COVAX phân phối hơn 34 triệu liều vắc-xin

.

Trong tuần đầu tiên bắt đầu phân phối vắc-xin ngừa Covid-19, chương trình COVAX đã chuyển giao 20 triệu liều vắc-xin đến 20 quốc gia nghèo. Tuần này, COVAX sẽ phân phối thêm 14,4 triệu liều vắc-xin đến 31 nước.

.
Một công dân ở thành phố Abidjan, Côte d'Ivoire, được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Ảnh: AP.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, Ghana là nước đầu tiên tiếp nhận vắc-xin AstraZeneca theo cơ chế COVAX với 600.000 liều được chuyển giao, tiếp đó là Côte d'Ivoire. Đánh giá về tuần đầu tiên triển khai COVAX, CNN dẫn lời ông Tedros phát biểu trong cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ) nhấn mạnh: “Đây là tuần mang tính bước ngoặt đối với COVAX khi những liều vắc-xin đầu tiên được đưa đến Ghana và Côte d'Ivoire”. Người đứng đầu WHO xác nhận 20 triệu liều đã được phân bổ cho 20 quốc gia. Tuần này sẽ có thêm 14,4 triệu liều được chuyển giao cho 31 nước, nâng tổng số quốc gia tiếp nhận vắc-xin theo cơ chế COVAX lên 51 nước.

COVAX là sáng kiến phân phối vắc-xin ngừa Covid-19 trên toàn cầu do Liên Hợp Quốc khởi xướng, với sự phối hợp giữa WHO và Liên minh Vắc-xin (Gavi), nhằm bảo đảm việc tiếp nhận công bằng vắc-xin giữa các nước giàu và các nước nghèo. Ngân sách của COVAX nhờ vào nguồn tài trợ của các quốc gia giàu có.
Sau Ghana và Côte d'Ivoire, các nước sau đã tiếp nhận vắc-xin của COVAX: Angola, Campuchia, Colombia, Congo, Gambia, Ấn Độ, Kenya, Lesotho, Malawi, Mali, Moldova, Nigeria, Philippines, Hàn Quốc, Rwanda, Senegal, Sudan và Uganda.

Tổng Giám đốc WHO cho rằng, cần sản xuất vắc-xin khẩn cấp để COVAX đáp ứng mục tiêu phân phối 2 tỷ liều vắc-xin ngừa Covid-19 đến cuối năm nay. “Đây là tiến trình đáng khích lệ. Nhưng số liều vắc-xin được phân phối thông qua COVAX vẫn khá ít. Đợt phân phối đầu tiên chỉ cho 2-3% dân số ở các nước tiếp nhận vắc-xin”, ông Tedros nói và nhấn mạnh: Một trong những mục tiêu chính của COVAX là giúp tất cả các nước chấm dứt đại dịch, nhưng để thực hiện được điều này, cần tăng cường sản xuất vắc-xin.

Khoảng 198 quốc gia tham gia COVAX, nhưng không phải tất cả các nước này đều được phân phối vắc-xin ngừa Covid-19 trong đợt đầu tiên. Theo AFP, dự kiến đến cuối tháng 5, sẽ có 238,2 triệu liều vắc-xin được phân phối tới 142 nước. Trong đó, Pakistan tiếp nhận 14,6 triệu liều; Nigeria: 13,6 triệu liều; Indonesia: 11,7 triệu liều; Bangladesh: 10,9 triệu liều và Brazil: 9,1 triệu liều. Iran, Myanmar, Kenya và Uganda, mỗi nước cũng sẽ tiếp nhận hơn 3 triệu liều vắc-xin.

Hiện những nước châu Phi đã bắt đầu chương trình tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 bao gồm: Nam Phi, Zimbabwe, Senegal, Morocco và Ai Cập. Ở Ghana, Tổng thống Nana Akufo-Addo được tiêm liều vắc-xin đầu tiên vào ngày 1-3. Hãng tin AFP cho biết, Ủy ban Liên minh châu Phi sẽ tổ chức cuộc họp vào ngày 12-4 tới nhằm phát thảo lộ trình để “lục địa đen” bắt đầu sản xuất vắc-xin ngừa Covid-19.

Một số nước giàu cũng có trong danh sách được phân phối vắc-xin theo cơ chế COVAX như: Hàn Quốc: 2,2 triệu liều; Canada: 1,6 triệu liều; Saudi Arabia: 1,5 triệu liều; Singapore: 245.000 liều và New Zealand: 211.000 liều.

Vấn đề đang được đặt ra là “chủ nghĩa dân tộc vắc-xin” trỗi dậy khiến chính phủ các nước đang sản xuất vắc-xin phải tích trữ nguồn cung cho người dân của mình. Trong khi đó, các nước có thu nhập thấp phải phụ thuộc vào các sáng kiến của các thể chế quốc tế để có vắc-xin, từ đó mới có thể vượt qua đại dịch Covid-19.

Hãng tin Reuters cho hay, ngày 8-3 và 9-3, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sẽ bàn thảo về đề xuất của Nam Phi và Ấn Độ trong việc bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với bằng sáng chế vắc-xin ngừa Covid-19. Khoảng 100 nước có thu nhập thấp và trung bình ủng hộ đề nghị này, nhưng các nước giàu phản đối. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng nói rằng, ông ủng hộ việc bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vắc-xin ngừa Covid-19 vì như vậy thì các nước mới có thể sản xuất và bán vắc-xin với giá rẻ.

Chỉ còn vài ngày nữa là tròn 1 năm Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố Covid-19 là đại dịch. Theo trang thống kê worldometers, thế giới hiện có tổng cộng hơn 117,1 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có 2,6 triệu ca tử vong và hơn 92,7 triệu ca bình phục. Mỹ dẫn đầu thế giới về ca số nhiễm và tử vong với lần lượt hơn 29,6 triệu ca và 537.000 ca.

VĨNH AN

;
;
.
.
.
.
.