Nước Mỹ trước thềm lễ nhậm chức đặc biệt

.

Lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden ngày 20-1 sẽ là một trong những buổi lễ đặc biệt trong lịch sử nước Mỹ khi hạn chế số lượng khách và không có công chúng tham dự do đại dịch Covid-19.

Khán đài được dựng lên trước Điện Capitol chuẩn bị cho lễ nhậm chức của Tổng thống Joe Biden.						        Ảnh: Getty Images
Khán đài được dựng lên trước Điện Capitol chuẩn bị cho lễ nhậm chức của Tổng thống Joe Biden. Ảnh: Getty Images

Hãng tin Reuters cho biết, buổi tổng duyệt lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden đã diễn ra sáng 18-1 (giờ Mỹ). Theo đó, khu vực nơi tân Tổng thống tuyên thệ nhậm chức ở phía trước Điện Capitol, nhìn ra Công viên National Mall.

Thắt chặt an ninh

Quy mô buổi lễ được thu hẹp. Số khách mời được hạn chế và không có công chúng tham dự. Hơn 190.000 lá cờ được dựng lên tại Công viên National Mall tượng trưng cho số lượng người không thể tham dự sự kiện này. Những người tham dự phải tuân thủ các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt như đeo khẩu trang, bảo đảm khoảng cách.

Trong số các khách mời tới dự lễ nhậm chức có các cựu Tổng thống G.W.Bush và Barack Obama. Tổng thống Donald Trump sẽ không có mặt. Thay vào đó, ông và đệ nhất phu nhân Melania sẽ đến sinh sống tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của gia đình ở bang Florida. Như vậy, ông không những đã bỏ qua nghi thức mời người kế nhiệm thăm Nhà Trắng sau bầu cử, mà còn bỏ qua các nghi thức truyền thống trong quá trình chuyển giao quyền lực. Các quan chức Nhà Trắng cũng có kế hoạch tổ chức chia tay Tổng thống Trump khi ông rời Washington, D.C vào sáng 20-1.

Các biện pháp an ninh nghiêm ngặt đang được thắt chặt trên khắp thủ đô Washington, D.C. Những hàng rào cao 7m đã được dựng lên bên ngoài Điện Capitol, các trụ sở chính phủ và Tòa án Tối cao. Các quan chức quốc phòng Mỹ lo ngại nguy cơ tấn công hoặc các mối đe dọa an ninh đến từ những binh sĩ được triển khai bảo vệ lễ nhậm chức. Vì vậy, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã kiểm tra lý lịch của tất cả 25.000 binh sĩ thuộc lực lượng Vệ binh Quốc gia làm nhiệm vụ trong ngày 20-1.

Hoàn thiện nội các mới

Theo AP, ngày 18-1 (giờ Mỹ), bà Kamala Harris chính thức đệ trình đơn rút khỏi Thượng viện Mỹ tới Thống đốc bang California Gavin Newsom, kết thúc vai trò nhà lập pháp của Quốc hội để chuẩn bị tuyên thệ nhậm chức Phó Tổng thống. Bà Harris cho rằng, chính phủ mới sẽ có rất nhiều việc phải làm, trong đó có sứ mệnh hàn gắn đất nước sau cuộc bầu cử gây nhiều tranh cãi.

Ông Biden đã đề cử các ứng viên bộ trưởng, thứ trưởng nhằm hoàn thiện bộ máy nội các. Một số nhân vật dẫn đầu các bộ quan trọng như Bộ Ngoại giao, Lầu Năm Góc, Bộ An ninh nội địa và Tình báo quốc gia dự kiến sẽ gây nhiều tranh cãi. Đáng chú ý là Tướng Lục quân Lloyd Austin được ông Biden chọn đứng đầu Lầu Năm Góc. Nếu được Thượng viện thông qua, ông Austin sẽ là nhà lãnh đạo gốc Phi đầu tiên của Bộ Quốc phòng Mỹ. Ông Austin nghỉ hưu từ năm 2016 nên cần sự miễn trừ của Quốc hội, theo đó quy định một cựu thành viên quân đội phải rời khỏi quân ngũ ít nhất 7 năm trước khi trở thành Bộ trưởng Quốc phòng.

Ông Alejandro Mayorkas dự kiến trở thành Bộ trưởng An ninh nội địa và sẽ là bộ trưởng gốc Latinh nhập cư đầu tiên trong lịch sử 18 năm của cơ quan này. Trong khi đó, bà Avril Haines - Phó Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) từ năm 2013-2015 - được chọn làm Giám đốc Tình báo quốc gia.

Vị trí Ngoại trưởng sẽ thuộc về ông Antony Blinken, từng làm việc trong hai chính phủ của đảng Dân chủ trước đây, với tư cách Phó Cố vấn An ninh quốc gia và Thứ trưởng Ngoại giao. Ông Jake Sullivan sẽ trở thành Cố vấn An ninh quốc gia của Nhà Trắng. Ông Sullivan từng làm Cố vấn An ninh quốc gia của ông Joe Biden trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Barack Obama.

8 năm để nhập tịch Mỹ

Tổng thống đắc cử Joe Biden dự kiến sẽ công bố luật nhập cư mới vào ngày tuyên thệ nhậm chức 20-1, vạch ra lộ trình 8 năm để khoảng 11 triệu người đang sống tại Mỹ không giấy tờ có thể trở thành công dân.

Theo AP, những người sống ở Mỹ từ ngày 1-1-2021 mà không có tư cách pháp nhân sẽ có lộ trình 5 năm để đạt được tình trạng pháp lý tạm thời (còn gọi là thẻ xanh) với điều kiện họ đáp ứng yêu cầu kiểm tra lý lịch, đóng thuế và những yêu cầu cơ bản khác. Từ thời điểm đó, họ sẽ tiếp tục lộ trình 3 năm để trở thành công dân Mỹ. Quá trình này sẽ nhanh hơn đối với một số người nhập cư. Những người trẻ đến Mỹ bất hợp pháp khi còn là trẻ em (còn được gọi là Dreamer), những người lao động ngành nông nghiệp và những người thuộc diện bảo hộ tạm thời có thể ngay lập tức đủ tiêu chuẩn nhận thẻ xanh nếu họ đang đi làm, đi học hoặc đáp ứng các yêu cầu khác.

Dự luật này giúp ông Biden thực hiện cam kết quan trọng trong chiến dịch tranh cử đối với các cử tri Latinh và những cộng đồng nhập cư khác. Dự luật cũng giải quyết một số nguyên nhân gốc rễ của việc nhập cư từ Trung Mỹ đến Mỹ, cung cấp các khoản tài trợ để phát triển lực lượng lao động và học tiếng Anh.

PHONG LAN

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.