Châu Âu tăng tốc tiêm vắc-xin ngừa Covid-19

.

Đức chậm hơn Anh rất nhiều trong chiến dịch tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 nên đang thúc đẩy việc tiêm chủng. Trong khi đó, bất mãn với chiến lược vắc-xin của châu Âu, một số nước ở “lục địa già” đã đặt hàng vắc-xin Sputnik V của Nga và vắc-xin Sinopharm của Trung Quốc.

Vắc-xin ngừa Covid-19 mang tên Sputnik V của Nga được vận chuyển đến sân bay Kosice, Slovakia ngày 1-3. 					                 Ảnh: AP
Vắc-xin ngừa Covid-19 mang tên Sputnik V của Nga được vận chuyển đến sân bay Kosice, Slovakia ngày 1-3. Ảnh: AP

Theo AP, cũng như nhiều nước khác trong Liên minh châu Âu (EU), chiến dịch tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 ở Đức chậm chân và thua xa Israel, Anh, Mỹ. Thủ tướng Đức Angela Merkel từng cam kết tiêm vắc-xin cho tất cả công dân vào cuối mùa hè này. Nhưng đến nay, Đức mới tiêm 238.000 liều vắc-xin AstraZeneca/Oxford cho những người dưới 65 tuổi, trong số hơn 1,4 triệu liều đã được chuyển giao.

Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) đã phê chuẩn vắc-xin AstraZeneca/Oxford dùng cho tất cả các lứa tuổi. Song, một số quốc gia thuộc EU, trong đó có Đức, lại hạn chế tuổi được tiêm vắc-xin: nhóm ưu tiên hàng đầu là những người dưới 65 tuổi.

Hãng tin CNN cho biết, chiều 3-3, Thủ tướng Merkel gặp gỡ lãnh đạo 16 bang của Đức để bàn thảo các giải pháp tiếp theo nhằm ứng phó với Covid-19. Số ca nhiễm ở Đức tiếp tục gia tăng với 9.000 ca nhiễm mới được ghi nhận trong vòng 24 giờ và 418 ca tử vong, nâng số ca nhiễm lên hơn 2,4 triệu, trong đó có 71.300 ca tử vong. Điều đáng nói là người dân Đức ngày càng thất vọng về các biện pháp hạn chế và tiến độ của chiến dịch tiêm chủng.

Trong khi đó, Pháp hồi đầu tuần này cho phép những người trên 65 tuổi được tiêm vắc-xin AstraZeneca/Oxford, điều chỉnh giới hạn lên 75 tuổi. Với hơn 3,7 triệu ca mắc Covid-19 và 87.200 ca tử vong, Pháp đang thúc đẩy tốc độ tiêm chủng để đến giữa tháng 5 tất cả những người trên 50 tuổi đều được tiêm liều đầu tiên. Hiện hơn 2,6 triệu người dân ở Pháp đã được tiêm ít nhất một liều vắc-xin.

Tại Bỉ và Ý, các chính phủ đang nới lỏng quy định hạn chế về tuổi tiêm vắc-xin AstraZeneca/Oxford trong lúc đối mặt với làn sóng thứ ba của dịch bệnh với nhiều ca nhiễm biến thể SARS-CoV-2. Còn Tân Thủ tướng Ý Mario Draghi chủ trương tăng cường các biện pháp chống dịch, tăng tốc chiến dịch tiêm chủng vắc-xin để đối phó với làn sóng thứ ba.

EMA đã cấp phép cho 3 loại vắc-xin: Pfizer/BioNTech, AstraZeneca/Oxford và Moderna. Reuters dẫn lời Cao ủy phụ trách công nghiệp của EU Thierry Breton ngày 3-3 cho biết, liên minh đặt mục tiêu đến cuối năm nay gia tăng năng lực sản xuất vắc-xin ngừa Covid-19 của khu vực lên 2-3 tỷ liều. Trả lời phỏng vấn nhật báo Corriere della Sera của Ý, ông Breton thúc giục các nước thành viên nhanh chóng thực hiện các chính sách tiêm vắc-xin bởi “năng lực sản xuất vắc-xin đang gia tăng từng tuần”. Ông Breton nói rằng, đến nay có khoảng 43 triệu liệu vắc-xin đã được chuyển đến EU, nhưng chỉ mới 30,2 triệu liều đã được tiêm.

EU bị chỉ trích gay gắt về phản ứng chậm chạp trong chiến dịch vắc-xin. Thất vọng về chiến lược vắc-xin của khối, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz hồi đầu tuần này tuyên bố tìm kiếm hợp tác với Israel và Đan Mạch về sản xuất vắc-xin cũng như hợp tác phát triển các mũi tiêm cải tiến để đối phó với các biến thể mới của SARS-CoV-2. Trong khi đó, theo AP, Hungary và Slovakia đang đặt hàng vắc-xin Sputnik V của Nga.

Hungary đã đặt hàng vắc-xin Pfizer/BioNTech, AstraZeneca/Oxford và Moderna thông qua EU, nhưng theo Bộ trưởng phụ trách quan hệ quốc tế Hungary Zoltan Kovacs, chiến lược của khối gồm 27 thành viên này không đáp ứng kỳ vọng. Không những thế, Hungary đã bắt đầu sử dụng vắc-xin của tập đoàn Sinopharm (Trung Quốc) tiêm cho hơn 500.000 người ít nhất một liều. 

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cũng muốn có động thái tương tự Hungary trong việc tìm kiếm vắc-xin của Trung Quốc. Với Cộng hòa Czech, Chính phủ không chỉ đặt hàng vắc-xin Sputnik V của Nga mà còn xem xét việc sử dụng vắc-xin Sinopharm của Trung Quốc, dù EMA không cấp phép cho hai loại vắc-xin này được sử dụng ở châu Âu. Cộng hòa Czech hiện ghi nhận trung bình gần 1.000 ca nhiễm mới trên 1 triệu dân mỗi ngày, song chỉ có gần 582.000 liều vắc-xin đã được tiêm cho người dân, trong đó có khoảng 221.000 người được tiêm liều thứ hai.

BÌNH YÊN

;
;
.
.
.
.
.