Khởi động lại kịch bản hai nhà nước

.

Hành trình của Palestine trong việc đi tìm một nhà nước độc lập cùng tồn tại bên cạnh Nhà nước Do Thái ngay trên mảnh đất của chính mình trong suốt hơn nửa thế kỷ qua vẫn còn vô vàn gian nan, vất vả.

Các cuộc đàm phán giữa chính quyền Palestine và Israel đã đình trệ từ năm 2014. Đặc biệt, phía Palestine không chấp nhận Mỹ bảo trợ các cuộc đàm phán với Israel kể từ khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và dời Đại sứ quán Mỹ tại Israel đến thành phố này vào tháng 5-2018. Người dân Palestine luôn coi Đông Jerusalem sẽ là thủ đô của Nhà nước Palestine trong tương lai.

Tuy nhiên, khi tiếp quản Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có những động thái thay đổi trong chính sách về Trung Đông. Phó Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc (LHQ) Richard Mills khẳng định, chính quyền của Tổng thống Biden sẽ nối lại quan hệ với Palestine; sẽ hối thúc Israel và Palestine tránh các bước đi đơn phương như việc Israel thành lập các khu định cư Do Thái, phá hủy nhà cửa và sáp nhập đất của người Palestine, cũng như việc các đối tượng cực đoan Palestine có hành động quá khích nhằm vào Israel.

Ông Mills khẳng định, các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ của Israel với các nước Arab trong thời gian qua không thay thế cho nền hòa bình Israel - Palestine.

Trước đó, trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Biden đã kêu gọi tiếp tục duy trì giải pháp hai nhà nước dành cho Israel và Palestine; đồng thời cam kết nối lại hoạt động hỗ trợ người Palestine, mở lại Lãnh sự quán Mỹ ở Đông Jerusalem và phái bộ của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) tại thủ đô Washington D.C. Gần đây, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, tân Tổng thống Joe Biden tin rằng “giải pháp hai nhà nước Israel và Palestine vẫn là con đường duy nhất ở phía trước”.

Ngày 1-2, chính quyền Palestine cho hay đã nối lại tiếp xúc với chính phủ Mỹ sau hơn 3 năm gián đoạn. Trong khi đó, “Bộ tứ” (Nga, LHQ, Mỹ và Liên minh châu Âu) đã có những bước đi để khởi động lại kế hoạch về hòa bình Trung Đông. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ủng hộ đề xuất của Palestine tổ chức một hội nghị về hòa bình cho Trung Đông và cho rằng sự kiện này có thể diễn ra ở cấp bộ trưởng vào mùa Xuân hoặc mùa Hè năm nay với nhiều thành phần mở rộng. Ông Lavrov nhấn mạnh, hội nghị sẽ là nền tảng để có thể phân tích thấu đáo tình hình Trung Đông hiện nay và hỗ trợ các nước liên quan đối thoại, đồng thời nhắc lại Nga sẵn sàng đăng cai để Israel và Palestine có thể đối thoại ở cấp cao nhất tại Moscow.

Hồi đầu tháng 1, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry đã điện đàm với người đồng cấp Israel Gabi Ashkenazi trao đổi về hợp tác tại hội nghị sắp diễn ra của nhóm “Bộ tứ” (bao gồm Ai Cập, Đức, Pháp và Jordan) về việc tái khởi động tiến trình hòa bình Trung Đông. Hội nghị quy tụ ngoại trưởng các nước thuộc nhóm “Bộ tứ” này và người đồng cấp từ Israel, Palestine. Đại diện 4 nước (Ai Cập, Đức, Pháp và Jordan) cũng bày tỏ sẵn sàng hợp tác với chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm “tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán hướng tới một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài”.

Có thể nói, cùng với chương trình hạt nhân của Iran, cuộc xung đột Israel và Palestine là hai vấn đề đầy gai góc của của cộng đồng quốc tế trong nhiều thập niên qua. Đặc biệt, đối với Mỹ, đây là “điểm nhấn” trong chính sách đối ngoại của các đời tổng thống. Đáng chú ý là cựu Tổng thống Barack Obama trước đây và Tổng thống Joe Biden hiện nay coi “giải pháp hai nhà nước để Israel và Palestine có thể cùng chung sống hòa bình” là mục tiêu nhất quán để giải quyết cuộc xung đột được các bên liên quan đồng tình, ủng hộ.

Dư luận đang chờ đợi những bước khởi động của cả hai “Bộ tứ” nhằm đưa Israel và Palestine ngồi vào bàn đàm phán tìm kiếm một giải pháp hòa bình để hai nhà nước cùng tồn tại, chấm dứt cuộc xung đột kéo dài kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc đến nay.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích