Đưa nước Mỹ sang trang mới

.

Trong số 17 sắc lệnh ký ngay sau khi nhậm chức Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ, ông Joe Biden đã đưa cường quốc này trở lại thỏa thuận khí hậu Paris và Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Tổng thống Mỹ Joe Biden ký 3 sắc lệnh tại phòng Bầu dục trong ngày đầu tiên nhậm chức 20-1-2021, đứng cạnh ông là Phó Tổng thống Kamala Harris (phải). Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Joe Biden ký 3 sắc lệnh tại phòng Bầu dục trong ngày đầu tiên nhậm chức 20-1-2021, đứng cạnh ông là Phó Tổng thống Kamala Harris (phải). Ảnh: Reuters

Như vậy, đúng như dự đoán của giới truyền thông Mỹ, ông Biden đã đảo ngược những chính sách của người tiền nhiệm Donald Trump.

Ký quá nhiều và quá nhanh các sắc lệnh

Theo AP, tại phòng Bầu dục, ông Joe Biden ký sắc lệnh buộc người dân phải đeo khẩu trang và giãn cách tại các địa điểm công cộng trong lúc Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp; tiếp đó là sắc lệnh hỗ trợ các cộng đồng yếu thế. Trong sắc lệnh thứ ba, ông đưa nước Mỹ tham gia trở lại thỏa thuận khí hậu Paris - hiệp định mà người tiền nhiệm Donald Trump đã chính thức rút khỏi hồi tháng 11 năm ngoái. Đây là 3 sắc lệnh ông ký trước ống kính máy quay của truyền thông trong ngày nhậm chức.

Tân Tổng thống Mỹ chấm dứt ngay việc xây dựng bức tường ở biên giới Mỹ - Mexico khi tuyên bố “dừng ngay lập tức” việc ban bố tình trạng khẩn cấp của ông Trump để có thể sử dụng ngân sách xây tường. Ông Biden cũng đưa nước Mỹ tham gia lại WHO - cơ quan Liên Hợp Quốc mà ông Trump đã từ bỏ trong tháng 7 năm ngoái sau những cáo buộc WHO không đủ năng lực. Ngoài ra, ông Biden đã ký sắc lệnh đảo ngược lệnh cấm của ông Trump với việc đi lại tới Mỹ của hành khách đến từ các nước Hồi giáo.

Các sắc lệnh được ông Biden ký duyệt vô cùng nhanh chóng cho thấy vị Tổng thống thứ 46 muốn đưa đất nước sang trang mới sau 4 năm chia rẽ sâu sắc dưới thời ông Trump. Hầu hết những sắc lệnh mới ký đều nhắm tới việc giải quyết những điều mà đội ngũ của ông Biden gọi là “4 cuộc khủng hoảng chồng lấn và phức tạp” gồm: đại dịch Covid-19, những tổn thất kinh tế do dịch bệnh gây ra, biến đổi khí hậu và bất bình đẳng sắc tộc. “Ông ấy đang cố gắng chứng tỏ với người dân Mỹ và thế giới rằng, nước Mỹ đang trở lại thời điểm trước giai đoạn cầm quyền của ông Trump”, GS. Todd Belt, Giám đốc chương trình Quản lý chính trị tại Đại học George Washington bình luận. “Với việc ký quá nhiều và quá nhanh các sắc lệnh này, ông Biden cũng phát đi thông điệp “bác bỏ cách quản trị đất nước của ông Trump”, chuyên gia này phân tích với báo USA Today.

Cũng trong ngày đầu tiên tiếp quản Nhà Trắng, ông Biden đã hủy việc cấp phép xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL nối từ Canada tới vịnh Mexico, đảo ngược quyết định cho phép trước đó của ông Trump với một dự án vốn bị các nhà môi trường phản đối kịch liệt. Ông cũng gia hạn thêm thời gian hoãn thanh toán nợ vay sinh viên…

Trước đó, từ lúc nhậm chức Tổng thống vào tháng 1-2017 đến ngày 3-2-2017, ông Donald Trump đã ký 8 sắc lệnh hành pháp và ký 210 sắc lệnh trong suốt 4 năm tại nhiệm. Trong cùng khoảng thời gian này, cựu Tổng thống Barack Obama đã ký 9 sắc lệnh sau khi nhậm chức và 276 sắc lệnh trong 8 năm. Cả 4 đời tổng thống trước ông Biden chỉ ký tổng cộng 2 sắc lệnh trong ngày đầu tiên nhậm chức.

Nỗ lực hàn gắn

Hãng tin AP dẫn lời người được đề cử làm Chánh Văn phòng Nhà Trắng Ron Klain cho biết, trong ngày 21-1 (giờ Mỹ) sẽ có thêm những sắc lệnh khác được ký liên quan cuộc khủng hoảng Covid-19 và mở cửa lại doanh nghiệp, trường học. Những sắc lệnh này sẽ bao gồm: mở rộng xét nghiệm, tăng cường bảo vệ người lao động cũng như thiết lập thêm các tiêu chuẩn y tế cộng đồng.

Nhóm giúp việc cho ông Biden thừa nhận họ cần phải có sự đồng thuận của Quốc hội để đạt được rất nhiều mục tiêu trong chương trình hành động đầu tiên sau khi tiếp quản chính quyền. Dẫn đầu danh sách là tiến trình đả thông gói cứu trợ mới cho đại dịch Covid-19 với mức chi 1.900 tỷ USD ngân sách có tên “Kế hoạch giải cứu nước Mỹ” (American Rescue Plan) mà ông Biden công bố tuần trước.

Tổng thống 78 tuổi cũng cam kết sẽ đệ trình dự luật di trú ngay lập tức sau khi nhậm chức, trong đó vạch ra một lộ trình rõ ràng hơn trong 8 năm để các di dân đang cư trú bất hợp pháp tại Mỹ có cơ hội nhập tịch. “Trong một tuần rưỡi đầu tiên, ông ấy sẽ làm mọi thứ có thể trong khả năng của ông ấy để đưa chúng ta tiến lên”, bà Kating Bedingfielf, Giám đốc truyền thông Nhà Trắng nói. “Nhưng đó chỉ là một phần trong chương trình hành động. Phần còn lại của nó sẽ là làm việc với Quốc hội”, bà Bedingfielf cho biết thêm.

Giống như những gì đã trình bày rất tha thiết và đặc biệt nhấn mạnh trong diễn văn nhậm chức, ông Biden bắt đầu nhiệm kỳ của mình với nỗ lực hàn gắn, kêu gọi đoàn kết đất nước trong bối cảnh có quá nhiều chia rẽ sâu sắc nội bộ tồn tại mà chính ông từng dùng chữ “nội chiến” (civil war) để mô tả. Ông đã nhấn mạnh quyết tâm đoàn kết nước Mỹ và nhấn mạnh rằng, thông điệp đoàn kết có thể khiến nhiều người nghĩ đó là một sự tưởng tượng nhưng không có điều gì là không thể. “Đoàn kết là con đường duy nhất để tiến lên phía trước”, ông Biden phát biểu như vậy trong diễn văn nhậm chức.

TRẦN ĐẮC LUÂN

"Chúng ta sẽ cùng nhau viết nên câu chuyện về một nước Mỹ hy vọng chứ không phải sợ hãi, một nước Mỹ đoàn kết chứ không phải chia rẽ, một câu chuyện về tình yêu và sự hàn gắn, về sự vĩ đại và những điều tốt đẹp”

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu nhậm chức ngày 20-1-2021

Lãnh đạo Việt Nam gửi điện mừng

Nhân dịp ông Joseph R. Biden Jr. nhậm chức Tổng thống thứ 46 của Mỹ, ngày 21-1, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng gửi điện chúc mừng. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ tin tưởng Tổng thống và chính quyền mới của Mỹ sẽ đạt được nhiều thành công mới vì sự phát triển thịnh vượng, hạnh phúc của đất nước và nhân dân Mỹ; tiếp tục đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên thế giới.  Với nền tảng quan hệ Việt Nam - Mỹ đã được xây dựng và không ngừng phát triển trong suốt 25 năm qua cùng những tình cảm tốt đẹp của Tổng thống Biden dành cho Việt Nam, quan hệ Việt Nam - Mỹ sẽ tiếp tục phát triển, đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Cùng ngày, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã gửi điện mừng tới Phó Tổng thống Kamala Harris.

TTXVN

 

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích