Ngày 3-2, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, chương trình tiếp cận vắc-xin toàn cầu (COVAX) dự kiến phân phối 336 triệu liều vắc-xin đến các nước đang phát triển trong 6 tháng đầu năm 2021.
Theo CNN, cơ chế COVAX do WHO dẫn đầu sẽ cung cấp vắc-xin cho 3,3% tổng dân số của 145 quốc gia trong đợt phân phối đầu tiên. Cụ thể, trong 336 triệu liều vắc-xin nói trên, có 240 triệu liều do Viện Serum của Ấn Độ sản xuất, 96 triệu liều của hãng dược AstraZeneca, cùng 1,2 triệu liều của hãng Pfizer/BioNTech. Cơ chế COVAX được thiết lập hồi tháng 4-2020 nhằm đặt mua vắc-xin và bảo đảm phân phối số hàng này công bằng khắp thế giới.
Trong khi đó, cũng theo CNN, ngày 4-2, Anh triển khai thử nghiệm để đánh giá các phản ứng miễn dịch được tạo ra nếu kết hợp vắc-xin Covid-19 của Pfizer Inc và AstraZeneca Plc thành 2 mũi tiêm. Các nhà nghiên cứu nói rằng, các dữ liệu tiêm chủng ở người bằng 2 loại vắc-xin khác nhau có thể giúp họ hiểu được liệu các mũi tiêm có thể được triển khai linh hoạt trên toàn thế giới hay không.
Bộ trưởng Vắc-xin Anh Nadhim Zahawi cho biết, các loại vắc-xin hiện nay có thể vẫn hiệu quả với các biến thể mới của SARS-CoV-2. Theo ông Zahawi, trên thế giới đang có khoảng 4.000 biến thể của SARS-CoV-2 nên các nhà sản xuất vắc-xin như Pfizer Inc và AstraZeneca phải nhanh chóng cải tiến sản phẩm.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng cho hay, mọi vắc-xin ngừa Covid-19 được hoan nghênh ở Liên minh châu Âu (EU) nếu các sản phẩm này đạt chuẩn.
BÌNH YÊN