Mỹ cam kết bảo vệ châu Âu

.

Không theo chính sách “nước Mỹ trên hết” của người tiền nhiệm Donald Trump, Tổng thống Joe Biden tuyên bố “nước Mỹ trở lại”, “liên minh xuyên Đại Tây Dương trở lại” và cam kết bảo vệ các đồng minh châu Âu.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich từ Nhà Trắng. Ảnh: ABC News
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich từ Nhà Trắng. Ảnh: ABC News

Theo New York Times, Tổng thống Joe Biden đã dùng bài phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich trực tuyến cuối tuần qua để nói về “liên minh xuyên Đại Tây Dương” vốn có nhiều rạn nứt trong 4 năm qua. Người đứng đầu Nhà Trắng kêu gọi các đồng minh truyền thống của Mỹ một lần nữa nên tin tưởng vai trò lãnh đạo của Washington. “Tôi gửi thông điệp đến thế giới: Nước Mỹ trở lại. Liên minh xuyên Đại Tây Dương trở lại”, ông Biden nói.

Hãng tin AP cho biết, Tổng thống Biden gọi tình trạng căng thẳng trong những năm qua là “phép thử mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương”. Ông khẳng định quyết tâm tái liên kết với châu Âu, bảo vệ châu Âu, tham vấn cùng châu Âu và lấy lại vị trí lãnh đạo đáng tin cậy của cường quốc hàng đầu thế giới.

Trước phát biểu của lãnh đạo Mỹ, Thủ tướng Đức Angela Merkel hoan nghênh việc trở lại “chủ nghĩa đa phương” sau nhiều năm Washington và châu Âu căng thẳng dưới thời ông Donald Trump. “Rõ ràng là chủ nghĩa đa phương sẽ một lần nữa có cơ hội mạnh mẽ hơn”, bà Merkel nói. Nữ Thủ tướng sắp rời nhiệm sở cũng ca ngợi quyết định của ông Biden hủy bỏ kế hoạch rút 12.000 binh sĩ khỏi Đức. Song, bà Merkel lưu ý rằng, một số khác biệt giữa Mỹ và châu Âu vẫn còn phức tạp. Khi ông Trump làm Tổng thống Mỹ đã chỉ trích chính sách di cư và tị nạn của bà Merkel, cũng như dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng, châu Âu không thể phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ, mà “lục địa già” cần tập trung nhiều hơn vào châu Á, nhất là Trung Quốc. Ông Macron muốn Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hành động như một cơ quan chính trị hơn, một nơi mà các thành viên châu Âu có vị trí tương đương Mỹ. “Một châu Âu có khả năng tự bảo vệ mình tốt hơn, tự chủ hơn sẽ giúp NATO thậm chí mạnh hơn trước”, ông Macron khẳng định và cho rằng liên minh quân sự này nên tự chịu trách nhiệm nhiều hơn về an ninh của khối. Năm 2019, ông Macron từng nhận định, nước Mỹ dưới thời ông Trump “đang quay lưng với NATO” và kêu gọi châu Âu nỗ lực nhiều hơn nữa với mục tiêu “tự chủ về chiến lược” nhằm lấp khoảng trống an ninh.

Cũng theo New York Times, cả ba nhà lãnh đạo Mỹ, Đức và Pháp dường như nhận ra rằng, cuộc họp trực tuyến lần này là dịp để khép lại kỷ nguyên “nước Mỹ trên hết”, đồng thời bà Merkel và ông Macron chào đón Tổng thống Biden - chính trị gia mà họ đã biết rõ trong những năm ông còn làm Thượng nghị sĩ và Phó Tổng thống. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cũng hoan nghênh sự trở lại của Mỹ.

Trước đó, tại hội nghị trực tuyến các nhà lãnh đạo nhóm các nước giàu có G7, Tổng thống Biden cũng khẳng định cam kết xây dựng liên minh trở lại với châu Âu, trái ngược với các chính sách của người tiền nhiệm Donald Trump.

Giới quan sát nhận định: Tổng thống Biden đã dùng những bài phát biểu “chào sân quốc tế” để “xoay trục”, thể hiện cam kết ưu tiên khôi phục mối quan hệ với châu Âu và trở lại chủ nghĩa đa phương. Chẳng hạn, Mỹ sẵn sàng tái tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran, chính thức tham gia trở lại hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, cũng như dẫn đầu những nỗ lực ủng hộ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Song, để thực sự “xoay trục”, thúc đẩy mức độ hợp tác xuyên Đại Tây Dương mạnh mẽ trở lại là điều không dễ trong lúc “lục địa già” hiện có nhiều mối quan tâm khác và muốn ít bị Washington chi phối hơn.

VĨNH AN

;
;
.
.
.
.
.