần và mất 5 ngày để vận chuyển và lắp đặt.

Từ ngày 28-12-2020, KAIST đã tiến hành thử nghiệm tổ hợp cách ly nói trên với các bệnh nhân giả tại Viện Phóng xạ và Khoa học Y tế Hàn Quốc, miền Đông Bắc nước này. Mỗi tổ hợp có thể chứa các phòng cách ly cho 4 bệnh nhân hoặc có thể sử dụng như một trạm xá, một phòng kho và một phòng dành cho nhân viên y tế. Nhóm nghiên cứu đặt mục tiêu thương mại hóa cơ sở y tế di động này sau khi hoàn thành quá trình thử nghiệm, dự kiến kết thúc vào ngày 15-1 tới.

Số ca mắc mới Covid-19 theo ngày tại Hàn Quốc đang có chiều hướng giảm trong thời gian gần đây. Tính đến ngày 7-1, Hàn Quốc đã trải qua ngày thứ 3 liên tiếp có số ca mắc mới dưới mức 1.000 ca/ngày. Tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này đến nay là 66.688 ca.

Trung Quốc duy trì các biện pháp phòng dịch

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, ngày 6/1. Ảnh: THX/TTXVN
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, ngày 6-1. Ảnh: THX/TTXVN

Trung tâm Điều phối và ứng phó với virus SARS-CoV-2 tại Khu hành chính đặc biệt Macao (Trung Quốc) thông báo từ ngày 13-1 tới, những hành khách nước ngoài muốn đáp chuyến bay đến Macao sẽ cần có giấy xác nhận kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2  còn hiệu lực trong 3 ngày trước thời gian khởi hành.

Trước đó, các hành khách được yêu cầu phải có giấy tờ nói trên còn hiệu lực trong 7 ngày kể từ ngày lấy mẫu bệnh phẩm đến ngày khởi hành. Đối với những hành khách quá cảnh tại Macao, giấy trả kết quả xét nghiệm này có hiệu lực trong 3 ngày trước ngày khởi hành đầu tiên. 

Chính quyền Macao triển khai biện pháp mới này nhằm đối phó với tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ở nước ngoài. Macao cũng siết chặt các quy định cách ly những người có lịch sử di chuyển đến những quốc gia và vùng lãnh thổ ở ngoài Trung Quốc. 

Đông Nam Á: Indonesia và Malaysia lập kỷ lục về ca mắc mới

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 7-1, 9 quốc gia ASEAN ghi nhận 14.640 ca mắc Covid-19 và 256 ca tử vong, nâng tổng số người mắc tại ASEAN từ đầu dịch lên 1.607.649 ca, trong đó 36.330 người tử vong. 

Tình hình dịch bệnh tại Indonesia vẫn nghiêm trọng nhất ASEAN. Trong ngày 7-1, Indonesia ghi nhận con số kỷ lục 9.321 ca mắc Covid-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 797.723 ca. Đây là ngày thứ hai liên tiếp Indonesia có số ca mắc hàng ngày kỷ lục.

Trong 24 giờ qua, Indonesia cũng có thêm 224 ca tử vong, nâng tổng số người không qua khỏi lên 23.520 người. Hiện Indonesia vẫn là nước có số ca nhiễm và tử vong cao nhất ở Đông Nam Á. 

Đứng thứ hai ASEAN trong ngày 7-1 là Malaysia với 3.027 ca mắc và 8 ca tử vong. Tổng số ca mắc ở Malaysia đã là 128.465 ca, trong đó 521 người chết. Con số 3.027 ca mắc mới/ngày là con số kỷ lục ở Malaysia.

Việc số ca mắc mới gia tăng tại Malaysia trong thời gian gần đây đã khiến các nhà đầu tư lo ngại khi chỉ số chứng khoán chính ở sàn giao dịch Kuala Lumpur giảm tới 1,2% trong ngày 7-1, một ngày sau khi giới chức nước này cảnh báo hệ thống y tế đối mặt nguy cơ quá tải.

Theo Báo Tin tức

 

;
;
.
.
.
.
.