Châu Âu tìm vắc-xin ngừa Covid-19

.

Liên minh châu Âu (EU) bảo vệ chương trình vắc-xin ngừa Covid-19 của mình, trong lúc các hãng dược phẩm cam kết tăng lượng vắc-xin bàn giao cho khối gồm 27 thành viên trong mùa xuân này.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen thông báo hãng dược AstraZeneca sẽ cung cấp thêm 9 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 cho Liên minh châu Âu.       							               Ảnh: Reuters
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen thông báo hãng dược AstraZeneca sẽ cung cấp thêm 9 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 cho Liên minh châu Âu. Ảnh: Reuters

Hãng tin AP cho biết, 10 ngày sau khi có những thông tin từ các nhà sản xuất vắc-xin về việc không thể cung ứng đủ mặt hàng này cho EU, giờ đây, các hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) thông báo sẽ cung cấp đủ số liều vắc-xin trong theo hợp đồng quý 1-2021, đồng thời cung cấp thêm 75 triệu liều cho khối này.

Lo ngại chuỗi cung ứng vắc-xin gián đoạn

Hiện có ít nhất 12,6 triệu liều vắc-xin đã được tiêm chủng cho 10,5 triệu người trên khắp EU, tương ứng 2,3% dân số của “lục địa già”. Con số này được cho là quá ít. Sự chậm chân của EU khiến chính giới chức của liên minh này bị chỉ trích, trong đó có bà Ursula von der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Đức.

Lo ngại chuỗi cung ứng vắc-xin bị gián đoạn từ hãng AstraZeneca, Ủy ban châu Âu đang xem xét vắc-xin của BioNTech và Moderna để bảo đảm có thể phân phối cho người dân châu Âu. EU đã hợp đồng mua vắc-xin ngừa Covid-10 của nhiều hãng dược như BioNTech/Pfizer, Moderna, AstraZeneca, Johnson & Johnson, CureVac và Sanofi. Song, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) mới đánh giá và khuyến nghị cấp phép cho vắc-xin của Pfizer/BioNTech,  Moderna và AstraZeneca.

Vấn đề đặt ra là EU tuyên bố “sử dụng tất cả các biện pháp” để siết chặt việc kiểm soát xuất khẩu vắc-xin ngừa Covid-19. Theo đó, các công ty dược phẩm muốn xuất khẩu vắc-xin được sản xuất trong EU phải thông báo tới giới chức quốc gia để được cấp phép xuất khẩu, đồng thời 27 thành viên được quyền từ chối cấp phép xuất khẩu vắc-xin nếu nhà sản xuất vắc-xin không tuân thủ các hợp đồng hiện có với khối. Động thái này gây ra nhiều tranh cãi và lo ngại cho các nước ngoài EU. Thậm chí, “cuộc chiến” sở hữu vắc-xin đã nổ ra giữa EU và Anh bởi liên minh 27 thành viên cho rằng AstraZeneca đã phớt lờ khối này mà chuyển giao vắc-xin cho xứ sở sương mù.

“Có những lý do hợp lý cho sự chậm trễ”

Theo AFP, phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về vắc-xin ngày 1-2, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng, có những lý do để liên minh khởi động chương trình tiêm chủng chậm hơn so với các nước khác. Bà Merkel cam kết từ nay đến hết tháng 9-2021, mỗi công dân Đức đều được tiếp cận vắc-xin. “Sự thật là ở một số lĩnh vực, lộ trình trở nên chậm hơn, nhưng có những lý do hợp lý cho sự chậm trễ này”, bà Merkel nói với báo giới ở thủ đô Berlin.

Song, bà Merkel - nhà lãnh đạo của nền kinh tế lớn nhất châu Âu - thừa nhận rằng Mỹ, Israel và Anh đã tiến xa hơn trong chương trình tiêm chủng để ứng phó với Covid-19. Nữ Thủ tướng Đức nhấn mạnh: Châu Âu không có cơ chế cấp phép vắc-xin nhanh trong trường hợp khẩn cấp và quy trình này thường mất thời gian cho tới khi được EMA cấp phép.

Hãng dược phẩm BioNTech (Đức) có kế hoạch sản xuất 2 tỷ liều vắc-xin trong năm 2021, cao hơn nhiều so với 1,3 tỷ liều dự kiến trước đó. AFP cho hay, Đức kỳ vọng trong quý 1-2021 sẽ nhận được khoảng 11 triệu liều vắc-xin của BioNTech, 1,8 triệu liều của Moderna và 5,6 triệu liều của AstraZeneca. Đến cuối năm nay, Đức mong muốn nhận được tổng cộng 323 triệu liều vắc-xin từ các hãng.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã bắt đầu cung cấp vắc-xin giá rẻ trong chương trình vắc-xin toàn cầu ngừa Covid-19 (COVAX) đến 190 quốc gia/vùng lãnh thổ. Thông tin này được nhiều nước đón nhận như một tín hiệu tích cực trong cuộc chiến chống Covid-19. Chương trình COVAX của WHO kêu gọi sự đóng góp tài chính của các nước giàu, đàm phán mua vắc-xin từ các hãng dược với giá phải chăng để cung cấp cho nước thu nhập thấp. Tuy nhiên, vấn đề lo ngại là các hãng dược lại chạy đua cung cấp vắc-xin cho các nước giàu trước, thay vì phục vụ chương trình COVAX.

103,9 triệu

là số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu, tính đến ngày 2-2, trong đó có hơn 2,2 triệu ca tử vong. Mỹ vẫn dẫn đầu về số ca nhiễm và tử vong với những con số lần lượt là 26,3 triệu và 443.300 ca, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins. (CNN)

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.