Nước Mỹ trở lại

.

“Chúng ta là một quốc gia luôn làm những điều lớn lao. Chính sách ngoại giao của Mỹ đã làm điều đó thành hiện thực và chính quyền của chúng tôi sẵn sàng đứng đầu, dẫn đầu một lần nữa”, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định trong bài phát biểu đầu tiên về chính sách đối ngoại ngày 4-2.

Tổng thống Joe Biden phát biểu về chính sách đối ngoại tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ. Ảnh: Reuters
Tổng thống Joe Biden phát biểu về chính sách đối ngoại tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ. Ảnh: Reuters

Theo AP, đến thăm trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ và gặp gỡ tân Ngoại trưởng Antony Blinken ngày 4-2 (giờ Washington), Tổng thống Joe Biden phác thảo một kỷ nguyên mới đối với cường quốc này sau khi người tiền nhiệm Donald Trump để lại “di sản” là một chính sách ngoại giao “không có hệ thống”. Ông Biden nói rằng, “nước Mỹ trở lại” trên trường quốc tế và hứa hẹn chính sách đối ngoại khác biệt với người tiền nhiệm. “Nước Mỹ không thể vắng mặt lâu hơn nữa trên trường quốc tế”, tân Tổng thống nhấn mạnh.

Đáp ứng “các thách thức của hôm nay và ngày mai”

Trong bài phát biểu, ông Biden đề cập việc Mỹ sẽ cạnh tranh từ một vị thế có sức mạnh bằng cách tái thiết trong nước, hợp tác với các đồng minh và đối tác, đồng thời đổi mới vai trò của Washington trong các thể chế quốc tế và lấy lại uy tín.

“Chúng ta sẽ khôi phục các liên minh và tương tác với thế giới trở lại, không phải đáp ứng các thách thức của hôm qua, mà là hôm nay và ngày mai”, người đứng đầu Nhà Trắng nói. Ông cho rằng, Mỹ đang phải đối mặt với nhiều thách thức đến từ tham vọng cạnh tranh ngày càng gia tăng của Trung Quốc và sức ép từ Nga.

“Chúng ta phải đáp ứng thời điểm mới này, với các thách thức toàn cầu ngày càng tăng từ đại dịch Covid-19, khủng hoảng khí hậu đến phổ biến vũ khí hạt nhân”, ông Biden cho hay. Theo các nhà phân tích, thông điệp mà Tổng thống Biden mang lại chính là giá trị của cách tiếp cận quốc tế, hàn gắn mối quan hệ đồng minh bị tổn thương dưới chính phủ tiền nhiệm Donald Trump. Cụ thể, ông Biden đã có các cuộc điện đàm với nhiều lãnh đạo các nước đồng minh thân cận nhất như Canada, Mexico, Anh, Đức, Pháp, Úc và Hàn Quốc trong những ngày qua.

Khi làm Tổng thống, với chính sách “nước Mỹ trên hết”, ông Donald Trump khiến mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương căng thẳng bằng chính sách thuế quan, phá vỡ các liên minh toàn cầu, dọa rút binh sĩ Mỹ khỏi các quốc gia đồng minh - trong đó có việc rút khoảng 9.500 binh sĩ trong số 34.500 binh sĩ đồn trú ở Đức. Giờ đây,

Tổng thống Biden chính thức ngừng kế hoạch rút quân khỏi Đức cho đến khi Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đánh giá sự hiện diện của quân đội Mỹ trên toàn cầu. Theo đó, ông yêu cầu Bộ trưởng Austin phải bảo đảm dấu ấn quân sự của Mỹ phù hợp với chính sách đối ngoại và các ưu tiên an ninh quốc gia của nước này. “Các liên minh của Mỹ là tài sản lớn nhất của chúng ta. Dẫn đầu bằng ngoại giao đồng nghĩa với việc một lần nữa sánh vai với các đồng minh và đối tác quan trọng”, Tổng thống Biden nói.

Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh nặng ký nhất”

Trong bài phát biểu, theo báo South China Morning Post, Tổng thống Biden nhấn mạnh đến chính sách đối ngoại cứng rắn với Trung Quốc trong nhiệm kỳ của mình, nhưng vẫn khẳng định sẵn sàng hợp tác với Bắc Kinh nếu điều đó nằm trong lợi ích của Washington. Người đứng đầu Nhà Trắng mô tả Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh nặng ký nhất” với Mỹ.

Theo đó, Mỹ sẽ đối đầu với Trung Quốc trong nhiều vấn đề, chẳng hạn về quyền con người, sở hữu tài sản trí tuệ và chính sách kinh tế. Hiện tại, Tổng thống Mỹ Biden chưa có cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hôm 3-2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ra tuyên bố rằng, Trung - Mỹ có lợi ích chung và không gian hợp tác rộng rãi trong ứng phó với biến đổi khí hậu và hợp tác Trung - Mỹ có thể làm được rất nhiều việc lớn có lợi cho hai nước cũng như cho thế giới.

Vị trí Ngoại trưởng Mỹ được ông Biden giao cho ông Antony Blinken, nhà ngoại giao kỳ cựu. Trong quan hệ với Trung Quốc, ông Blinken cho rằng, chính sách cứng rắn của ông Trump không phải là cách tiếp cận, mà tốt hơn là Mỹ nên hợp tác với các đồng minh để đối phó với Bắc Kinh thông qua các thể chế quốc tế mà người tiền nhiệm đã từ bỏ.

Cuộc chiến ở Yemen phải đến hồi kết

Hãng tin Reuters cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 4-2 tuyên bố ngừng ủng hộ các chiến dịch quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu ở Yemen, đồng thời yêu cầu cuộc chiến tranh vốn kéo dài hơn 6 năm này phải kết thúc. “Cuộc chiến phải đến hồi kết”, ông Biden nêu rõ trong bài phát biểu về chính sách ngoại giao của Mỹ.

Ông Biden bổ nhiệm nhà ngoại giao kỳ cựu Timothy Lenderking làm đặc phái viên của Mỹ về Yemen để hỗ trợ những nỗ lực của Liên Hợp Quốc (LHQ) nhằm tìm kiếm lệnh ngừng bắn và nối lại các cuộc hòa đàm. LHQ mô tả Yemen là cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất thế giới, với 80% số người dân đang gặp khó khăn và hàng triệu người đứng trước nguy cơ nạn đói quy mô lớn.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.