Cơ hội cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran

.

Mỹ và Iran đang tranh luận về cách thức khôi phục thỏa thuận hạt nhân mà Tehran đã ký năm 2015, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).

Người đứng đầu Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran (AEIO) Ali Akbar Salehi (trái) gặp gỡ Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi (bìa phải) ở Tehran ngày 21-2.  							Ảnh: AFP
Người đứng đầu Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran (AEIO) Ali Akbar Salehi (trái) gặp gỡ Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi (bìa phải) ở Tehran ngày 21-2. Ảnh: AFP

Việc cứu vãn JCPOA được đặt ra khi ông Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ vào tháng 1-2021. Khác với quan điểm của người tiền nhiệm Donald Trump, ông Biden bày tỏ ý định trở lại JCPOA sau hơn 2 năm Mỹ rút khỏi thỏa thuận này. JCPOA được Iran ký năm 2015 với nhóm P5+1, bao gồm: Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Đức.

Bên nào hành động trước?

Theo Bloomberg, hiện Mỹ và Iran tranh luận về cách thức khôi phục JCPOA, bên nào hành động trước. Cuối tuần qua, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif khẳng định Washington trước tiên phải dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, còn Mỹ cho rằng Tehran cần tuân thủ thỏa thuận trước. Một tín hiệu tích cực là chính phủ của ông Biden dự kiến gặp gỡ giới chức Iran và các cường quốc khác trong một cuộc đàm phán về thỏa thuận nói trên.

Phát biểu trong chương trình “Face the Nation” của đài CBS, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói rằng, đề nghị của Washington và Liên minh châu Âu (EU) về việc thảo luận JCPOA với Iran vẫn được giữ nguyên, đồng thời phụ thuộc vào quyết định của Tehran. Ông Sullivan cho hay, “quả bóng vẫn ở trong sân” của Iran.

JCPOA quy định Iran chỉ được làm giàu uranium ở mức 3,67%, thấp hơn mức 20% mà Tehran đã thực hiện trước khi ký thỏa thuận. Thế nhưng, Iran dần dần giảm một số cam kết trong thỏa thuận, tăng mức làm giàu uranium lên đến 20%, gây nhiều lo ngại cho các bên tham gia JCPOA.

Theo báo New York Times, Iran bắt đầu hạn chế hoạt động thanh sát của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đối với các cơ sở hạt nhân của nước này từ ngày 23-2. Giới quan sát nhận định, động thái của Tehran cho thấy nước Cộng hòa Hồi giáo ngày càng rời xa JCPOA. Tuy nhiên, theo Ngoại trưởng Zarif, việc Iran hạn chế các cuộc thanh sát hạt nhân không có nghĩa nước này sẽ rời bỏ JCPOA, mà chỉ thực hiện theo dự luật vừa được Quốc hội thông qua hồi tháng 12-2020 yêu cầu ngừng một số hoạt động thanh sát hạt nhân của IAEA. Khi nào Mỹ tuân thủ trở lại thỏa thuận, Tehran cũng sẽ thực hiện điều này. Ông Zarif xác nhận Iran không bác bỏ đề nghị ngoại giao của Tổng thống Biden.

Chờ “cuộc họp không chính thức”

Trả lời phỏng vấn Press TV, ông Zarif cho hay, việc hạn chế tiếp cận các cơ sở hạt nhân cũng như các bước đi trước đó của Iran trong việc làm giàu uranium đều có thể đảo ngược. “Đây không phải thời hạn cho thế giới. Đây không phải là tối hậu thư. Đây là vấn đề trong nước giữa Quốc hội và chính phủ”, ông Zarif nói. Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi vừa có chuyến công cán ở Iran và gặp gỡ người đứng đầu chương trình hạt nhân dân sự của quốc gia này - ông Ali Akbar Salehi. Trở về Vienna (Áo), ông Grossi cho biết, chuyến đi Iran nhằm tìm “một giải pháp được cả hai bên đồng thuận để IAEA tiếp tục các hoạt động cần thiết”. Theo đó, IAEA và Iran đã đạt được “giải pháp kỹ thuật tạm thời” trong 3 tháng, cho phép cơ quan quốc tế này tiếp tục thực hiện công tác thanh sát hạt nhân dù mức độ tiếp cận bị hạn chế.

Một cuộc họp không chính thức giữa Mỹ với Iran, thông qua EU, nếu diễn ra có thể là cơ hội để Washington tái tham gia JCPOA, còn Tehran tuân thủ thỏa thuận trở lại. Vấn đề là Iran muốn thấy hành động của Mỹ, chứ không phải lời hứa suông, tức là Washington phải dỡ bỏ trừng phạt.

Hồi đầu tháng 2, lãnh đạo tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei cũng tuyên bố Mỹ phải dỡ bỏ tất cả lệnh trừng phạt nếu Washington muốn Tehran đảo ngược các bước đi hạt nhân. Song, theo Bloomberg, một thực tế hiện nay là Mỹ không sẵn sàng “hành động trước”, dù chính phủ của ông Biden đã đề nghị tổ chức đàm phán, đánh dấu nỗ lực công khai lần đầu tiên trong việc đổi mới ngoại giao.

Năm 2018, ông Donald Trump khi làm Tổng thống Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 của Iran với các cường quốc thế giới, đồng thời tái áp đặt lệnh trừng phạt đối với Tehran. Đầu năm 2020, cuộc không kích của Mỹ ở gần sân bay quốc tế Baghdad (Iraq) đã dẫn đến cái chết của Tướng Iran Qasem Soleimani, đẩy Washington và Tehran bên bờ vực xung đột. Tehran sau đó phóng tên lửa làm hàng chục binh sĩ Mỹ bị thương ở căn cứ không quân Al Asad (Iraq).

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.