Mỹ "cài đặt lại" quan hệ đồng minh

.

Sau nhiều tuần có những đồn đoán về lý do Tổng thống Mỹ Joe Biden chưa điện đàm với Israel - một trong những đồng minh thân thiết của Washington, cuối cùng thì người đứng đầu Nhà Trắng cũng có cuộc trò chuyện qua điện thoại với Thủ tướng Benjamin Netanyahu.

 Ông Joe Biden (trái) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong một cuộc gặp gỡ năm 2016. Ảnh: Reuters
Ông Joe Biden (trái) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong một cuộc gặp gỡ năm 2016. Ảnh: Reuters

Báo The Telegraph cho hay, trong 4 tuần đầu tiên tiếp quản Nhà Trắng, Tổng thống Biden đã có các cuộc điện thoại với từng nhà lãnh đạo của các nước đồng minh và Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Danny Danon thuộc đảng Likud của Thủ tướng Netanyahu bày tỏ thất vọng khi danh sách tất cả các quốc gia và nhà lãnh đạo nhận được cuộc gọi từ Phòng Bầu dục trong thời gian gần đây chưa có Israel. Các chính trị gia bảo thủ ở Mỹ, trong đó có cựu Đại sứ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley, chỉ trích chính phủ của ông Biden “phớt lờ” Israel.

Dù Nhà Trắng khẳng định không có chuyện Mỹ “phớt lờ” Israel, nhưng không thể phủ nhận sự lo lắng từ phía Tel Aviv. Theo Reuters, Nhà Trắng cho hay, ông Netanyahu - người khác biệt với tân Tổng thống Mỹ về một số vấn đề Trung Đông như Iran - sẽ là nhà lãnh đạo đầu tiên ở Trung Đông mà ông Biden có cuộc điện đàm. 

Về lý thuyết, Mỹ và Israel là đồng minh thân thiết. Mỹ cung cấp khoảng 3,8 tỷ USD viện trợ quân sự hằng năm và đứng về phía Israel trong căng thẳng Israel - Palestine. Báo The Telegraph còn bình luận: Có những lý do để tin rằng ông Biden kể từ khi nhậm chức vào ngày 20-1 đã cố tình lạnh nhạt với Thủ tướng Israel.

Trong 4 năm qua, Thủ tướng Netanyahu đã nỗ lực xây dựng mối quan hệ với ông Donald Trump - người làm Tổng thống Mỹ lúc đó. Ông Netanyahu thậm chí đặt tên các khu tái định cư mới của Israel theo tên ông Trump (gọi cao nguyên Golan là Trump Heights). Còn ông Trump ủng hộ các chính sách xây dựng khu định cư của ông Netanyahu ở Bờ Tây, việc Israel sáp nhập cao nguyên Golan; quyết định dời Đại sứ quán Mỹ về Jerusalem. Ông Trump cũng làm trung gian thúc đẩy bình thường hóa quan hệ ngoại giao của Israel với các quốc gia vùng Vịnh.

Trong bài phát biểu quan trọng đầu tiên về chính sách sau khi nhậm chức, Tổng thống Biden không đề cập đến Israel khi nói về những nỗ lực củng cố các quan hệ đồng minh của Mỹ. Về phía Israel, nhiều động thái của Thủ tướng Netanyahu, trong đó có việc công khai bác bỏ kế hoạch của ông Biden đối với thỏa thuận hạt nhân Iran, cũng có thể là một trong những nguyên nhân khiến tân Tổng thống Mỹ chậm thực hiện cuộc điện đàm. Giới quan sát cho rằng, đây có thể là một dấu hiệu cho thấy ông Biden có ý định cài đặt lại các mối quan hệ của Mỹ thời hậu Trump và có lẽ người đứng đầu Nhà Trắng không muốn gia tăng hình ảnh cho ông Netanyahu trước thềm cuộc bầu cử ở Israel vào ngày 23-3 tới.

Tuy nhiên, theo Reuters, sau một giờ điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo, Văn phòng Thủ tướng Israel mô tả rằng, hai ông đã “ghi nhận mối quan hệ cá nhân từ lâu của họ”. Hai nhà lãnh đạo đã bàn về “mối đe dọa Iran”, quan hệ của Israel với các nước Arab và Hồi giáo. Tổng thống Mỹ nhấn mạnh việc sẵn sàng thúc đẩy hợp tác quốc phòng với Israel và ủng hộ việc Tel Aviv bình thường hóa với những nước láng giềng. Tổng thống Biden cũng “nhấn mạnh tầm quan trọng” của việc hướng tới hòa bình giữa Israel và Palestine.

Chính phủ của ông Biden cũng cho hay, Washington dự kiến nối lại quan hệ với giới lãnh đạo Palestine và khôi phục các chương trình viện trợ của Mỹ vốn đã ngừng dưới thời Tổng thống Trump. Một số nhà phân tích lại nhận định, chính phủ Mỹ vẫn muốn tạo dựng quan hệ tốt đẹp với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, thúc đẩy quan hệ Israel với khối Arab, nhưng lại muốn “giải pháp hai nhà nước” - điều mà Tel Aviv không thực sự mong đợi.

Báo The Telegraph cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden có ý định cài đặt lại quan hệ không chỉ với Israel mà còn với Saudi Arabia bằng cách thực hiện ngoại giao với Quốc vương 85 tuổi Salman bin Abdulaziz, thay vì với Thái tử Mohammed bin Salman - theo một tuyên bố của Nhà Trắng ngày 16-2. Song, AP dẫn lời một nhà ngoại giao Israel cho rằng, việc Thủ tướng Benjamin Netanyahu là nhà lãnh đạo Trung Đông đầu tiên có cuộc điện đàm với Tổng thống Biden là một dấu hiệu tích cực.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.