Hạ viện sẽ bỏ phiếu luận tội Tổng thống Donald Trump

.

Hạ viện Mỹ dự kiến bỏ phiếu vào ngày 11-1 hoặc 12-1 (giờ Mỹ) nhằm thông qua nghị quyết kêu gọi viện dẫn Tu chính án thứ 25 của Hiến pháp phế truất Tổng thống Donald Trump.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi muốn nhanh chóng phế truất Tổng thống Donald Trump. 							         Ảnh: Reuters
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi muốn nhanh chóng phế truất Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Reuters

Hãng tin AP dẫn lời Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết, bà thúc giục Phó Tổng thống Mike Pence và nội các đương nhiệm kích hoạt Tu chính án thứ 25 của Hiến pháp để phế truất Tổng thống Donald Trump, cáo buộc ông đe dọa nền dân chủ trong vụ bạo loạn ở tòa nhà Quốc hội hôm 6-1. Động thái của Hạ viện làm gia tăng áp lực đối với ông Trump bởi đây sẽ là cuộc luận tội lần thứ hai dành cho ông trong một nhiệm kỳ.

Một số nghị sĩ Cộng hòa như Thượng nghị sĩ Pat Toomey (bang Pennsylvania), Thượng nghị sĩ Lisa Murkowski (bang Alaska) kêu gọi ông Trump “từ chức càng sớm càng tốt”. Bà Pelosi và các lãnh đạo hàng đầu của đảng Dân chủ dường như không mảy may quan tâm rằng, ông Trump chỉ còn gần 10 ngày nữa là kết thúc nhiệm kỳ.

Sau khi Hạ viện bỏ phiếu, Phó Tổng thống Mike Pence và nội các sẽ có 24 giờ để hành động trước khi cơ quan lập pháp này thúc đẩy việc luận tội. Với các bước đi nước rút đang được đảng Dân chủ thực hiện, Thượng nghị sĩ Pat Toomey nói rằng, luận tội có thể diễn ra trước khi ông Joe Biden tuyên thệ nhậm chức Tổng thống vào ngày 20-1. Trong lúc đó, theo AP, ngày càng có nhiều nhà lập pháp cho rằng luận tội là bước đi cần thiết nhằm ngăn ông Trump tái tranh cử vào năm 2024. Đến cuối ngày 10-1 (giờ Mỹ), có 210 thành viên ở Hạ viện đồng ý biện pháp luận tội.

Nếu đa số thành viên trong tổng số 435 nghị sĩ ở Hạ viện đồng ý đưa ra các điều khoản luận tội, tiến trình này sẽ được chuyển đến Thượng viện. Muốn kết tội và phế truất ông Trump, Thượng viện cần có 2/3 số phiếu thuận. Hiện một số thành viên đảng Cộng hòa và các thành viên đảng Dân chủ theo quan điểm ôn hòa đang cân nhắc hình thức khiển trách Tổng thống Trump, thay vì luận tội.

Những ngày “hoàng hôn nhiệm kỳ” trôi qua không hề êm ả với Tổng thống Trump. Hàng loạt vấn đề xảy ra: biểu tình chống phân biệt chủng tộc, Covid-19, nay đến vụ bạo loạn ở Đồi Capitol. Sau vụ bạo loạn này, đảng Dân chủ cáo buộc ông Trump kích động biểu tình. Trước đó, hồi tháng 12-2019, đảng Dân chủ cũng từng tìm cách luận tội ông Trump lạm dụng quyền lực và cản trở Quốc hội. Việc kích hoạt Tu chính án thứ 25 là chưa từng có tiền lệ, nhưng lại là giải pháp nhanh nhất để phế truất ông Trump. Cuộc luận tội năm 2019 đã kết thúc với việc Thượng viện tuyên bố ông Trump vô tội.

Còn lần này, nếu Phó Tổng thống Pence và đa số các bộ trưởng nội các chịu kích hoạt Tu chính án thứ 25, ông Trump ngay lập tức mất hết quyền hạn của người đứng đầu Nhà Trắng và ông Pence sẽ nắm quyền thay thế. Mặc dù mối quan hệ với ông Trump đang trở nên “băng giá”, nhưng ông Pence thể hiện không muốn kích hoạt Tu chính án số 25 và cũng không hoàn toàn loại bỏ khả năng này. Song, tương tự cuộc luận tội năm 2019, đề xuất xem xét bãi nhiệm ông Trump của Hạ viện đương nhiên còn phải được Thượng viện phê chuẩn. Thế nhưng, cơ quan lập pháp này hiện vẫn do đảng Cộng hòa kiểm soát nên đảng Dân chủ khó thực hiện được kế hoạch phế truất ông Trump sớm.

Mỹ tăng cường an ninh trong lễ nhậm chức của ông Joe Biden

Thủ đô Washington, D.C, đang ở mức báo động cao trước thềm lễ nhậm chức Tổng thống của ông Joe Biden. Theo AP, bà Muriel Bowser, Thị trưởng Washington, D.C, đề xuất chính quyền liên bang tăng cường an ninh cho lễ nhậm chức của ông Biden vào ngày 20-1 do lo ngại xảy ra bạo loạn tương tự vụ việc ở tòa nhà Quốc hội hôm 6-1 do những người ủng hộ ông Donald Trump tiến hành. Bà Bowser thậm chí cho rằng, vụ tấn công tòa nhà Quốc hội là “vụ tấn công khủng bố chưa từng có” ở Mỹ.

THIÊN BÌNH

;
;
.
.
.
.
.