Đảo chính ở Myanmar: Quân đội bắt giữ Tổng thống và bà Aung San Suu Kyi

.

Sáng 1-2, quân đội Myanmar chiếm quyền kiểm soát Tòa thị chính Yangon, bắt giữ Tổng thống Win Myint, Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi và các quan chức cấp cao khác, đồng thời tuyên bố tình trạng khẩn cấp.

Bà Aung San Suu Kyi (phải) cùng Tổng thống Win Myint ở Myanmar vào ngày 14-2-2016. Ảnh: AP
Bà Aung San Suu Kyi (phải) cùng Tổng thống Win Myint ở Myanmar vào ngày 14-2-2016. Ảnh: AP

Theo ông Myo Nyunt - người phát ngôn đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD), cuộc đảo chính diễn ra sau khi quân đội Myanmar dọa “sẽ hành động” vì những cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 11-2020, trong đó đảng NLD của bà Suu Kyi giành chiến thắng với 83% số ghế. USDP - được coi như đảng ủy nhiệm của quân đội - chỉ giành được 33/476 ghế.

Áp đặt tình trạng khẩn cấp 1 năm

Ông Myo Nyunt xác nhận quân đội đã bắt giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, Tổng thống U Win Myint, Bộ trưởng Tài chính và Kế hoạch Soe Nyunt Lwin cùng một số quan chức khác thuộc NLD.

Quân đội Myanmar thông báo cuộc bầu cử mới ở nước này sẽ được tổ chức sau khi tình trạng khẩn cấp kéo dài 1 năm kết thúc. Sau đó, lực lượng này sẽ trao lại quyền điều hành đất nước cho chính phủ mới. Quân đội nêu rõ: Trong thời gian áp đặt tình trạng khẩn cấp, Ủy ban bầu cử liên bang Myanmar sẽ được cải tổ và kết quả cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra vào tháng 11-2020 sẽ được xem xét lại. Quyền điều hành đất nước sẽ được chuyển giao cho Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Min Aung Hlaing. Các chức năng lập pháp của Quốc hội bị đình chỉ.

Bà Suu Kyi không bình luận về chiến thắng của NLD hay các khiếu nại của quân đội liên quan cuộc bầu cử. Song, NLD cho rằng, cáo buộc của quân đội là vô căn cứ và các sai sót trong cuộc bầu cử không đủ làm thay đổi kết quả cuối cùng. Trong số hơn 90 đảng tham gia cuộc bầu cử, ít nhất 17 đảng đã phàn nàn về cuộc bầu cử, nhưng chủ yếu là về những sai sót nhỏ. Tất cả các đảng này, ngoại trừ USDP, đều là các đảng nhỏ.

Ngày 28-1, Ủy ban bầu cử khẳng định, không có sai sót trên quy mô đủ lớn để trở thành gian lận bầu cử diện rộng hoặc khiến cuộc bầu cử bị bất tín nhiệm.

Các nước kêu gọi đối thoại, hòa giải

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres lên án mạnh mẽ việc quân đội Myanmar bắt bà Aung San Suu Kyi và các nhà lãnh đạo khác của nước này, kêu gọi các lãnh đạo quân đội tôn trọng ý nguyện của nhân dân Myanmar.

Trong một tuyên bố, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) kêu gọi các bên ở Myanmar theo đuổi đối thoại, hòa giải, sớm đưa tình hình trở lại bình thường.

Nhiều nước cũng đã ra tuyên bố hy vọng Myanmar sớm ổn định tình hình. Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ ở thủ đô Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nêu rõ: Bắc Kinh hy vọng các bên tại Myanmar có thể giải quyết hợp lý các bất đồng theo khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật cũng như bảo đảm ổn định chính trị và xã hội. Bộ Ngoại giao Nhật Bản bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình ở Myanmar, đồng thời hối thúc các bên thực thi tiến trình dân chủ hóa đất nước và hòa giải dân tộc.

Malaysia và Singapore kêu gọi tất cả các bên ở Myanmar giải quyết mọi tranh chấp bầu cử một cách hòa bình. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Malaysia nhấn mạnh quốc gia Đông Nam Á này ủng hộ việc tiếp tục thảo luận giữa các các nhà lãnh đạo của Myanmar để tránh hậu quả bất lợi cho người dân và đất nước Myanmar, đặc biệt là trong tình hình khó khăn hiện nay do đại dịch Covid-19.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Thủ tướng Anh Boris Johnson, người phát ngôn Chính phủ Pháp, ông Gabriel Attal, cũng bày tỏ quan ngại về tình hình tại Myanmar, đồng thời kêu gọi các bên tôn trọng ý chí của người dân Myanmar thể hiện qua cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 11-2020.

Đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2015. Tuy nhiên, do kết hôn với người nước ngoài nên bà Aung San Suu Kyi không được làm Tổng thống, mà giữ vai trò cố vấn Nhà nước.

Theo hiến pháp Myanmar, quân đội tự coi mình là “người bảo vệ” hiến pháp và đoàn kết dân tộc. Quân đội Myanmar có 25% số ghế không qua bầu cử tại Quốc hội, đồng thời kiểm soát 3 bộ quan trọng, bao gồm: Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và Bộ Các vấn đề biên giới.

PHÚC NGUYÊN tổng hợp

;
;
.
.
.
.
.