Châu Âu ngăn xuất khẩu vắc-xin ngừa Covid-19

.

Ý chính thức ngăn chặn vận chuyển vắc-xin ngừa Covid-19 của hãng dược AstraZeneca tới Úc. Ủy ban châu Âu (EC) ủng hộ quyết định này. Trong khi đó, Pháp tuyên bố có thể có động thái tương tự.

Một container chở vắc-xin ngừa Covid-19 của hãng dược AstraZeneca đến sân bay quốc tế Sydney (Úc) ngày 28-2. 					     Ảnh: Getty Images
Một container chở vắc-xin ngừa Covid-19 của hãng dược AstraZeneca đến sân bay quốc tế Sydney (Úc) ngày 28-2. Ảnh: Getty Images

Cuối tháng 1-2021, “cuộc chiến” công khai và gay gắt đã nổ ra giữa Liên minh châu Âu (EU) và AstraZeneca xung quanh sự chậm trễ chuyển giao vắc-xin ngừa Covid-19. Từ đó, EU cho phép các nước thành viên hạn chế xuất khẩu vắc-xin ra ngoài khối.

Cách thức “tự vệ chính đáng”

Báo The Telegraph cho biết, Ý trở thành nước đầu tiên áp đặt lệnh cấm xuất khẩu của EU khi ngăn chặn lô hàng chở 250.000 liều vắc-xin của hãng AstraZeneca đến Úc. Ý dẫn quy định mới của EU về quản lý xuất khẩu vắc-xin ngừa Covid-19 mà Brussels đã kích hoạt hôm 29-1, ngăn các nhà sản xuất vắc-xin hoạt động trong lãnh thổ EU xuất khẩu vắc-xin tới các nước khác khi không thỏa mãn điều kiện cấp phép của khối gồm 27 thành viên. Theo quy định, các nhà sản xuất vắc-xin tại EU phải nộp đơn xin phép khi muốn xuất khẩu vắc-xin ra các nước ngoài liên minh và trình chứng từ xuất khẩu trong 3 tháng trước đó. Cơ chế kiểm soát vắc-xin này sẽ hết hiệu lực vào ngày 31-3 và EC đang muốn gia hạn đến cuối tháng 6.

Tờ Financial Times cho hay, EC không có bất kỳ sự phản đối nào về động thái nói trên của Ý. Báo The Telegraph dẫn các nguồn tin của EU rằng, EC ủng hộ quyết định của chính phủ Rome vì các nhà sản xuất vắc-xin không tuân thủ hợp đồng, đồng thời xem cơ chế kiểm soát xuất khẩu vắc-xin là cách thức “tự vệ chính đáng” trước những tác động tiêu cực của Covid-19 và tình trạng khan hiếm vắc-xin. Người phát ngôn của Thủ tướng Ý Mario Draghi nói với CNN: Rome và EC đã có sự thống nhất. Tại hội nghị thượng đỉnh EU trực tuyến hồi cuối tháng 2, ông Draghi kêu gọi siết chặt kiểm soát xuất khẩu vắc-xin ngừa Covid-19 và mô tả đây là cách để “bảo vệ lợi ích quốc gia của Ý”.

Ý hiện có 1,5 triệu liều vắc-xin AstraZeneca, trong đó đã triển khai tiêm 322.800 liều. Quốc gia này nhận tổng cộng 4,75 triệu liều vắc-xin từ tất cả các công ty. Ý dường như đang ở đỉnh làn sóng thứ ba của Covid-19 trong lúc tốc độ tiêm chủng trì trệ. Ngày 4-3, các nhà chức trách Ý ghi nhận hơn 20.000 ca nhiễm mới và gần 350 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm lên gần 3 triệu và số ca tử vong gần 99.000.
Về phía Pháp, trả lời phỏng vấn CNN ngày 5-3, Bộ trưởng Y tế Olivier Veran nói rằng, Paris có thể theo cách làm của Ý ngăn chặn xuất khẩu vắc-xin. “Dĩ nhiên, tôi hiểu những gì Ý làm. Chúng tôi có thể hành động tương tự”, ông Veran nói. Người đứng đầu ngành y tế Pháp nhấn mạnh: “Chúng tôi đang thảo luận với Ý cũng như với tất cả các đối tác châu Âu để có một bước tiếp cận về vấn đề này”.

EU đang gây rủi ro?

Úc đề nghị EC xem xét quyết định của Ý. Phát biểu tại thành phố Melbourne, Bộ trưởng Y tế Úc Greg Hunt cho biết, chính phủ Canberra đã nêu vấn đề với EC thông qua nhiều kênh. Còn Thủ tướng Úc Scott Morrison nói rằng, ông có thể hiểu lý do Ý phản đối xuất khẩu vắc-xin. “Ở Ý, mỗi ngày có 300 ca tử vong (vì Covid-19). Và tôi có thể hiểu sự lo lắng cao độ ở Ý cũng như nhiều nước khác trên khắp châu Âu”, ông Morrison nói với báo giới ở Sydney.

Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Brexit của Anh David Davis mô tả việc ngăn chặn xuất khẩu vắc-xin là “đáng hổ thẹn”. “Tôi e rằng, EU đang gây rủi ro đối với thiện chí của các nước còn lại. Đó là hành vi đáng hổ thẹn và thực sự đáng buồn, vì họ là bạn và là đối tác của chúng tôi”, ông Davis nói. Theo các nhà quan sát, khi xảy ra căng thẳng giữa EU và AstraZeneca, Anh lo ngại sẽ trở thành nạn nhân đầu tiên khi EU ban hành quy định cấm xuất khẩu vắc-xin.

Các nhà ngoại giao của EU bảo vệ quyết định của Ý. Một nhà ngoại giao nói rằng, Rome đã gửi một thông điệp rõ ràng đến AstraZeneca: Phải tôn trọng hợp đồng. Nhà ngoại giao này chỉ trích việc AstraZeneca cắt giảm nguồn cung vắc-xin “đặt 30 triệu người dân châu Âu vào nguy hiểm” khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.

Theo báo Wall Street Journal, nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tham gia điều tra nguồn gốc Covid-19 tại thành phố Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) dự kiến hủy bỏ việc công bố báo cáo sơ bộ về chuyến công tác mới đây. Nhóm chuyên gia này đã đến Trung Quốc vào tháng 1-2021.

Hãng Reuters cũng cho hay, một nhóm gồm 26 nhà khoa học đã gửi thư ngỏ hối thúc mở cuộc điều tra khác về nguồn gốc Covid-19, trong đó điều tra về giả thuyết virus thoát ra từ một phòng thí nghiệm ở Trung Quốc.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.