Ngày 23-3, Israel bước vào cuộc tổng tuyển cử lần thứ tư trong vòng 2 năm. Một lần nữa, sự kiện này là cuộc trưng cầu dân ý đối với uy tín của ông Benjamin Netanyahu, người giữ cương vị Thủ tướng suốt 12 năm.
Những người ủng hộ đảng Likud mang theo biểu ngữ có hình ảnh Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: AFP/Getty Images |
Hãng tin AP cho biết, Thủ tướng Benjamin Netanyahu hy vọng cử tri sẽ dành những lá phiếu cho đảng Likud của ông vì những nỗ lực của nhà lãnh đạo này trong chiến dịch tiêm chủng thần tốc, mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế - xã hội ngay trước khi diễn ra bầu cử. Tính đến ngày 21-3, khoảng 60% dân số Israel đã được tiêm chủng. Song, những người chống đối nhắc đến các bước đi sai lầm của chính phủ trong việc phòng, chống Covid-19 từ giai đoạn đầu, hàng loạt lệnh phong tỏa đã gây tác động nghiêm trọng cho nền kinh tế, hàng ngàn doanh nghiệp thiệt hại, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 2 chữ số. Theo trang thống kê worldometers, Israel hiện có hơn 828.000 ca nhiễm và gần 6.100 ca tử vong do Covid-19. Thêm vào đó, nhiều người chỉ trích ông Netanyahu về chủ nghĩa dân tộc cực đoan gây chia rẽ và phiên tòa xét xử ông với cáo buộc tham nhũng vẫn đang diễn ra.
Các kết quả thăm dò dư luận cho thấy, bầu cử Quốc hội lần này là cuộc đua rất căng thẳng, làm gia tăng khả năng xảy ra bế tắc một lần nữa trong việc thành lập chính phủ liên minh, thậm chí có thể phải tổ chức bầu cử lần thứ năm - điều chưa từng có ở Israel. Ở Israel, cử tri bỏ phiếu cho các đảng chính trị, chứ không bỏ phiếu cho cá nhân. Likud vẫn được kỳ vọng giữ được vị thế là đảng lớn nhất nhưng có thể vẫn chưa đủ số ghế để thành lập chính phủ liên minh. Trong khi đó, theo Reuters, các thăm dò cho hay, liên minh của ông Netanyahu sẽ giành được khoảng 60 ghế, còn thiếu 1-2 ghế để chiếm đa số trong Quốc hội gồm 120 ghế.
Một vấn đề khác đặt ra là trong 3 cuộc tổng tuyển cử trước đây, Israel có “một ngôi sao khách mời” - ông Donald Trump lúc đó làm Tổng thống Mỹ. Trên tuyến đường cao tốc đông đúc nhất ở Israel, đảng Likud treo áp-phích cao cho thấy hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Benjamin Netanyahu bắt tay nhau. Ông Trump được cho là đã tìm cách xoay chuyển các cuộc thăm dò dư luận theo hướng có lợi cho đồng minh Netanyahu. Giờ đây, khi cử tri mệt mỏi khi phải đi bỏ phiếu lần thứ tư, ông Netanyahu không còn dựa vào sự trợ giúp từ Nhà Trắng nữa. Tổng thống Mỹ Joe Biden dường như không quan tâm quá mức đồng minh Israel như người tiền nhiệm. Sau khi ông Biden tiếp quản Nhà Trắng vào tháng 1-2021, một vài tuần sau đó, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Israel mới có cuộc điện đàm đầu tiên. Tuy nhiên, Likud hiện vẫn có lợi thế hơn cả, nhất là khi Thủ tướng Netanyahu tuyên bố chiến thắng Covid-19 bằng việc đưa Israel trở thành “quốc gia tiêm chủng”. Reuters cho hay, nhà lãnh đạo 71 tuổi tập trung làm nổi bật vai trò của mình trong việc biến một Israel công nghệ cao thành “quốc gia tiêm chủng”. “Chúng ta dẫn đầu thế giới về xử lý đại dịch Covid-19… Tôi đã mang hàng triệu liều vắc-xin về và sẽ mang hàng triệu liều nữa”, ông Netanyahu đề cập khi trả lời phỏng vấn hàng loạt hãng truyền thông.
Đối với Thủ tướng Netanyahu, việc được ông Albert Bourla, Tổng Giám đốc điều hành hãng dược Pfizer (Mỹ), nhà cung cấp chính vắc-xin ngừa Covid-19 cho Israel, ca ngợi công khai là “điểm nhấn vàng” cho chiến dịch tranh cử. Trên kênh truyền hình Channel 12 của Israel, ông Bourla cho biết, Thủ tướng Netanyahu đã gọi điện thoại cho ông 30 lần, thậm chí lúc 3 giờ sáng, để bảo đảm thỏa thuận cung cấp vắc-xin. Với việc nền kinh tế Israel mở cửa trở lại, người dân Israel có thể quên đi những khó khăn trong năm 2020. Điều này có thể lý giải vì sao các thăm dò dư luận cho thấy đa số người dân Israel mặc dù muốn Thủ tướng của họ phải được thay thế, nhưng ông Netanyahu vẫn là người phù hợp nhất cho vị trí này.
PHÚC NGUYÊN